Hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền hình, để lại dấu ấn lớn với những những chương trình truyền hình, nhận được nhiều giải thưởng báo chí quốc gia. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngoài là một nhà báo, BTV truyền hình, Quang Minh còn được khán giả yêu mến và biết đến với vai trò travel blogger.
Kênh YouTube mang tên Come Minh Vietnam của anh được khán giả đón nhận, thu hút hơn 35 nghìn lượt đăng ký theo dõi. Kênh TikTok cá nhân cũng có khoảng 30 triệu lượt thích và hơn 1.000.000 người đăng ký theo dõi. Những tập phim trải nghiệm ở Trường Sa, thám hiểm hệ thống hang động ở Quảng Bình, leo hố sụt ở hồ Thang Hen (Cao Bằng) hay khám phá tây Nghệ An... thu về hàng trăm nghìn lượt xem của khán giả.
Vùng sâu vùng xa có nhiều tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm
Anh tâm sự rằng du lịch trải nghiệm với những câu chuyện, văn hóa, thử thách mới là điều hấp dẫn, khiến anh sẵn sàng dấn thân, dành nhiều thời gian, tâm huyết để tìm tòi những điểm đến mới như các hang động, cung đường trekking, cách chơi mới, trải nghiệm mới. Anh mong muốn rằng những trải nghiệm của mình có thể là gợi ý cho những người cùng sở thích, chung đam mê. Từ đó đóng góp sức mình vào việc truyền thông, quảng bá hình ảnh đẹp của đất nước Việt Nam đến đông đảo khán giả.
Đi nhiều, trải nghiệm nhiều, BTV Quang Minh nhận xét rằng những nơi mình đã đặt chân đến đều có tiềm năng du lịch. Ví dụ khi đến những cộng đồng dân tộc ít người, anh cho rằng người dân có thể tận dụng khôi phục lại các nét văn hóa, tập tục, tập quán đặc sắc nhất của người dân địa phương. Từ đó, “bán” các câu chuyện văn hóa của bà con để tạo nên sức hút với du khách.
Ngoài ra, cần phải phát triển và gìn giữ nét văn hóa ẩm thực bởi người đồng bào dân tộc thiểu số có những nét vô cùng đặc sắc. Ví dụ đi vào rừng, họ có thể sinh tồn với những món ăn từ cây, củ hoa, lá rừng... Khi đi cùng người đồng bào vào rừng họ biết cây nào độc, cây nào tốt cho sức khỏe. Với câu chuyện này, họ có thể tạo nên được những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
Hay có những con thác nhỏ cảnh quan rất đẹp nhưng địa phương chưa biết cảnh khai thác. Như ở một số nơi, người ta làm bể tích nước bên trên, đêm tích nước và ngày xả nước, cảnh đẹp được lưu giữ thường xuyên. Nếu không tận dụng được và để thác phụ thuộc vào mùa thì mùa khô sẽ không có nước. Thay vì khai thác theo mùa, chúng ta có thể tìm nhiều cách để khai thác quanh năm.
Trong chuyến đi khám phá Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An), anh vô cùng ấn tượng bởi cảnh quan thiên nhiên nơi đây. Từ những người già làng kể lại rằng trước đây người dân rất nghèo, cuộc sống vất vả, khó khăn. Hiện nay, đời sống bà con đã có sự cải thiện với những kế mưu sinh như trồng cây ăn trái, mận, đào, làm du lịch...
"Tôi đến thăm các vườn cây đẹp tuyệt vời, xanh mướt. Người dân cũng mong muốn có nhiều người đi và truyền thông du lịch để bà con có thêm việc làm như xây homestay, bán các nông sản ở địa phương như mận, đào... Đặc biệt, thiên nhiên ở đây rất ấn tượng. Dịp Tết, cung đường leo núi Puxailaileng ở Kỳ Sơn được những tín đồ trekking khen ngợi bởi khung cảnh cực kỳ vĩ với núi non trùng điệp, hoa đào nở rộ dọc đường. Tôi đang có kế hoạch trở lại đây vào dịp Tết để trekking cung đường này", BTV Quang Minh nói.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn của du lịch chính là tình trạng rác thải. "Trong các hành trình, tôi vẫn nhặt rác nhưng có rất nhiều khách du lịch chưa có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Họ đi chơi, đi cắm trại và xả rác bừa bãi. Nếu người dân có ý thức họ sẽ dọn dẹp, còn nếu không rác cứ dồn từ ngày này qua tháng khác. Chỉ cần một cơn mưa hay cơn gió lớn, rác sẽ bay tứ tung khiến người ta không muốn đặt chân đến đó dù cảnh rất đẹp.
Đây là điều mà địa phương cần chú ý, vào cuộc một cách quyết liệt để có những cơ chế, chính sách rõ ràng. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần tạo được cơ sở lưu trú, tạo cơ chế cho người dân để họ có động lực làm tốt hơn. Từ đó thu hút du khách đến, ở lại và chi tiêu tiền, đó mới là làm du lịch thành công", anh nhận xét.
Truyền thông song hành cùng phát triển du lịch
Đặc biệt, anh cho rằng làm truyền thông du lịch là điều vô cùng quan trọng, giúp đẩy vị thế du lịch của Việt Nam lên cao hơn. Du lịch của Việt Nam có sẵn cảnh đẹp do thiên nhiên ban tặng, bên cạnh đó là câu chuyện văn hóa nhưng chủ yếu đang dựa vào việc "hữu xạ tự nhiên hương" và ít đầu tư vào truyền thông du lịch. "Tôi thấy Hà Giang là tỉnh quá thành công nhờ vào các "phượt thủ" hay là những người đi du lịch trải nghiệm. Họ đi du lịch để tìm kiếm những điều mới lạ và đẩy vị thế du lịch Hà Giang lên cao trong khi địa phương gần như không tốn nhiều chi phí. Nếu có tính đến chắc chỉ là chi phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giao thông, tổ chức những sự kiện, lễ hội...", anh bày tỏ.
Chính vì thế, anh mong rằng cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương cần có những cơ chế để hỗ trợ người dân địa phương, những người đi đầu để tạo ra sân chơi mới cho du lịch. Đặc biệt, với những vùng sâu vùng xa, du lịch trải nghiệm cần các chính sách, hướng phát triển du lịch song song với bảo tồn. "Hiện nay, mạng xã hội phát triển nên người dân địa phương có cơ hội tiếp cận, học hỏi các mô hình du lịch từ địa phương khác. Ví dụ như cộng đồng du lịch ở làng Lô Lô Chải (Hà Giang), ở Mù Cang Chải, bản Pả Vi Hà Giang… Rừng núi đẹp như thế, phải vận động người dân không đốt rừng hay như Mù Cang Chải với đặc trưng là ruộng bậc thang. Tôi đã nghe câu chuyện ở địa phương thu mua lúa của người dân để người dân không gặt lúa để tạo mùa vàng, hấp dẫn du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tức là địa phương đang dùng tiền thu của du lịch để chi trả cho người dân, đó là điều vô cùng hợp lý", nam BTV chia sẻ.