Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Từ vụ du khách mắc kẹt trên núi Cô Tiên: Bật mí kinh nghiệm leo núi an toàn, tránh bị kiệt sức

Từ câu chuyện hai hành khách bị mắc kẹt tại núi Cô Tiên tại thành phố Nha Trang vào ngày 20/1, nhiều phượt thủ quan tâm hơn đến các biện pháp phòng tránh và xử lý tình trạng kiệt sức khi đi leo núi.

Mới đây vào ngày 21/1, lực lượng cứu hộ, cứu nạn tỉnh Khánh Hòa đã giải cứu thành công 2 du khách đến từ TP.HCM đi leo núi và không may bị mắc kẹt trên núi Cô Tiên - thuộc địa phận phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, do kiệt sức, không thể tự xuống núi.

Qua vụ việc trên nhiều người đặt ra câu hỏi “làm thế nào để giữ an toàn trong khi leo núi?”. Dưới đây là một số kinh nghiệm nho nhỏ giúp bạn leo núi an toàn, tránh bị kiệt sức:

1. Nguyên nhân gây ra kiệt sức trong khi leo núi

Đầu tiên, ta phải biết đến nguyên nhân gây ra kiệt sức trong khi leo núi, để từ đó đưa ra biện pháp cải thiện tình trạng này. Một số nguyên nhân có thể khiến phượt thủ xuống sức nhanh như: 

Do độ cao: Càng leo lên cao, áp suất không khí giảm, dẫn đến việc lượng oxy trong máu giảm, điều này sẽ khiến cơ thể phải làm việc nhiều hơn để duy trì chức năng.

Do khí hậu: Nhiệt độ thấp, gió lớn, mưa bão, chúng có thể làm nhiệt độ cơ thể bạn giảm xuống nhanh chóng và có nguy cơ gây ảnh hưởng đến tính mạng. Ngoài ra, việc di chuyển trong môi trường nắng gắt cũng có thể khiến chúng ta bị sốc nhiệt.

Do địa hình: Địa hình gập ghềnh và dốc có thể khiến phượt thủ phải tốn nhiều sức lực hơn, nên việc đốt cháy năng lượng và gây tổn thương cho cơ thể cũng diễn ra nhanh hơn.

Thiếu nước và dinh dưỡng: Nước và thức ăn dinh dưỡng là những yếu tố thiết yếu để duy trì sự sống và hoạt động của cơ thể. Khi thiếu nước và dinh dưỡng, cơ thể không thể duy trì cân bằng chất điện giải, duy trì áp lực máu, vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng, và loại bỏ chất thải.

nhieubantrekhamphanuicotien-scaled-1-1705915021.jpg
Núi Cô Tiên tại tỉnh Khánh Hòa, Nha Trang. Ảnh: Glam trip

2. Nên làm gì khi bị kiệt sức trong lúc leo núi?

Phát hiện sớm triệu chứng kiệt sức:

Hãy luôn để ý đến mồ hôi, nhịp tim, hơi thở, huyết áp,... để bạn có thể nhanh chóng nhận ra những dấu hiệu bất thường ở cơ thể. Qua đó, kịp thời đưa ra những biện pháp tránh hậu quả nghiêm trọng.

Tìm địa điểm an toàn để dừng lại:

Khi bạn bị kiệt sức khi du lịch leo núi, bạn nên tìm địa điểm an toàn để dừng lại và nghỉ ngơi. Bạn nên chọn những địa điểm có độ cao thấp hơn, có bóng râm, có nguồn nước sạch, và không có nguy cơ gặp phải các yếu tố nguy hiểm khác, như động vật hoang dã, sạt lở đất, hay lũ lụt... Nếu được thì hãy tìm cách đốt lửa để các thành viên khác dễ dàng xác định vị trí tìm đến giúp đỡ.

everest1-1705936740.jpg
Hãy dừng lại nghỉ ngơi nếu bạn đang quá sức. Ảnh: Aaron Huey/Getty Images

3. Cách để tránh kiệt sức khi du lịch leo núi

Chuẩn bị thể lực và sức khỏe trước khi đi

Leo núi là môn thể thao không dành cho những người sức yếu hoặc mắc các bệnh lý như tim mạch hay huyết áp. Đối với những ai có đủ sức thì vẫn cần tập các bài tập nhẹ như chạy bộ, hoặc tập đứng lên ngồi xuống hàng ngày khoảng 1 tháng trước chuyến đi để cơ thể bạn quen với việc chịu áp lực khi leo núi. 

Có một vài trường hợp các bạn trẻ chủ quan không tập luyện kỹ dẫn tới việc bị viêm đầu gối, cổ chân hoặc bắp chân khi leo núi, khiến các bạn không thể leo tiếp và buộc phải nhờ người dìu xuống núi.

Đặc biệt là bạn phải bổ sung đầy đủ các chất bổ dưỡng và ngủ đủ giấc, bởi với những cung xa, bạn sẽ mất rất nhiều sức để vượt chặng. Nếu có thể, bạn nên di chuyển gần đến điểm xuất phát và ngủ đêm tại đó để có một thể trạng tốt nhất cho chuyến đi vào ngày hôm sau.

2ebd275c-70a3-414a-84f6-381c141225f0-1702045226-1705914910.jpeg
Khi đi leo núi bạn nên chuẩn bị sức khỏe, ăn uống ngủ nghỉ điều độ để có trạng thái tinh thần tốt nhất. Ảnh: Nguyễn Mạnh Cường

Tìm hiểu trước về địa hình cung đường

Trước chuyến đi, phượt thủ cần phải tìm hiểu kỹ về địa hình ngọn núi mà mình sắp chinh phục, thậm chí bạn có thể thuê một người dân bản địa dẫn đường. Việc định hình trước địa hình cung đường giúp bạn điều chỉnh việc luyện tập phù hợp hơn, cũng như dự trù sẵn những biện pháp ứng phó trong suốt quá trình chạy. 

Bên cạnh đó, bạn cũng cần theo dõi kỹ dự báo thời tiết trong những ngày chính phục, đặc biệt không nên leo một số cung có nhiều suối và dốc dựng đứng nếu trời đang mưa, bởi trận mưa to sẽ làm nước suối dâng cao, có thể gây lũ cuốn hoặc chia cắt đường, khiến phượt thủ bị kẹt trong rừng nhiều ngày. 

a561ae89-8251-44e0-b3e5-8ca616337509-1702045268-1705915574.jpeg
Hãy khảo sát địa hình trước khi thực hiện chuyến đi để bạn biết cần phải đối mặt với những thử thách, khó khăn nào. Ảnh: Nguyễn Mạnh Cường

Chuẩn bị các vật dụng cá nhân cần thiết

Trong mỗi chuyến đi leo núi, phượt thủ nên chuẩn bị các công cụ hỗ trợ như: Đồng hồ có GPS độc lập có tính năng đo quãng đường, tốc độ, nhịp tim khi chạy bộ, vest đựng đồ và nước, gậy leo núi, quần áo cotton thoáng nhẹ, mũ chống nắng, găng tay, bó đầu gối, bó cổ chân giúp giảm thiểu áp lực tác động tới đầu gối và cổ chân.

Khi leo ở vùng núi hay đồi trọc dưới thời tiết nắng nóng, bạn cần mặc đồ chống nắng nhưng phải thoáng mát để đề phòng bị sốc nhiệt. Đối với những ai bị say nắng thì nên đi vào nơi râm mát, nới rộng trang phục rồi dùng khăn ướt chườm lên trán, gáy, ngực, cánh tay... Sau đó, hãy uống nước muối loãng hoặc dung dịch Oresol để bù nước. 

20211214-kvogjqulcpkhngubk27xwzc1-1705915825.jpg
Các phượt thủ nên chuẩn bị các công cụ hỗ trợ như: Đồng hồ có gps độc lập có tính năng đo quãng đường, tốc độ, nhịp tim khi chạy bộ, vest đựng đồ và nước,... Ảnh: IMSport

Trang bị một số kỹ năng cơ bản khi leo núi

Đối với các phượt thủ đi theo đoàn thì không được tách đoàn và luôn đi sau các porter để tránh trường hợp lạc hoặc gặp rắn, thú dữ trong lúc leo núi. Trong trường hợp bị lạc, hãy tìm ra đường mòn gần nhất hoặc giữ yên tại chỗ, tìm cách đốt lửa để các thành viên khác dễ dàng xác định vị trí.

Đặc biệt, nếu gặp trời mưa, bạn cần nhanh chóng thay đồ khô và mặc áo khoác ấm và mặc áo mưa ở bên ngoài để tránh bị ngấm nước và mất nhiệt. Nếu bạn không quen tắm nước lạnh thì không nên tắm suối bởi nước suối ở vùng núi thường rất lạnh, khiến bạn dễ bị cảm và xuống sức nhanh hơn.

wetrekology-huong-dan-cach-mac-do-khi-di-bo-leo-nui-da-ngoai-6-1705916010.jpg
Nếu gặp trời mưa, bạn cần thay đồ khô và mặc áo mưa để tránh bị nhiễm lạnh. Ảnh: WeTrek

Hy vọng những kinh nghiệm trên sẽ giúp bạn có một chuyến leo núi an toàn!

Anh Thư (tổng hợp)