Cao nguyên Tây Tạng (khu vực tự trị của Trung Quốc) nằm ở phía Đông Bắc của dãy Himalaya và tiếp giáp với các quốc gia như Ấn Độ, Bhutan, Nepal và Pakistan. Với độ cao trung bình 4.900m so với mực nước biển, nơi đây được mệnh danh là “mái nhà của thế giới”. Song, vì vị trí địa lý cũng như khí hậu khắc nghiệt nên trong nhiều thế kỷ trước đó, Tây Tạng gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài và chỉ mới mở cửa đón khách du lịch từ năm 1980.
Tây Tạng là vùng đất bí ẩn của thế giới suốt hàng trăm năm, nên khi bắt đầu mở cửa đã nhanh chóng thu hút các du khách đến khám phá văn hóa và cảnh quan nơi đây. Khu tự trị này nổi tiếng với truyền thống Phật giáo Tây Tạng có lịch sử hàng nghìn năm. Do đó, khi đến Tây Tạng du khách sẽ có dịp ghé thăm các ngôi chùa, tu viện lâu đời và những hồ nước linh thiêng trong tín ngưỡng của người dân, đồng thời chiêm ngưỡng các di sản văn hóa gắn liền với sự phát triển của Phật giáo nơi đây.
LHASA
Nơi đây vừa là thủ phủ của khu tự trị Tây Tạng, vừa là là trung tâm chính trị – kinh tế – du lịch quan trọng. Đến với Lhasa du khách không nên bỏ qua Cung điện Potala – địa điểm được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, đồng thời là chốn dừng chân mùa hè của các vị Đạt Lai Lạt Ma.
Cung điện Potala là công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Tây Tạng, và là nơi lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật với niên đại hàng trăm năm. Ngoài Potala, một cung điện nổi tiếng khác tại Lhasa là Cung điện Norbulingka – kho tàng khổng lồ chứa nhiều bức tranh tường và kinh điển nhà Phật.
Từ Cung điện Potala, khách du lịch có thể di chuyển đến chùa Jokhang lộng lẫy để tìm hiểu về cuộc đời Đức Phật qua những bức tranh tường, hoặc chứng kiến nghi thức Kora (đi nhiễu Phật hay kinh hành) diễn ra vào sáng sớm. Bên cạnh Chùa Jokhang, những tín đồ Phật giáo hoặc những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về Phật giáo khu vực này còn có thể đến thăm ba tu viện thuộc phái Gelugpa (một trường phái tư tưởng lớn và quan trọng của Phật giáo Tây Tạng) tại Lhasa là: Tu viện Sera; Tu viện Ganden; Tu viện Drepung. Ngoài các tu viện trên, Ni viện Canggu – ni viện Phật giáo duy nhật tại Lhasa cũng là một điểm du lịch tôn giáo hấp dẫn bạn không nên bỏ lỡ.
Mặt khác, nếu yêu thích không khí sôi nổi, nhộn nhịp, bạn có thể ghé qua phố Barkhor bao quanh chùa Jokhang để dạo quanh các cửa hàng và chọn mua những món quà lưu niệm độc đáo “cộp mác” Tây Tạng.
CHAGPORI
Đồi Chagpori (hay Chakpori) là ngọn đồi nổi tiếng và linh thiêng nằm ở phía Nam Cung điện Potala. Từ Chapori, bạn có thể phóng tầm mắt ra xa để nhìn bao quát toàn bộ Cung điện Potala và chụp những bức hình ưng ý nhất.
Ngoài ra, phía trên đồi Chagpori còn có một bức tượng Phật Dược Sư cao 3.725m, xung quanh được trang trí bằng những bức Thangka (loại tranh vẽ hoặc thêu được treo chủ yếu ở các tu viện) đầy tinh xảo. Mặt khác, bầu không trí trong lành và thanh bình trên đồi sẽ giúp bạn thêm thư giãn và xoa dịu những muộn phiền.
DRAK YERPA
Drak Yerpa nằm ở phía Đông Bắc Lhasa, cách trung tâm thành phố này khoảng 16km. Nơi đây là một khu ẩn tu với khoảng 108 hang động.
Đến với Drak Yerpa, bạn sẽ có cơ hội uống nước thánh linh thiêng và chứng kiến dấu chân của các nhà lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng, đồng thời tìm thấy các tượng Phật và kinh sách đặt trong các hang động. Lưu ý, bạn nên cố gắng tham quan địa điểm theo chiều kim đồng hồ và tránh không đi ngược chiều để thể hiện sự tôn trọng.
HỒ NAMTSO
Cách thủ đô Lhasa 240km là hồ Namtso – hồ nước mặn rộng lớn nằm ở độ cao 4.718m so với mực nước biển. Đúng như tên gọi (Namtso nghĩa là “hồ thiên đường” hay “hồ trời”), hồ Namtso sở hữu vẻ đẹp tựa chốn thiên đường với làn nước trong xanh và được bao quanh bởi những ngọn núi cao phủ đầy tuyết trắng.
Trong văn hóa – tín ngưỡng Tây Tạng, Namtso là một trong bốn hồ nước linh thiêng nhất và là nơi những người hành hương thường xuyên tụ họp để thực hiện nghi thức Kora. Ở khu vực xung quanh hồ, bạn còn thấy được những cảnh quan đặc sắc khác như Tu viện Tashi, bán đảo Tashi Dor và các hang động… Song, đường đến Namtso khá khó khăn, cũng như điều kiện địa lý có phần khắc nghiệt với mức dưỡng khí thấp. Do đó, nếu đi cùng trẻ em hoặc người cao tuổi, bạn nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định ghé thăm hồ.
QUẬN GYANTSE
Gyantse là một quận nhỏ nằm cách Lhasa khoảng vài giờ lái xe. Đến Gyantse, bạn nhất định không nên bỏ qua những công trình mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa Tây Tạng, như Tu viện Kumbum, Pháo đài Gyantse và Tu viện Palcho… Ngoài ra, đừng quên tản bộ qua những con phố cổ và đắm mình trong vẻ đẹp của Gyantse cổ kính.
Di tích vương quốc cổ Guge
Guge là một vương quốc cổ ở phía Tây Tây Tạng được thành lập vào thế kỷ 10 và lụi tàn vào thế kỷ 17. Vào thời cực thịnh, vương quốc Guge nắm quyền thống trị một khu vực lãnh thổ rộng lớn, bao trùm Đông Nam Zanskar, Thượng Kinnaur và thung lũng Spiti (nay thuộc Ấn Độ). Ngày nay, tàn tích còn sót lại của vương quốc Guge chủ yếu nằm ở một ngọn núi thuộc làng Zhabran, Tây Tạng. Với những ai thích khảo cổ học hoặc đam mê khám phá lịch sử, đây hẳn là một điểm đến không thể bỏ qua khi đến Tây Tạng.
Tại đây, bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn những di tích còn sót lại như Cung điện Trắng, Cung điện Đỏ, các Nhà nguyện Yamantaka, Nhà nguyện Tara và Nhà nguyện Mandala, cũng như các bức tường đá điêu khắc, tranh tường và các di vật cổ…
Một số lưu ý khi đến Tây Tạng:
Nơi đây là một vùng đất đặc biệt nên trước khi đến đây, bạn cần nắm một số lưu ý quan trọng về khu tự trị này. Theo đó, thời gian lý tưởng nhất để du lịch Tây Tạng là từ tháng 4 đến đầu tháng 6 hoặc từ tháng 9 đến đầu tháng 10 vì đây là những thời điểm lượng mưa và nhiệt độ không khí đạt mức ổn định. Song, nếu muốn tiết kiệm chi phí, bạn có thể cân nhắc đến đây vào mùa Đông (từ tháng 11 đến tháng 2). Vào thời điểm này, nhiều khách sạn và các hãng hàng không thường đưa ra mức giá chiết khấu và khuyến mãi, giúp bạn cắt giảm đáng kể các khoản chi cho chuyến đi.
Một lưu ý quan trọng khác là để đến thăm Tây Tạng, bạn cần phải có cả visa Trung Quốc và giấy phép du lịch Tây Tạng. Đây là hai tài liệu quan trọng giúp bạn nhập cảnh hợp pháp và tránh những rắc rối không mong muốn. Ngoài ra, đối với một số địa điểm, bạn có thể cần thêm những giấy tờ du lịch khác. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu kỹ các quy định tại các điểm đến để kịp thời chuẩn bị các giấy tờ cần thiết.
Mặt khác, khí hậu Tây Tạng khá khắc nghiệt, bạn cần đảm bảo uống đủ nước và bôi kem chống nắng đầy đủ để bảo vệ làn da. Đồng thời, để thể hiện sự tôn trọng với văn hóa – tín ngưỡng nơi đây, bạn không nên đội mũ hoặc đeo kính râm khi đến thăm các tu viện. Đặc biệt, đừng chỉ vào tượng Phật bằng một ngón tay hoặc đi vòng quanh các tu viện ngược chiều kim đồng hồ bởi đây đều là những hành vi cấm kỵ ở Tây Tạng.