Với vai trò là nhà sản xuất của bộ phim, Hoàng Quân cho biết “Phim ảnh tiếp cận được một lượng khán giả rất đông từ trong lẫn ngoài nước. Vì vậy khi một bộ phim được quay ở một bối cảnh nào đó tại Việt Nam, sẽ góp phần tạo nên độ nhận diện về vùng đất và văn hóa ở đó”.

Nhà sản xuất cũng chia sẻ thêm về những cảnh trí của tỉnh cực Bắc Tổ quốc khi được lên sóng: “Trong bộ phim Tết Ở Làng Địa Ngục, khán giả sẽ thấy được sự hùng vĩ của những rặng núi răng cưa, những con thác hùng vĩ. Đặc biệt khán giả sẽ chiêm ngưỡng được những ngôi làng cổ với tuổi đời gần 1000 năm vẫn giữ được những nét hoang sơ mộc mạc. Và tôi nghĩ việc mang những cảnh sắc ấy của tỉnh Hà Giang lên màn ảnh chắc chắn sẽ tác động nhất định đến việc quảng bá du lịch cho tỉnh”.

Nhà sản xuất Hoàng Quân cũng hy vọng rằng bộ phim của mình sẽ mang lại hiệu quả trong việc quảng bá du lịch, giúp những ai chưa đặt chân đến Hà Giang sẽ biết đến vùng đất này. Cũng như giúp “níu chân” những du khách đã đến Hà Giang sẽ trở lại khám phá vùng Đông Bắc khi xem bộ phim do anh sản xuất.
Tác giả của tác phẩm - Thảo Trang cũng chia sẻ thêm về yếu tố văn hóa dân tộc được lồng ghép trong tác phẩm của mình: “Thông qua tác phẩm, mình muốn chia sẻ với các độc giả của mình một điều, đó chính là đất nước chúng ta có vô vàn điều thú vị về văn hóa. Và thông qua các chi tiết trong tác phẩm, sẽ giúp độc giả khám phá những nét văn hóa đặc sắc ấy. Để mỗi người chúng ta thêm yêu dân tộc, thêm yêu văn hóa Việt Nam”.

Theo đạo diễn Trần Hữu Tấn, lý do chọn chuyển thể tác phẩm cùng tên thành phim là do tác phẩm gốc có những ý tưởng và nội dung phù hợp để có thể đưa lên màn ảnh. Không chỉ vậy, việc chuyển thể tác phẩm thành bộ phim cùng tên này còn giúp ê-kíp thể hiện được lòng tự tôn dân tộc của mình thông qua việc đưa hình ảnh đất nước lên màn ảnh nhỏ.

