Đối với đồng bào dân tộc Khmer, Lễ hội đua ghe Ngo không chỉ là hoạt động thể thao, thể hiện tính cộng đồng mà còn là nét văn hóa truyền thống độc đáo được lưu truyền từ nhiều thế kỷ. Đồng thời, hoạt động này đã trở thành phong tục không thể thiếu của người dân vào rằm tháng 10 Âm lịch hàng năm.
Để chuẩn bị tham gia lễ hội năm nay, thời gian qua, các chùa đều tổ chức vận động phật tử, trai tráng trong bổn, sóc tham gia vào việc tập luyện bơi đua. Bên cạnh việc cùng nhau giữ gìn nét văn hoá lễ hội truyền thống độc đáo này, còn mong muốn mang về thành tích cao cho ngôi chùa và phum sóc.
Theo như chia sẻ của anh Lý Chi (ngụ xã Phú Tân, huyện Châu Thành) - người đã có 4 năm đại diện cho nhà chùa tham gia thi đấu ở các giải đua ghe Ngo, đồng thời cũng là tay bơi chủ chốt của ghe Ngo chùa Chăm Pa, sau một ngày lo công việc đồng áng, chiều tối, anh Chi thường tranh thủ đến chùa Chăm Pa để cùng mọi người tập bơi đua ghe Ngo chuẩn bị tham gia lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo sắp tới.
Ông Lâm Bình Minh - Đội trưởng ghe Ngo chùa Champa bày tỏ đua ghe Ngo có thành tích là niềm vui, nhưng quan trọng nhất là phum sóc, bà con phật tử cùng hòa chung niềm vui ngày hội, là tiếp nối truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Riêng ghe Ngo chùa Champa chuẩn bị tham gia lễ hội, hiện việc tân trang, sơn phết, vẽ hoa văn, dặm vá đã hoàn thành. Năm nay cũng như mọi năm, ghe Ngo của chùa đã có bước chuẩn bị khá chu đáo với hơn 1 tháng tập luyện trước khi thi, số vận động viên đông khoảng gần 100 thanh niên trai tráng.
Cứ chiều tối, tại sân chùa Chrôi Tưm Chắs (tức chùa Trà Tim cũ, toạ lạc tại phường 10, thành phố Sóc Trăng) không khí sôi động không kém từ tiếng còi vang lên của huấn luyện viên Sơn Thái Hiền với các bài tập luyện thể lực trên cạn. Sau những động tác khởi động nhẹ, hàng chục vận động viên di chuyển về sàn tập ở dưới ao trong chùa.
"Tôi vừa thổi còi, mắt phải quan sát anh em trong đội tập thế nào. Từ đó, để chỉnh sửa các động tác, nhịp bơi làm sao cho đều tay. Đến thời điểm này, đội ghe Ngo của chùa đã tập được khoảng nửa tháng rồi. Hy vọng, mùa giải năm nay, các vận động viên đội ghe Ngo chùa quyết tâm để đạt được thành tích tốt nhất" - anh Sơn Thái Hiền, huấn luyện viên của đội chia sẻ.
Còn tại xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú), đội ghe Ngo của các chùa Bưng Cóc, Bét Tôn, Sóc Xoài cũng nỗ lực tập luyện từ nhiều ngày qua với mong muốn có mặt tại giải đua ghe Ngo tỉnh và đạt được thành tích cao.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, Lễ hội năm nay phải thể hiện sự độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer trong và ngoài tỉnh. Từ đó, sẽ thu hút đông đảo nhiều nhà đầu tư du lịch đến tham quan, trải nghiệm và khai thác, góp phần cho sự phát triển ngành du lịch tỉnh nhà. Dịp này cũng diễn ra Lễ công bố xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam đối với Bức tranh lớn nhất Việt Nam làm từ Gạo ST tại Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023.
Sóc Trăng là tỉnh có truyền thống lâu đời tổ chức giải đua ghe Ngo và có đội ghe đông nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài tổ chức giải cấp tỉnh hằng năm, giải còn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép tổ chức cấp khu vực (2 năm một lần). Là loại hình thể thao dân tộc mang tính giá trị văn hóa rất độc đáo, nên được Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư. Đặc biệt là lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng luôn tạo mọi điều kiện được tổ chức giải đua hằng năm. Với tinh thần đó, các đội ghe trong tỉnh luôn nhiệt tình, phấn khởi tham gia.