Thẻ ngân hàng được xem như phương tiện thanh toán nhanh chóng, hiện đại và hạn chế sự tiếp xúc so với tiền mặt. Không chỉ sử dụng nội địa, bạn có thể thực hiện các giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thẻ đều có thể sử dụng khi sang nước ngoài.
Các loại thẻ được chấp nhận sử dụng ở đa quốc gia
Thẻ ghi nợ quốc tế (Visa, Mastercard, JCB Debit)
Với thẻ ghi nợ quốc tế, bạn không được phép vay tiền. Để thanh toán, bạn phải nạp tiền trước vào tài khoản. Khi dùng hết số tiền này, bạn phải tiếp tục nạp tiền nếu có nhu cầu thực hiện các giao dịch thanh toán khác.
Loại thẻ này được hỗ trợ bởi các thương hiệu Mastercard, Visa, JCB và có phạm vi sử dụng trên toàn thế giới. Khi thanh toán tại máy POS, thẻ ghi nợ quốc tế thường yêu cầu nhập mã pin.
Thẻ tín dụng quốc tế (Visa, Mastercard, JCB Credit)
Thẻ tín dụng quốc tế cho phép người dùng chi tiêu trước và trả tiền sau. Ngân hạn sẽ cung cấp một khoản chi phí (hạn mức tín dụng) dựa trên thu nhập mỗi tháng của bạn. Khi sử dụng loại thẻ này, nghĩa là bạn đang vay tiền từ ngân hàng tương ứng với số tiền đã chi tiêu.
Hiện nay, một số ngân hàng nới rộng hạn mức tín dụng cho loại thẻ này. Chẳng hạn như thẻ HDBank Priority sở hữu hạn mức từ 100 triệu đồng đến 10 tỷ đồng.
Thẻ tín dụng quốc tế mang thương hiệu Mastercard, Visa, JCB có phạm vi sử dụng trên toàn thế giới, thanh toán được ở tất cả máy POS. Nếu rút tiền bằng ngoại tệ sẽ bị tính phí chuyển đổi.
Thẻ trả trước quốc tế (Prepaid Card)
Thẻ trả trước cho phép bạn thực hiện giao dịch trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ. Loại thẻ này không liên kết với tài khoản ngân hàng nên bạn không cần mở tài khoản vẫn có thể dùng thẻ để rút tiền (chỉ áp dụng cho thẻ có định danh) hoặc thanh toán các giao dịch.
Trước khi sử dụng thẻ trả trước quốc tế, bạn nên kiểm tra với nhà cung cấp thẻ để biết chi tiết về các hạn chế và phí áp dụng.
Lưu ý khi dùng thẻ ở nước ngoài
Bảo mật số CVV/CVC
Với thẻ Visa/Mastercard, tất cả thông tin sẽ hiển thị trên mặt thẻ như họ tên chủ thẻ, số thẻ, ngày tháng hết hạn, số CVV/CVC (mã xác minh)… Việc để lộ số CVV/CVC là "cơ hội vàng" để kẻ gian tiếp cận và thực hiện chiếm đoạt toàn bộ hạn mức thẻ qua các giao dịch thanh toán trực tuyến hoặc lợi dụng thông tin thẻ vào mục đích bất hợp pháp.
Ngoài số CVC/CVV, số thẻ, email, mật khẩu, số điện thoại cũng cần bảo mật cẩn thận. Tuyệt đối không truy cập hoặc lưu lại thông tin trên các website không đáng tin cậy, nhất là khi đặt phòng khách sạn hoặc mua vé tham quan, vé máy bay.
Chọn lọc ngân hàng
Khi chọn ngân hàng mở thẻ, bạn cần lưu ý một số thông tin về ưu đãi cũng như các chính sách liên quan đến loại thẻ để sử dụng một cách tối ưu. Thông thường, các ưu đãi này sẽ xoay quanh việc hoàn tiền theo phần trăm nhất định của tổng giá trị đơn hàng thanh toán, ưu đãi giảm giá, quà tặng, voucher (phiếu khuyến mãi)…
Ví dụ, khi sử dụng thẻ HDBank Priority, bạn có thể được hưởng ưu đãi hoàn tiền 15% cho giao dịch mua sắm hàng hóa hoặc hoàn tiền 0,5% cho các giao dịch chi tiêu khác như y tế, giáo dục, bảo hiểm... Vậy nên, lựa chọn ngân hàng có phần trăm hoàn tiền cao là cách để tiết kiệm ngân sách khi du lịch nước ngoài.
Kiểm soát thẻ bằng ứng dụng
Hiện nay, hầu hết ngân hàng đều cung cấp ứng dụng mobile banking trên điện thoại để khách hàng kiểm soát tài khoản. Ngoài chức năng khóa/mở thẻ hoặc đổi mật khẩu, bạn còn có thể cài đặt hạn mức thanh toán. Khi đi du lịch nước ngoài, bạn nên cài đặt một hạn mức thanh toán thấp hơn mức dự trù, chỉ nâng hạn mức khi cần thanh toán số tiền lớn.
Hạn chế rút tiền mặt
Khi rút tiền mặt bằng thẻ Visa/Mastercard tại nước ngoài, bạn phải chịu thêm một số phí khác như phí rút tiền, phí thực hiện giao dịch cao, phí chuyển đổi ngoại tệ… Chưa kể, ngân hàng còn hạn chế số tiền bạn có thể rút ra.
Thông thường, hạn mức rút tiền mặt từ thẻ được áp dụng là 40% (tùy ngân hàng) trên tổng hạn mức, rất ít ngân hàng cho phép rút 100%. Vì thế, bạn nên hạn chế rút tiền mặt khi du lịch nước ngoài.
Mở tài khoản dự phòng
Thay vì nạp nhiều tiền vào một tài khoản, bạn có thể mở 2 tài khoản thanh toán tại một ngân hàng và chỉ phát hành thẻ thanh toán quốc tế cho một tài khoản để chi tiêu. Tài khoản còn lại là nơi lưu trữ tiền tạm thời, khi tiêu hết tiền ở thẻ thanh toán quốc tế, bạn có thể chuyển tiền từ tài khoản còn lại sang. Cách này giúp tránh được rủi ro mất toàn bộ tiền trong tài khoản khi bị mất thẻ hoặc lộ thông tin.