Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bình dị nét quê vùng sông nước tại chợ nổi Cái Bè

Lặng mình bên bờ sông Tiền, Chợ nổi Cái Bè mang trong mình bản sắc văn hóa độc đáo của miền Tây sông nước dập dìu. Nơi đây mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa một thời đã xa.

Bên cạnh vườn trái cây trĩu quả, chợ nổi là thương hiệu không thể thiếu khi nhắc về miền Tây sông nước. Hàng loạt các tên nổi tiếng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long như chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), chợ nổi Long Xuyên (An Giang)… Những khu chợ lênh đênh trên mặt nước ghi dấu tuổi thơ bao người. 

choinoicaibe-1701414947.jpg
Một góc chợ nổi Cái Bè nhiều năm trước. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang

Nghiêng mình bên bờ sông Tiền, chợ nổi Cái Bè từng nổi danh một thời là chợ đầu mối lớn nhất tại khu vực miền Tây Nam Bộ. Khu chợ nằm trên tuyến đường sông giao thoa giữa ba tỉnh Tiền Giang - Bến Tre - Vĩnh Long, ra đời khoảng thế kỷ 17, 18 theo bước chân nhà Nguyễn khai phá vùng đất mới. 

Gọi là chợ nổi vì người mua người bán đều đi bằng ghe thuyền, lênh đênh trên sóng nước. Khi xưa lúc tấp nập lên đến 400 - 500 ghe thuyền thương buôn nô nức qua lại. 

e1dadb0883342a6a73256-1701417861.jpg
Hàng hoá đầy ấp trên ghe.

Hàng hóa tại đây đa dạng phong phú, phần lớn cây nhà lá vườn. Các thức quà ngon chỉ đơn giản như khoai, sắn, đậu hay những hàng vải, gia cầm tất bật đón khách, huyên náo một vùng mặt sông. Các mặt hàng được treo lủng lẳng trên sào hay cây bẹo được du khách ví như “rừng ăng ten” đầy màu sắc. Đây là đặc trưng lâu đời của chợ nổi, góp phần giúp giới thiệu những mặt hàng mà mình đang bán. 

lang-nghe-1-1701415219.jpg
Nhiều mặc hàng cây trái miền quê được bày bán trên ghe, thuyền. Ảnh: Ilter

Những năm trở lại đây, chợ nổi Cái Bè đang “chìm dần”, giấc mơ hồi sinh đang còn dang dở. Nhiều người sau khi đổi nghề lên bờ sinh sống, nhìn cảnh ghe thuyền lác đác mà bùi ngùi về ngày xưa.  

Cô Trần Thị Kiều (50 tuổi) cho biết khi lên mười đã đi bán hàng bông, bổ đồ (lấy hàng) tại chợ nổi Cái Bè với mẹ. Trong hơn 10 năm mưu sinh trên sông nước, chợ nổi để lại ấn tượng khó phai lòng người. Khi ấy giới thương hồ tấp nập. Người mua - người bán đi lại bằng ghe, xuồng ba lá là chủ yếu, những hộ nào “có tiền” thì dùng xuồng máy.

“Lúc ấy chợ nổi rất đông đúc, người dân chèo xuồng qua lại nườm nượp. Lúc khuya canh con nước lên tôi và mẹ chèo ghe ra chợ mua rau củ, mắm muối để bán lại. Khi đó cả khu chợ như một ‘thành phố nổi’, cuộc sống buôn bán ồn ào náo nhiệt”, cô Kiều chia sẻ.    

baotonvanhoachonoicb-1701415439.jpg
Chợ nổi Cái Bè nhộn nhịp vào buổi sáng. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang

 “Ai khoai lang bầu bí cải không?”, tuy chưa đến chợ nhưng âm thanh rao hàng quen thuộc văng vẳng khắp mặt sông. Buổi sáng tầm 6h, ghe thuyền vào chợ tấp nập như mắc cửi. Đến tối cuộc sống sinh hoạt lại được khắc họa rõ nét. Những ánh đèn dầu hắt hiu trên mặt nước phản ánh cảnh sinh hoạt đời thường rất đỗi dung dị. 

Hiện nay theo tiến trình phát triển của xã hội, giao thương đường bộ phát triển khiến chợ nổi Cái Bè đứng trước nguy cơ mai một. Số lượng ghe thuyền neo đậu ngày càng ít, buôn bán ế ẩm. Bên cạnh đó các dịch vụ du lịch chưa đa dạng làm sức hút chợ nổi với du khách giảm dần. 

1f1aeec8b6f41faa46e55-1701415509.jpg
 
37bf0f6d5751fe0fa7402-1701415510.jpg
Chợ nổi ngày nay kém phần náo nhiệt, bớt đi ghe thuyền. Ảnh: Y Thanh

Chợ nổi Cái Bè mang trong mình những giá trị làm nên bản sắc. Nhịp sống lênh đênh sông nước dần đi vào tiềm thức người dân trên mảnh đất này. Nó không chỉ là khu chợ, đây còn là nơi sinh ra và lớn lên bao thế hệ, mang cái hồn, nét văn hoá đặc trưng của vùng sông nước êm ả Tây Nam Bộ.