Còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đây cũng là thời điểm nhu cầu mua sắm Tết của người dân tăng cao, trong đó phải kể đến mặt hàng trầu cau để dâng cúng ông bà tổ tiên. Cứ ngỡ hoạt động mua bán trầu cau sẽ diễn ra vô cùng nhộn nhịp thế nhưng tại phố cưới hỏi trầu cau nằm trên đường Lê Quang Sung (Quận 6, TPHCM) lại rất ảm đạm khiến nhiều tiểu thương không khỏi thở dài.
Trước khi được công nhận là tuyến phố cưới hỏi trầu cau vào cuối năm 2023, chợ trầu cau này là phiên bản “độc nhất vô nhị” với tuổi đời hơn 50 năm. Đây cũng là điểm đến quen thuộc của người dân địa phương mỗi khi có nhu cầu cúng bái, cưới hỏi, giỗ chạp… Vậy nên có thể nói những năm trước không khí buôn bán cau trầu diễn ra vô cùng tấp nập, đặc biệt là vào các dịp Tết đến xuân về.
Thế nhưng nhiều năm trở lại đây, do chẳng còn mấy ai ăn trầu nên số người bám trụ với nghề cũng vơi đi nhiều. Từng là nơi có khoảng 100 người buôn bán trầu cau đến nay chỉ còn vỏn vẹn chưa đến 10 gian, hầu hết những người đang cố gắng giữ nghề tại đây đều lớn tuổi và đã có thâm niên hàng chục năm.
Cẩn thận cắt tỉa những buồng cau, bà Nguyễn Thị Hoa (72 tuổi) - người đã bén duyên với nghề khi mới 14 tuổi, đồng thời cũng là đời thứ 4 nối nghiệp bán trầu chia sẻ: "Hồi đó người ta ăn trầu nhiều lắm, cứ Tết đến là người khắp tứ phương đổ về đây mua hàng nên không khí rất đông vui. Bây giờ khác rồi, trầu chỉ để trưng trong dịp đám hỏi với cúng thôi chứ ai mà ăn nữa, người trẻ thì lại càng không ăn".
Khi được hỏi về số lượng cau trầu mỗi ngày bán ra, bà Hoa lại lắc đầu ngao ngán bởi thường ngày ngồi bán từ 7h sáng đến 7h tối mà chỉ có lác đác vài người mua dù đã cận dịp Tết. Cũng theo bà, có người bán được vài kg, có người vì chẳng bán được mà dọn về sớm.
Tại gian hàng của bà Hoa, một đĩa cau gồm 13 quả có giá 50.000 đồng, trong khi một kg cau có giá 90.000 đồng, một buồng thì sẽ có giá khoảng 300.000 đồng. Mỗi ngày bà Hoa sẽ nhập khoảng 2.000 quả từ vườn trầu Bà Điểm - Hóc Môn để bán, thường vào 29 tháng chạp hằng năm, số lượng bán ra sẽ khá hơn nhưng đối với bà Hoa thì nó cũng chỉ ở mức đủ ăn: “Biết sao được giờ, nghề này gắn bó với tôi hơn 50 năm rồi nên còn khách là tôi còn bán, bán để kiếm tiền nuôi cháu ăn học, hơn hết là giữ lại cái nghề mà ông bà tôi truyền lại qua nhiều đời này”, bà Hoa tâm sự.
Giống như bà Hoa, gian hàng của bà Bảy cũng cùng chung tình cảnh vắng khách. Được biết, bà Bảy nay đã 80 tuổi - độ tuổi đáng ra được nghỉ ngơi và an dưỡng nhưng bà vẫn chọn cặm cụi mỗi ngày ra chợ bày bán trầu cau bởi bà đã trót yêu cái nghề này. Bà cũng thích cảm giác được trò chuyện với bạn hàng hơn là dành thời gian ở nhà một mình.
Do tuổi cao sức yếu nên bà Bảy chỉ có thể ngồi bán từ 7h sáng đến gần 10h trưa, mỗi ngày bà cũng chỉ lấy vỏn vẹn thùng cau 15kg và 20kg trầu từ nhà tới chợ để bán cho mối sỉ là chủ yếu: “Bây giờ bán lẻ ế lắm, khách tới chỉ mua 1-2 đĩa cau trầu nên tôi chủ yếu bán cho mối sỉ rồi dọn về. Bây giờ mối ghé cũng không ghé thường xuyên như hồi trước nữa, phải 4-5 ngày gì đó họ mới tới lấy hàng”, bà Bảy cho hay.
Theo bà Bảy, trước đây dãy phố này từng có vài tiểu thương bằng tuổi bà với hơn 50 năm kinh nghiệm nhưng nay họ đã rời đi hết bởi chẳng còn mấy ai mua, một phần vì tuổi già sức yếu, một phần vì con cháu chẳng thiết tha nối nghiệp bán trầu cau. Ấy vậy mà vẫn còn những người ở lại cố gắng bám nghề dù thu nhập chỉ đủ trang trải cho cuộc sống.