Cụm Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc gồm 23 Hiệp hội Du lịch (HHDL) của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Năm 2023, Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển du lịch như: Nghị quyết số 82/NQ-CP về Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn biện pháp phát triển du lịch bền vững; Nhiều cơ chế, chính sách được ban hành như chính sách miễn thị thực, tăng thời gian lưu trú cho khách du lịch nước ngoài... nhiều sự kiện văn hóa du lịch cấp quốc gia, cấp địa phương được tổ chức...
Phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội; Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, với vai trò du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, liên kết với phát triển du lịch của thế giới và khu vực, theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có... Cụm Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc đã duy trì các hoạt động hợp tác với các tỉnh, thu hút đầu tư, công tác đào tạo nguồn nhân lực, thường xuyên trao đổi thông tin, xu hướng thị trường, sản phẩm để cùng chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hiệu quả kinh doanh.
Năm 2023: Phát triển du lịch là trách nhiệm chung
Trong năm 2023, Cụm Hiệp hội du lịch đã phối hợp chặt chẽ, nỗ lực triển khai kế hoạch hoạt động và đạt được một số kết quả như sau:
Công tác tổ chức, quản lý, phát triển hội viên
Xây dựng tổ chức và phát triển hội viên là nhiệm vụ thường xuyên của các HHDL nhằm tập hợp các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch cùng hợp tác, hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động, đóng góp cho sự phát triển của ngành du lịch. Trong năm 2023, hội viên một số hiệp hội trong Cụm Hiệp hội du lịch đã tăng cả về số lượng và chất lượng.
Các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước, của Bộ VHTTDL, của UBND các tỉnh, thành phố được tuyên truyền, phổ biến kịp thời.
Công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ
Các hiệp hội chủ động chọn, cử hội viên tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ do các cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ du lịch.
Công tác tham mưu xây dựng chính sách, phổ biến pháp luật, hỗ trợ hội viên
Các hiệp hội luôn bám sát các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phối hợp với Sở VHTTDL, Sở Du lịch tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật, hướng dẫn, tư vấn để hội viên hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng, phát triển du lịch Việt Nam và du lịch các địa phương.
Công tác xúc tiến, quảng bá, tổ chức hội nghị, hội chợ, triển lãm
Các hiệp hội thành viên triển khai kịp thời các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, của tỉnh, thành phố về phát triển du lịch, các quy định liên quan đến kinh doanh dịch vụ du lịch tại địa phương. Hưởng ứng tham gia các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện tiêu biểu của địa phương và đất nước.
Chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch số 54/KH-HHDLVN ngày 2/7/2023 của Hiệp hội du lịch Việt Nam về thực hiện Nghị quyết 82/NQ- CP ngày 18/5/2023 của chính phủ về "Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững".
Cụm Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc xác định công tác xúc tiến, quảng bá, liên kết, hợp tác trong Cụm và với các tỉnh, thành phố cả nước là nhiệm vụ quan trọng, nhất là công tác xã hội hóa trong quảng bá, xúc tiến có vai trò then chốt. Các hiệp hội chủ động xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá hàng năm, vận động các hội viên tham gia theo phương châm Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm.
Hoạt động nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch, tổ chức chương trình famtrip, presstrip
Các hiệp hội thành viên luôn coi trọng công tác nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch có tính đặc trưng, có chất lượng dựa trên tiềm năng thế mạnh, tài nguyên du lịch của từng địa phương. Trong đó, chú trọng định vị sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo nhằm tạo sức hút đối với du khách.
Định hướng các doanh nghiệp du lịch nghiên cứu, đầu tư, phối hợp tổ chức các chương trình khảo sát xây dựng các sản phẩm, các tuyến du lịch liên vùng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu và yêu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế.
Hoạt động hợp tác truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin
Trang thông điện tử của hiệp hội thành viên được duy trì, cập nhật các quy định pháp luật liên quan đến du lịch, kịp thời thông tin về ngành du lịch và về địa phương, thông tin hội viên, góp phần tăng cường kênh tương tác giữa khách du lịch - đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch - cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.
Các hiệp hội cũng tích cực vận động các doanh nghiệp hội viên xây dựng tài liệu tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và dịch vụ du lịch trên trang thông tin điện tử và các nền tảng mạng xã hội khác. Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh giới thiệu điểm đến địa phương, quảng bá sản phẩm du lịch tới thị trường, tới du khách trong và ngoài nước.
Nhiều hiệp hội vận động hội viên tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản trị doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường... qua đó giảm chi phí quản lý, tăng hiệu quả kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Năm 2024: Tập trung 12 nhiệm vụ chính
Từ những hoạt động, kết quả trong năm 2023, Cụm Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc đã đưa ra phương hướng hoạt động trong năm 2024 như sau:
Tập trung công tác tổ chức, cơ cấu bộ máy, tiếp tục kiện toàn các đơn vị trực thuộc, chú trọng công tác phát triển hội viên; Các Hiệp hội thành viên tập trung tổ chức Đại hội nhiệm kỳ tới.
Phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội du lịch thực sự là chỗ dựa cho doanh nghiệp, đại diện tiếng nói của doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho các hội viên.
Tăng cường liên kết giữa các hiệp hội thành viên, đặc biệt trong công tác xúc tiến quảng bá; Tổ chức các chương trình xúc tiến điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch, các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao; Trao đổi, ký kết hợp tác trao đổi khách du lịch giữa các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến du lịch.
Hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng, liên tuyến; Huy động sự vào cuộc của các hiệp hội thành viên, các hội viên nhằm kết nối các điểm đến, dịch vụ du lịch thành tour, tuyến du lịch để quảng bá, thu hút khách du lịch nhằm thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác, liên kết phát triển du lịch đã ký kết.
Đẩy mạnh công tác kêu gọi, giới thiệu thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại các địa phương trong và ngoài Cụm.
Xây dựng kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, hỗ trợ thông tin, cung cấp hoạt động đào tạo địa phương mình cho các Hiệp hội thành viên
Tích cực tham gia các hội chợ, hội thảo, hội nghị, chương trình hoạt động, sự kiện du lịch.
Đẩy mạnh hợp tác với các hãng hàng không trong nước và quốc tế với các chương trình quảng bá đối ứng; Giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch; Đón các đoàn famtrip khảo sát các địa phương trong Cụm.
Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của các địa phương trong Cụm Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố trên các kênh truyền thông, các nền tảng mạng xã hội...
Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, các điểm đến du lịch đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch dựa trên lợi thế của từng đơn vị nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Ứng dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh E-marketing, đa dạng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, website, mạng xã hội để tạo sức lan tỏa và quảng bá hình ảnh các địa phương.
Tích cực tham gia các hoạt động, sự kiện xúc tiến, quảng bá trong khuôn khổ Năm du lịch Quốc gia năm 2024 - Điện Biên.