Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Sleep Health đã phát hiện ra rằng những người không ngủ theo lịch nhất quán có tuổi sinh học (tốc độ lão hóa của các tế bào) cao hơn so với những người có giấc ngủ đều đặn đúng giấc.
Cụ thể, các nhà khoa học tại Đại học Augusta đã tiến hành theo dõi thói quen ngủ của hơn 6.000 tình nguyện viên có độ tuổi trung bình là 50. Trong quá trình này, họ được đeo thiết bị theo dõi giấc ngủ để ghi lại thời gian bắt đầu ngủ và thời lượng giấc ngủ từ 4 - 7 ngày. Bên cạnh đó, họ còn phải trả lời bảng hỏi liên quan về lối sống của họ.
Để xác định tuổi sinh học và và các dấu hiệu sức khỏe của người tham gia, các nhà khoa học đã phân tích mẫu máu, từ đó đưa ra các chỉ số sức khỏe như mức cholesterol, bệnh tiểu đường và bệnh thận.
Nghiên cứu cho thấy 65% tình nguyện viên ngủ từ 7 - 9 tiếng mỗi đêm, 16% ngủ dưới 7 tiếng và 19% ngủ hơn 9 tiếng. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần, các tình nguyện viên thường có thói quen ngủ thêm khoảng 78 phút, thời gian đi ngủ của họ chỉ chênh khoảng 60 phút mỗi đêm.
Qua đó, các chuyên gia rút ra được kết luận, đối với nhóm người có lịch trình ngủ cố định và duy trì đều đặn trong suốt cả tuần, họ sẽ có tuổi sinh học trẻ nhất. Tương tự như vậy, nhóm người có sự chênh lệch nhiều trong giờ giấc đi ngủ và thời lượng ngủ giữa các ngày trong tuần so với cuối tuần, họ sẽ có tuổi sinh học già nhất.
"Chúng tôi nhận thấy ngủ không điều độ, hay ngủ bù, giấc ngủ không đều, tình trạng sống lệch múi giờ có thể đẩy nhanh tốc độ lão hóa sinh học. Tốc độ lão hóa này được đo bằng ba thuật toán dựa trên các dấu hiệu lâm sàng", các tác giả của nghiên cứu viết.
Đây là nghiên cứu đầu tiên đo lường loại giấc ngủ và mối quan hệ của nó với việc lão hóa sinh học. Dù các bài kiểm tra độ tuổi sinh học còn gây tranh cãi, những các chuyên gia cho rằng chúng vẫn là dấu hiệu rõ nhất cho thấy mức độ tổn hại diễn ra bên trong cơ thể khi chúng ta không có giấc ngủ đàng hoàng.
Trước đó, Hệ thống y tế hàn lâm phi lợi nhuận lớn nhất thế giới của Mỹ - Cleveland Clinic - cũng cảnh báo rằng việc thiếu ngủ thường xuyên có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và khả năng nhận thức cũng như sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, các chuyên gia còn nêu rõ thói quen đi ngủ thất thường này là yếu tố có thể thay đổi được. Vậy nên khi bạn tập thói quen ngủ đều đặn đúng giấc thì bạn có thể trẻ lâu và kéo dài số năm sống khỏe nhiều hơn.