Nhằm thiết thực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trang trại, nông hộ và làng nghề, nằm trong khuôn khổ mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, làng nghề Việt Nam. Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật & kinh tế hội nhập; Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam giao Câu lạc bộ Doanh nhân IMRIC – IRLIE (Viện IMRIC) và Câu lạc bộ Báo chí Truyền thông & Chính sách pháp luật (Viện IRLIE) tổ chức toạ đàm khoa học “Pháp lý – nền tảng bảo vệ thương hiệu nông sản, làng nghề xanh” lần I, năm 2025.

Pháp lý nền tảng bảo vệ thương hiệu nông sản, làng nghề xanh
Tại toạ đàm khoa học, các đại biểu cùng các doanh nghiệp, trang trại, làng nghề đã cùng nhau chia sẻ các thông tin về tình trạng xâm phạm thương hiệu nông sản, làng nghề Việt. Đặc biệt, tình trạng này ngày càng diễn ra phức tạp và tinh vi hơn. Trước thực trạng đó, vấn đề bảo vệ thương hiệu nông sản, làng nghề đã đặt ra nhiều thách thức cần được nhìn nhận một cách thấu đáo.
Những năm trở lại đây, nông sản và sản phẩm làng nghề Việt Nam đang từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Không chỉ nhờ chất lượng mà còn bởi giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc và tinh thần nghề nghiệp cần mẫn, bền bỉ của người nông dân, người làm nghề.
Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội lớn còn rất nhiều thách thức mà người nông dân, người làm nghề và cả các doanh nghiệp đang gặp phải đó là việc xâm phạm thương hiệu, đạo nhái mẫu mã, mất quyền sở hữu trí tuệ tại nước ngoài, và đặc biệt là sự thiếu chủ động trong bảo vệ thương hiệu trên không gian số. Đây là những “lỗ hổng pháp lý” mà nếu không được lấp đầy sẽ làm hao tổn không chỉ công sức, tài nguyên mà còn đe dọa đến sự sống còn của nhiều làng nghề truyền thống, vốn đang đối mặt với nguy cơ mai một hoặc bị thay thế bởi các sản phẩm công nghiệp đại trà.

Theo TS Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, Việt Nam là đất nước sở hữu nhiều lợi thế hiếm có về nông nghiệp nhưng vẫn đang phải đối mặt với một nghịch lý, sản phẩm của chúng ta có thể xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng thương hiệu gắn với sản phẩm đó lại thường không mang tên Việt Nam. Nói cách khác, dù là người sản xuất ra sản phẩm, nhưng chúng ta lại không phải lúc nào cũng nắm quyền sở hữu và khai thác giá trị thương hiệu của chính mình.

TS. Trịnh Minh Anh cũng đưa ra các dẫn chứng cụ thể như câu chuyện gạo ST25 - giống gạo Việt từng được vinh danh “ngon nhất thế giới” vào năm 2019 - từng bị các doanh nghiệp nước ngoài nhanh tay đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ và Úc là một bài học đắt giá. Hay câu chuyện về thương hiệu café Trung Nguyên vào những năm 2010, một doanh nghiệp có trụ sở tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc đã được Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc cấp bảo hộ độc quyền đối với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê của họ tại chính quốc gia này. Sau khi phát hiện vụ việc này vào năm 2011, phía Việt Nam đã mất gần 02 năm khiếu kiện thì mới giành lại được quyền sử dụng tên gọi tưởng chừng như là điều hiển nhiên thuộc về Việt Nam.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Như Chinh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng cho rằng, rất cần một hệ thống hành lang pháp lý vững chắc, linh hoạt và tiệm cận thực tiễn không chỉ để bảo vệ sản phẩm, thương hiệu mà còn để bảo vệ người làm nghề. Những chính sách như tín dụng xanh ưu đãi, đào tạo pháp lý và sở hữu trí tuệ, hỗ trợ chuyển đổi số hay phát triển thị trường cho các sản phẩm thân thiện với môi trường cần được thiết kế phù hợp với đặc thù của từng địa phương, từng làng nghề và từng loại hình nông sản.
Theo Luật gia Phạm Trắc Long – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Hội nhập quốc tế, một trong những vấn đề nổi cộm là tình trạng làm giả mã QR truy xuất nguồn gốc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, chất lượng sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hiện nay, các đối tượng làm giả không chỉ sao chép mẫu mã mà còn giả mạo cả mã QR, khiến người tiêu dùng khó phân biệt giữa hàng thật và hàng giả. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc hoàn thiện cơ chế pháp lý và công nghệ để bảo vệ dữ liệu truy xuất nguồn gốc - vốn được xem như “căn cước công dân” của hàng hóa, sản phẩm trong kỷ nguyên số.

“Đáng lo ngại hơn, đến nay, vẫn chưa có định nghĩa pháp lý thống nhất về “nông sản xanh” hay “sản phẩm làng nghề xanh” có thương hiệu. Trong khi người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng ưu tiên sản phẩm xanh, sạch, bền vững, thì pháp luật Việt Nam lại chưa xác lập rõ tiêu chí công nhận các sản phẩm này. Hệ quả là nhiều sản phẩm dù đạt chất lượng cao, mang giá trị truyền thống, vẫn khó đăng ký thương hiệu hoặc chưa được hưởng chính sách ưu đãi phù hợp”. Luật sư Phạm Trắc Long cho hay.
Theo các đại biểu cần nghiên cứu xây dựng, áp dụng khung pháp lý để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; tổ chức thử nghiệm có kiểm soát với các ngành công nghệ mới và phát triển sản xuất nông nghiệp, làng nghề thông minh, mô hình nhà máy thông minh, đô thị thông minh, quản trị thông minh... đặc biệt phát triển làng nghề hiệu quả, bền vững gắn liền với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Bảo vệ thương hiệu và phát triển làng nghề, gắn liền với du lịch nông nghiệp, nông thôn
Trong khuôn khổ chương trình, tại phần thảo luận mở, T.S Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường – Truyền thông quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện nghiên cưu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập cũng cho rằng, ngoài việc bảo vệ nền tảng thương hiệu nông sản, làng nghề xanh, chúng ta cũng cần gắn với việc mở rộng và giới thiệu các nông sản, làng nghề thông qua các dự án phát triển du lịch. Để các sản phẩm nông sản, thương hiệu của người Việt được lan toa, đến tay du khách trong và ngoài nước.

Đối với ngành nông nghiệp, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, là động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị đặc trưng của nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Nhà báo Đặng Ngọc Diệp – Trưởng Ban đối ngoại Tạp chí Vietnam Travel cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng để phát triển các làng nghề ở Việt Nam theo hướng hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị đó là triển khai hiệu quả chương trình phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề. Trước hết cần tập trung thu hút đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nông thôn; đa dạng hoạt động trải nghiệm du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
Cũng theo Nhà Báo Đặng Ngọc Diệp, hiện nay, du lịch Việt Nam đang được tổ chức du lịch thế giới đánh giá là một trong những quốc gia có mức độ tăng trưởng đứng đầu Khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong 6 tháng đầu năm. Vì thế khi phát triển không thể bỏ qua được một thị trường tràn đầy tiềm năng như vậy. Rất mong các doanh nghiệp, Hiệp hội làng nghề, ki triển khai các chương trình và phát triển làng nghề xanh, các sản phẩm nông sản…chú ý thêm thị trường này nữa.

Dưới góc nhìn của TS. Nguyễn Như Chinh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 5.411 làng nghề và làng có nghề (trong đó có 1.864 làng nghề truyền thống với 115 nghề truyền thống đã được công nhận), trong đó 60% ở vùng đồng bằng Sông Hồng, 23% ở khu vực miền Trung và 17% ở khu vực miền Nam; thu hút khoảng 11 triệu lao động (khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn), trong đó số lao động qua đào tạo có chứng chỉ sơ cấp trở lên chiếm 12,3%. Làng nghề đã đóng góp rất nhiều vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, chỉ riêng ngành hàng thủ công mỹ nghệ cả nước đã có 2.000 doanh nghiệp, cơ sở tham gia xuất khẩu đạt kim ngạch trên hai tỷ USD tới hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ...
Cũng như các quốc gia hiện nay trên thế giới, phát triển bền vững ở Việt Nam là mục tiêu phấn đấu của tất cả nông nghiệp, trang trại, nông trang, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch làng nghề xanh... Trong điều kiện hiện nay, để bảo tồn phát triển bền vững làng nghề cần lựa chọn một sự điều chỉnh dung hòa, hợp lý cả về lịch sử, xã hội, kinh tế, pháp luật… Trong đó, thực hiện pháp luật là một trong những nội dung quan trọng nhằm thay đổi thói quen, lề lối hoạt động của làng nghề và nó cũng là cơ sở pháp lý để đưa sản phẩm của làng nghề vào quá trình hội nhập quốc tế một cách sâu rộng.