Theo thông tin của Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên-Huế, trên địa bàn hiện có 12 doanh nghiệp được cấp phép tổ chức hoạt động biểu diễn Ca Huế với hơn 500 diễn viên, nhạc công. Riêng trên sông Hương đang có khoảng 40 thuyền biểu diễn Ca Huế, công việc này không những tạo thêm thu nhập cho các diễn viên, nhạc công, mà còn góp phần quan trọng quảng bá di sản văn hóa Huế đến với du khách trong và ngoài nước.

Song hoạt động tổ chức biểu diễn Ca Huế trên sông Hương vẫn còn tồn tại nhiều bất cập một số đơn vị không tuân thủ theo quy định như: Thuyền chở quá lượng người; cắt bớt chương trình, thời lượng biểu diễn; biểu diễn không đúng theo chương trình được cấp phép; tình trạng chèo kéo, ghép khách, hạ giá tour dẫn đến chất lượng chương trình không đảm bảo.
Bên cạnh đó, việc bán vé nghe Ca Huế thực hiện chưa được nghiêm túc, nề nếp; diễn viên, nhạc công, thuyền trưởng, thuyền viên không mang đồng phục và đeo bảng tên khi tham gia hoạt động; tình trạng bán hàng rong gây mất trật tự, ảnh hưởng đến cảnh quan vẫn còn tồn tại.
Trước đó, để nâng cao công tác quản lý tổ chức biểu diễn Ca Huế, ngày 3/5, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành quyết định yêu cầu các thuyền du lịch tổ chức Ca Huế phải lắp 2-3 camera giám sát tại khu vực biểu diễn, kết nối với hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Đồng thời, điểm đón và trả khách nghe Ca Huế trên sông Hương tại Bến thuyền du lịch Tòa Khâm và các bến phải được cấp phép theo quy định.

Tuy nhiên những bất cập trên vẫn chưa được cải thiện, chính vì vậy trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ tăng cường các đợt kiểm tra liên ngành về hoạt động của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các chủ thuyền, các diễn viên không đảm bảo chất lượng tham gia biểu diễn.
Ngoài ra, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng các kỹ năng trình diễn, điều hành, dẫn chương trình; cập nhật các kiến thức về quy tắc ứng xử nghề nghiệp, kiến thức về văn hóa Huế cho các nghệ sĩ, diễn viên; xây dựng quy định tổ chức biểu diễn Ca Huế tại Bến thuyền du lịch Tòa Khâm; xây dựng địa điểm bán vé nghe Ca Huế, phải niêm yết giá vé đã đăng ký.
Đồng thời, để hoạt động đón, trả khách trên sông Hương đi vào quy củ, 5 bến thuyền du lịch trên sông Hương cũng đã được nâng cấp, xây dựng mới nhằm tạo điểm nhấn cho không gian dọc hai bờ sông Hương. Đến nay, có 4 bến thuyền du lịch đã hoàn thành, riêng bến thuyền số 5 Lê Lợi kết hợp đường trưng bày sách vẫn đang hoàn thiện những hạng mục cuối. Hầu hết các bến thuyền được đầu tư đồng bộ từ đường dẫn xuống bến, khu vực nhà chờ, bãi đậu xe nằm ở vị trí thuận lợi để đón khách cập bến.
Ca Huế đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015. Mỗi năm, tỉnh Thừa Thiên-Huế có hơn 10.000 suất diễn ca Huế, phục vụ cho hơn 250.000 lượt khách đi nghe ca Huế trên sông Hương hoặc tại các cơ sở dịch vụ du lịch và một số địa điểm khác trên địa bàn tỉnh, tạo thành nét đẹp văn hóa hấp dẫn khách du lịch. Tuy nhiên, khi ca Huế ngày càng có xu hướng thương mại hoá, nếu thiếu sự quản lý chặt chẽ của các ngành chức năng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và đánh mất tính hấp dẫn của loại hình nổi tiếng vốn tồn tại hàng trăm năm nay.