Tham dự tọa đàm có ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng cục Du lịch Quốc gia; ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam; các lãnh đạo sở Du lịch; doanh nghiệp hàng đầu về du lịch,...
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đã đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 108 triệu lượt khách nội địa, vượt mục tiêu ban đầu là khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Tại toạ đàm, nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, cần quy hoạch lại sản phẩm du lịch của các địa phương để hỗ trợ chứ không cạnh tranh nhau. Song song đó, cần kết nối chặt chẽ các sản phẩm của từng địa phương để tạo ra các tour du lịch thu hút du khách.
Cần có sản phẩm phù hợp để thu hút du khách
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, khách du lịch tăng khá nhanh nhưng so với tiềm năng và nhu cầu của nền kinh tế thì còn thấp. Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế; năm nay đặt mục tiêu 17-18 triệu du khách, hiệp hội đưa mục tiêu 20 triệu du khách cho doanh nghiệp phấn đấu.
Tuy nhiên, có một thực tế là số du khách tăng nhưng khách đi tour không tăng nhiều. Có thể thấy 20 năm trở lại đây, khách hàn Quốc, Nhật Bản đi theo hướng riêng của họ, khách Trung Quốc tăng trở lại nhưng không lớn. Tour giá rẻ cho khách Trung Quốc đã xuất hiện trở lại.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, muốn thu hút khách phải có sản phẩm phù hợp, muốn vậy phải có chính sách thích hợp. Thứ nhất chính sách thúc đẩy chung cho ngành du lịch phát triển như visa hay là vấn đề hàng hóa,... Thứ hai là chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch phải được tiến hành. Cần triển khai tất cả những việc mà ngành du lịch đã được cho phép, các cơ quan liên ngành phải triển khai những việc Chính phủ đã giao. Phải tận dụng những cái chúng ta đang có, khai thác mức cao nhất việc liên kết giữa các doanh nghiệp và xử lý những đề nghị của doanh nghiệp.
“Nếu lạc hậu về chính sách sẽ luôn luôn tụt hậu, bao gồm cả trong chính sách xúc tiến du lịch. Nhiều tỉnh thành tổ chức lễ hội, nhầm lẫn giữa thu hút khách nội địa với khách quốc tế. Bởi, khách du lịch quốc tế không đủ thời gian và sự quan tâm để tham gia những lễ hội mà chúng ta tổ chức ở khắp nơi. Vì vậy, rất cần có chiến lược xúc tiến du lịch quốc gia, các tỉnh thành dành kinh phí thực hiện xúc tiến theo đúng chiến lược đó thu hút được khách vào?” - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh.
Về phía các sở ngành địa phương, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở du lịch TP.HCM cho biết, sau COVID-19, ngành du lịch thành phố định hướng chú trọng về đóng góp của doanh thu, không quá chú trọng vào lượng khách nhất là trong bối cảnh khách quốc tế chưa ổn định ở các thị trường khác nhau.
Hiện tại, ngành du lịch thành phố nhận thấy công tác truyền thông quảng bá ở nước ngoài rất tốt. Đặc biệt chính sách visa mới đã tạo được hiệu ứng rất mạnh. Sở Du lịch TP.HCM đã tận dụng truyền thông, đồng thời đẩy mạnh quảng bá các điểm đến trước khi chính sách được đưa ra nên hiệu quả đạt được rất đáng khích lệ.
Về kinh nghiệm thu hút du khách của ngành du lịch TP.HCM, ông Lê Trương Hiền Hòa nêu ra: Thứ nhất, về nguồn nhân lực, cố gắng hỗ trợ tăng nhận thức trong công tác quản lý. Thứ hai, công tác quảng bá của các DN du lịch cũng rất quan trọng. Tạo điều kiện tốt nhất, cũng như tạo cầu nối để kết nối các doanh nghiệp với nhau. Thứ ba, đẩy mạnh công tác truyền thông.
Với Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc sở Du lịch Hà Nội thông tin, năm 2024, ngành du lịch Hà Nội phấn đấu số lượng khách du lịch đạt trên 27 triệu lượt, tăng 9,2% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế là 5,5 triệu lượt, tăng 16,4% so với năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023.
Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Sở Du lịch Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch trong năm 2024, với nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó ưu tiên tập trung vào một số nhóm giải pháp đột phá.
Triển khai 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia nhấn mạnh, ngành du lịch đang tăng trưởng tốt, đón nhiều giải thường danh giá, như: Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á, Điểm đến di sản hàng đầu thế giới. Chất lượng du lịch Việt Nam cũng ngày càng nâng cao.
Để phát triển thành kinh tế mũi nhọn, mới đây Chính phủ có Chỉ thị 08/2024 giao nhiệm vụ cụ thể bộ ngành để phát triển ngành du lịch có định hướng đạt mục tiêu đề ra. Đó là đón 17-18 triệu khách quốc tế, 110 triệu du khách nội địa. Đây là mục tiêu rất tham vọng.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, để đạt được những mục tiêu đề ra, ngành du lịch có 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: Thứ nhất, đang hoàn tất quy hoạch du lịch 2025-2030 tầm nhìn 2045 đang chờ Thủ tướng phê duyệt. Khi quy hoạch ban hành ngành du lịch xác định hướng đi đễ tổ chức thực hiện. Thứ hai, tổ chức các hoạt động liên kết – phát triển điểm đến xanh-bền vững, lấy trải nghiệm của du khách làm trọng tâm. Thứ ba, đề xuất nội dung, thay đổi phương thức xúc tiến thương mại dựa trên các phân khúc: du lịch cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, nông thôn, MICE (du lịch kết hợp hội nghị), golf, du lịch đường sắt. Thành lập văn phòng xúc tiến thương mại du lịch ở nước ngoài – đây điểm yếu của Việt Nam so với các nước. Trước tiên là mở văn phòng tại Viêng Chăn (Lào). Thứ tư, phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế tiềm năng để thu hút khách trong và ngoài nước cũng như tăng tỉ lệ khách quay lại. Quan trọng là sản phẩm phù hợp giữ chân du khách. Thứ năm, nghiên cứu đề xuất để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp du lịch, nhất là các vấn đề liên quan đến đầu tư, thuế. Thứ sáu, phối hợp địa phương quản lý điểm đến bảo đảm an toàn cho du khách. Thứ bảy, tăng cường chuyển đổi số, phát triển cơ sở dữ liệu để phát triển du lịch.
Kết lại sự kiện, đại diện đơn vị tổ chức, Nhà báo – Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập báo Người Lao Động chia sẻ: "Sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch đã trải qua 2 năm phục hồi dù còn rất nhiều khó khăn thách thức. Ngoài thời điểm ý nghĩa, tọa đàm hôm nay cũng là tọa đàm đầu tiên mà Báo Người Lao Động tổ chức trong năm 2024.
Tôi thống nhất với các ý kiến trao đổi tại tọa đàm là chúng ta phải nghĩ cách không chỉ thu hút nguồn lực du lịch trong nước mà còn khách nước ngoài vào Việt Nam. Báo Người Lao Động là 1 trong những cơ quan truyền thông luôn đồng hành cùng ngành du lịch nhiều năm qua, lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ khó khăn với ngành du lịch. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành du lịch TP.HCM và cả nước để đưa du lịch phát triển".