Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Du lịch học tập - Loại hình du lịch nhân lên các chuỗi giá trị bền vững

Du lịch học tập là một trong những loại hình đang rất có triển vọng, mang lại nhiều giá trị cho người tham gia, cho cộng đồng sở tại và góp phần vào sự nghiệp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và giáo dục.

Theo PGS.TS Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, người đã có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực này thì du lịch học tập là loại hình dựa vào nhu cầu học tập, trải nghiệm, du khách vừa được đi du lịch, vừa được học tập những nội dung có chủ đích. Đối tượng của loại hình du lịch này có thể là học sinh, sinh viên và cả những du khách có nhu cầu học hỏi, nghiên cứu về văn hóa bản địa.

PGS.TS Võ Văn Minh đánh giá loại hình du lịch học tập đang có xu hướng phát triển mạnh hơn, phát huy được nhiều giá trị đặc biệt là khi gắn với học hành, hỗ trợ tốt cho hình thức giáo dục chính quy trong nhà trường.

dulichsinhthai1-1715049153.jpg
Các bạn học sinh tìm hiểu về biển và nghề làm nước mắm tại biển Nam Ô (Đà Nẵng).

Theo PGS.TS, việc khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng gắn với giáo dục sẽ nhân lên các chuỗi giá trị bền vững khi mang lại nhiều lợi ích thiết thực như:

Thứ nhất, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ di sản văn hóa, môi trường, bảo tồn hệ sinh thái.

Thứ hai, đây là giải pháp tốt nhất để giữ gìn, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc và thiên nhiên khi các sinh hoạt văn hóa tinh thần, các nghề truyền thống được phục hồi và phát triển.

Thứ ba, góp phần tăng thu nhập, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương, đảm bảo tính cân bằng và bền vững.

Thứ tư, loại hình này sẽ giúp cộng đồng gắn kết nhiều hơn thông qua việc cùng nhau tham gia các hoạt động, các trải nghiệm. Từ các trải nghiệm đó du khách cảm nhận được giá trị sống sâu sắc hơn. Cộng đồng địa phương cũng sẽ tự hào hơn về quê hương, về văn hóa… Con em địa phương sẽ có động lực học tập, có nhiều ý tưởng đóng góp xây dựng kinh tế gia đình, gìn giữ gia phong cũng như góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.

dulichsinhthai2-1715049153.jpg
Các em nhỏ học về mô hình vườn - ao - chuồng tại nhà ông Nguyễn Văn Hồng, thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia Chương trình UNDP/GEF SGP tại Việt Nam cho biết, UNDP đã hỗ trợ một số địa phương các dự án về du lịch học tập trong đó nổi bật là dự án tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Trước đó đại diện chương trình GEF SGP, UBND huyện Hòa Vang đã ký thỏa thuận ghi nhớ, hợp tác với Đại học Kiến trúc Đà Nẵng và Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) nhằm phối hợp giữa trường học, chính quyền và cộng đồng triển khai mô hình du lịch học tập cộng đồng tại đây.

Từ đó, sinh viên của hai trường đã có dịp học tập, trải nghiệm thực tế, khám phá nền văn hóa bản địa tại xã Hoà Bắc, nơi có cảnh quan sinh thái cùng nền văn hoá đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Cơ Tu.

Nữ điều phối viên đánh giá loại hình du lịch học tập mang lại rất nhiều lợi ích và có chi phí hợp lý cũng như rất vừa sức với đồng bào, những người mới chỉ tham gia làm du lịch thôn bản trong ít năm gần đây. Với những bạn nhỏ khi tham gia chương trình du lịch học tập các em được rèn tính tự lập, được hiểu thêm về thiên nhiên, môi trường, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, được trải nghiệm văn hóa sở tại… Điều này mang ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ đối với sự phát triển của trẻ mà còn góp phần xây dựng thế hệ trẻ yêu thiên nhiên và có những hành động cụ thể để bảo vệ môi trường.

Với các bạn sinh viên đây là dịp để tích lũy kiến thức, kỹ năng thực tế liên quan đến các ngành học. Không giới hạn trong một số ngành học nhất định, loại hình du lịch này có thể áp dụng cho nhiều ngành nghề khác nhau như: Nông - lâm - ngư nghiệp, các ngành liên quan đến môi trường, lịch sử văn hóa, sư phạm…

Không chỉ được tiếp nhận thêm tri thức từ cộng đồng, các bạn sinh viên cũng trực tiếp giúp sức cho bản làng ví dụ như đưa tri thức về công nghệ thông tin, dạy học cho các em nhỏ. Sinh viên ngành kiến trúc sẽ thiết kế kiến trúc, cảnh quan nhằm tô điểm cho vẻ đẹp của ngôi làng… tạo ra sợi dây kết nối rất bền chặt giữa nhà trường và thôn bản cũng như giữa các sinh viên và đồng bào. Từ đó cũng thúc đẩy con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học đại học.

Từ các hoạt động du lịch học tập, người dân địa phương không chỉ có thêm nguồn sinh kế, mà còn góp phần gìn giữ nền văn hóa bản địa. Điều này có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái.

Nhật Tân