Nghiên cứu từ Đại học Monash hé lộ thông tin bất ngờ việc trữ đông trứng

Nghiên cứu mới từ Đại học Monash và Tổ chức Monash IVF lần đầu đưa ra thông tin liên quan đến kết quả đông lạnh trứng ở Úc, bao gồm tỷ lệ bệnh nhân quay trở lại và số phận của lượng trứng không được sử dụng.

Những năm gần đây, xu hướng đông lạnh trứng đã gia tăng đáng kể trên toàn thế giới. Mặc dù phương pháp đông lạnh trứng đã có mặt trong hơn một thập kỷ qua nhưng vẫn còn rất ít thông tin về số phận của trứng đông lạnh cũng như việc các bệnh nhân sẽ giải quyết lượng trứng dự trữ dư thừa ra sao.

Vừa qua, Đại học Monash và Monash IVF, tổ chức chăm sóc sức khỏe sinh sản với chuyên môn về thụ tinh trong ống nghiệm hàng đầu tại Úc đã trình bày nghiên cứu Xu hướng Bảo quản, Sử dụng và Kết quả Xử lý Sau khi Đông lạnh Trứng. Mục đích của nghiên cứu là phân tích việc sử dụng trứng đông lạnh cũng như số phận của lượng trứng trữ dư trong khoảng thời gian 10 năm. Dữ liệu không xác định danh tính về kết quả đông lạnh trứng tại các phòng khám Monash IVF ở Victoria, Australia từ năm 2012 - 2021 đã được thu thập cho nghiên cứu này.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Molly Johnston từ Trung tâm Đạo đức Sinh học Monash, cho biết nghiên cứu này cung cấp thông tin và hiểu biết có giá trị đối với những người đang cân nhắc việc đông lạnh trứng và ngành sinh sản nói chung. Trong đó, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các nhà hoạch định chính sách, về việc quản lý và sử dụng số trứng dự trữ dư thừa trong tương lai.

photo-1704964773276-17049647734001169254935-1704979029251-1704979030591986832617-1705035508.jpg
 

“Số lượng trứng đông lạnh được dự trữ tiếp tục vượt xa số lượng trứng được sử dụng để điều trị hay lấy ra khỏi kho để tiêu hủy hoặc hiến tặng. Việc này có ảnh hưởng đến các phòng khám hỗ trợ sinh sản, khi mà họ sẽ cần đến các chiến lược mới để tránh tình trạng tích tụ trứng đông lạnh không bền vững”, Tiến sĩ Johnston nói.

Trong khoảng thời gian 10 năm với 3.082 chu kỳ đông lạnh trứng, đã có tới 2.800 quả trứng bị loại bỏ, hiến tặng hoặc chuyển sang phòng khám khác. Trong khi đó, tổng cộng chỉ có 645 chu kỳ rã đông trứng được thực hiện, nghĩa là mỗi năm có chưa đến 13% bệnh nhân trữ đông trứng quay trở lại.

Trong số những bệnh nhân đã lấy trứng ra khỏi kho bảo quản, chỉ có 15% quyết định tặng trứng trữ đông dư thừa cho người khác vì mục đích sinh sản. Trong suốt thời gian diễn ra cuộc nghiên cứu này, đã không có bệnh nhân nào hiến tặng trứng dư thừa cho các dự án nghiên cứu bởi luật Úc quy định trứng trữ đông chỉ được hiến tặng cho các dự án nghiên cứu đang diễn ra. Các phòng khám có liên kết với cuộc nghiên cứu này đã không thực hiện các dự án nghiên cứu liên quan trong khoảng thời gian đó và họ cũng không lưu trữ trứng cho các nghiên cứu trong tương lai.

Tiến sĩ Johnston cho biết việc không cho phép hiến tặng trứng cho những nghiên cứu trong tương lai có thể lãng phí cơ hội tạo nên những tiến bộ hơn nữa về kỹ thuật sinh sản: “Việc hạn chế hiến tặng trứng cho nghiên cứu sẽ ảnh hưởng đến những người phải quyết định số phận của trứng dư thừa, những người muốn hiến tặng và cả tiến bộ nghiên cứu. Do đó, cần tìm hiểu thêm về triển vọng của việc hiến tặng và lưu trữ trứng dư thừa phục vụ cho các nghiên cứu trong tương lai, để tăng thêm nguồn trứng sẵn có cho cả những nghiên cứu ở hiện tại và trong tương lai”.

Tuy rằng số lượng trứng trong kho lưu trữ tăng rất nhanh chóng, rất ít bệnh nhân nhượng lại trứng đã lưu trữ. Sẽ cần có các chiến lược mới để quản lý trứng đông lạnh nhằm đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng về cơ sở vật chất. Giáo sư Rombauts hy vọng với thông tin và sự hỗ trợ phù hợp, sẽ có thêm nhiều phụ nữ quyết định hiến tặng trứng của mình cho người khác hoặc cho các dự án nghiên cứu.

Đại học Monash không chỉ là đại học hàng đầu nước Úc mà còn là cơ sở nghiên cứu dẫn đầu tại quốc gia này, theo danh sách Tạp chí Nghiên cứu 2024 (2024 Research Magazine) của nhật báo The Australian. Monash đã có nhiều nghiên cứu xuất sắc về mặt hàn lâm lẫn thực tiễn, nổi bật trong đó là Chương trình nghiên cứu Thụ tinh trong Ống nghiệm với ca thụ tinh trong ống nghiệm thành công đầu tiên trên con người vào năm 1973.
Ngân Trần