Những điều thú vị về đền Quán Thánh, điểm du lịch di tích Quốc gia đặc biệt mới công nhận

Ngày 9/8/2024, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định công nhận đền Quán Thánh là điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt.

Đền Quán Thánh được xây dựng vào thời Lý Thái Tổ, nhân dịp ban Thiên đô chiếu rời đô về Thăng Long. Quán Thánh là một trong Thăng Long tứ trấn, nằm ở phía Bắc kinh thành nên còn được gọi là Bắc trấn. Các trấn còn lại gồm Đông trấn đền Bạch Mã (thờ thần Long Đỗ), Tây trấn đền Voi Phục (thờ Linh Lang đại vương) và Nam trấn đền Kim Liên (thờ Cao Sơn đại vương).

f59db0dedfcf7b9122de-1723454227.jpg
Tam Quan đền Quán Thánh - Bắc trấn Thăng Long.

Xung quanh câu chuyện thành lập và thờ cúng tại đền Quán Thánh có rất nhiều điều thú vị, biến nơi đây trở thành điểm đến tham quan du lịch, tâm linh nổi tiếng của thủ đô.

Vị thần giúp dân lành

Theo tài liệu của đền, ước lượng thời gian xây và hoàn thiện Bắc trấn rơi vào những năm 1010 đến 1028. Đền có tên là Trấn Vũ Quán, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ (hay Võ) - vị thần của hướng Bắc. Nguồn gốc hình thành của đền có liên quan đến 2 truyền thuyết đức Thánh trừ yêu ma giúp dân lành.

Tương truyền rằng, vào thời Hùng Vương, tại rừng Thiết Lâm làng Long Đỗ (Hà Nội ngày nay) có yêu ma  hại dân. Ngọc Hoàng sai Võ đế dùng phép màu để trừng trị, rừng Thiết Lâm vì thế mà sụp xuống, tạo thành hồ Dâm Đàm (hồ Tây ngày nay). Sau khi quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La để xây dựng kinh thành Thăng Long, Lý Công Uẩn đã cho xây dựng đền Quán Thánh để tưởng nhớ công lao của thần.

e42b4b1d2a0c8e52d71d-1723454228.jpg
Bức Bạch hổ trước chính điện đền.
82189c2bfd3a5964002b-1723454228.jpg
Bức Thanh long trước chính điện của đền.
ad93b740d751730f2a40-1723454227.jpg
Cổng Tứ Trụ, hướng ra đường Thanh Niên ngày nay.

Một truyền thuyết khác cũng nói về công lao của thần, nhưng trong việc xây dựng thành Cổ Loa dưới thời vua An Dương Vương. Thần Trấn Vũ cũng giúp nhà vua diệt trừ yêu quái làm đổ thành, thành Cổ Loa vì thế mới có thể xây xong. Về sau, để tưởng nhớ công lao của thần, vua An Dương Vương cho lập đền thờ trên núi Sái (Đông Anh, Hà Nội) để dân chúng rước bài vị, tổ chức lễ hội vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm. Đền Quán Thánh cũng tổ chức tế lễ vào ngày này.

Pho tượng thần bằng đồng đen đặc sắc

Tương truyền tượng Trấn Vũ trước được làm bằng gỗ, sau này dưới thời vua Lê Hy Tông (1677), nhà vua cho dựng lại tượng, đúc hoàn toàn bằng đồng đen nguyên chất.

Pho tượng cao 3,96m, chu vi 8m, bệ đá đặt tượng cao 1,2m, tượng nặng vừa tròn 4 tấn. Tượng tạc dáng thần ngồi oai nghiêm, quắc thước nhưng vẫn hiền từ. Khuôn diện tượng vuông chữ điền, mắt nhìn thẳng, râu dài, đầu không đội mũ, mặc áo đạo bào màu đen, đi chân trần đạp lên lưng rùa (tương truyền là Huyền Vũ - loài rùa đuôi rắn). 

d3d7e4aa9abb3ee567aa-1723454228.jpg
Tượng Trấn Vũ đại đế, cao 3,96m, nặng 4 tấn.

 

Về tư thế, tượng đồng đen Trấn Vũ một tay kết ấn, một tay cầm kiếm, trên thân kiếm có rắn quấn xung quanh, chính là đuôi của linh thú Huyền Vũ. Rắn và rùa tượng trưng cho sức mạnh và sự trường tồn của thần. Đây là nét đặc sắc trong kiến trúc mang hàm ý văn hóa - biến tượng Trấn Vũ đền Quán Thánh trở thành bức tượng đồng đen đặc sắc xuyên suốt nhiều thời đại.

 

Mi môn trước cung chính điện

Mi Môn hay Quải Bình tức có nghĩa là bức bình phong treo trên cao, khác với các loại bình phong ngăn cách các cung thờ được đặt dưới đất. Mi Môn đền Quán Thánh được nhóm người Hoa cung tiến vào đền năm Quý Tỵ 1893 do thần Trấn Vũ có vị trí quan trọng, nằm ở ngôi Bắc Đẩu trong quan niệm thờ Lão Giáo.

Mi Môn đền Quán Thánh mang tính cầu kỳ, độ chi tiết cao. Phác họa cảnh sinh hoạt, diễn tuồng cổ - một nét đẹp văn hóa, văn nghệ mà người Hoa tự hào. Hình ảnh này cũng xuất hiện trên Mi Môn và nóc nhà các hội quán Quảng Đông, hội quán Phúc Kiến ở Hội An.

0beaf4f195e031be68f1-1723454228.jpg
Mi Môn đền Quán Thánh.

Xoa chân thánh Trấn Vũ để cầu thi cử đỗ đạt

Trước đây, vào những năm 2000, cùng với bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám, người dân thường cho con cái đến đền Quán Thánh để... xoa chân tượng Trấn Vũ, sau đó ấn lên đầu, mong cầu thi cử đỗ đạt.

Sau này, nhờ chính sách bảo tồn di tích, toàn bộ các bia Tiến Sĩ được Văn Miếu quản lý đã nghiêm cấm người dân trực tiếp sờ vào hiện vật, đền Quán Thánh tương tự cũng vì thế mà thoát khỏi số phận bị các sĩ tử sờ cho nhẵn bóng.

img-6645-1723454715.jpg
Người dân chen nhau xoa chân tượng Trấn Vũ để cầu mong may mắn, thi cử đỗ đạt. Ảnh: Báo Lao Động.

Hiện vật đồ đồng cổ ở đền

Ngoài bức tượng thần, di tích đền Quán Thánh còn lưu trữ nhiều hiện vật cổ làm bằng đồng quý giá qua các triều đại phong kiến như bát hương, lư hương, bộ bát bửu, đỉnh đồng, hồ lô, hạc đồng...

b4d778820693a2cdfb82-1723454227.jpg
Hiện vật "Bát Bửu" đang được bảo tồn trong đền.
f3f3aa8cc59d61c3388c-1723454227.jpg
Cây đèn bằng đồng, trong chính điện đền.

Đền Quán Thánh trước nằm sát Hồ Tây

Không phải như nhiều người vẫn tưởng, đền Quán Thánh xưa kia không có lộ tuyến nào đi qua như hiện tại. Cổng Tứ Trụ của đền hướng ra hồ Tây, có cầu thang lên xuống, nơi mà người dân vẫn thường xuyên tới để đánh vó, câu cá.

9e0763b40da5a9fbf0b4-1723454226.jpg
Đền Quán Thánh xưa, từ cổng Tứ Trụ có cầu thang xuống thẳng hồ Tây. Ảnh chụp năm 1926, trưng bày tại đền.
23b976151804bc5ae515-1723454227.jpg
Cổng Tam Quan đền trong khoảng thập niên 1890. Ảnh trưng bày tại đền.
c653a1d5cfc46b9a32d5-1723454227.jpg
Người dân đánh vó mưu sinh trước cửa đền.

 

9eed1cc032d1968fcfc0-1723454226.jpg
Nhà Bia của đền, ghi lại các lần trùng tu vào năm 1618, 1677, 1768, 1836, 1843, 1893, 1941.

 

Bài và ảnh: Uy Danh