Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Năm 2025 định hướng Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới

Ngày 13/6/2024 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 509/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, tổng nhu cầu đầu tư, cơ cấu nguồn vốn và phân kỳ đầu tư cũng được đưa ra cụ thể. Theo đó, tổng nhu cầu đầu tư (dự kiến) là khoảng 3.600 nghìn tỷ đồng, tương đương 160 tỷ USD, theo tỷ giá hiện hành. Với nguồn vốn đầu tư này bao gồm: nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm 3% - 5% (bao gồm cả vốn ODA - Hỗ trợ Phát triển Chính thức); nguồn vốn huy động từ khu vực tư nhân chiếm 95% - 97% (bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài). Phân kỳ đầu tư ở giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 1.600 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 là khoảng 2.000 nghìn tỷ đồng.

Với mục tiêu lớn này sẽ được thống nhất quy hoạch đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới; đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới; khai thác tối ưu tài nguyên du lịch biển, đảo…

448805404-946273844176862-7182555170722738153-n-1719463948.jpg
Ảnh: Check-in Việt Nam.

Theo đó mục tiêu cụ thể trong định hướng “Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”, phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm; doanh thu dịch vụ du lịch đóng góp trực tiếp 8 - 9% trong GDP; có khoảng 1,3 triệu buồng phòng; du lịch tạo ra khoảng 6,3 triệu việc làm, trong đó khoảng 2,1 triệu việc làm trực tiếp… Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 - 5%/năm; đóng góp trực tiếp từ 13 - 14% trong GDP; có khoảng 2 triệu buồng phòng; tạo ra khoảng 10,5 triệu việc làm, trong đó khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp…

Cụ thể, du lịch sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, tạo sinh kế cho cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao dân trí và đời sống tinh thần của người dân. Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đến năm 2030, 100% các khu, điểm du lịch; các cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. Du lịch cũng góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, giữ vững an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

430022435-805349958300249-3698932087129873085-n-1719464068.jpg
Ảnh: Check-in Việt Nam

Đến năm 2045, du lịch khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế; điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương; phấn đấu đón 70 triệu khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7.300 nghìn tỷ đồng; đóng góp 17 - 18% trong GDP.

Định hướng phát triển thị trường, theo Quy hoạch: giai đoạn 2021-2025, phục hồi và giữ vững đà tăng trưởng của thị trường khách nội địa; giai đoạn 2026-2030: Đẩy mạnh khai thác các phân đoạn thị trường chi trả cao, lưu trú dài ngày, các thị trường mới về du lịch gôn, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm. Với thị trường quốc tế, giai đoạn 2021-2025, phục hồi các thị trường truyền thống, kết hợp thu hút các thị trường mới nổi: Ấn Độ, các nước Trung Đông; giai đoạn 2026-2030: Duy trì và mở rộng quy mô các thị trường truyền thống: các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu  Âu, Bắc Mỹ, Nga và Đông Âu, châu Đại Dương; đa dạng hóa các thị trường, chuyển dịch theo hướng tăng thị phần khách có khả năng chi trả cao.

337256635-1277829476418712-3379064428868042120-n-1719466305.jpg
Ảnh: Check-in Việt Nam.

Phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các đô thị trung tâm: Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ; các đô thị đặc thù, như: Đô thị di sản Hội An (Quảng Nam), Huế (Thừa Thiên Huế); các đô thị trọng điểm phát triển du lịch, như: Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Phan Thiết (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang); chú trọng gắn kết du lịch với công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế ban đêm.

Bên cạnh đó, phát triển các loại hình du lịch mới theo hướng đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với những xu hướng mới của thị trường: du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch thể thao, thể thao mạo hiểm; du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện (MICE); du lịch giáo dục; du lịch du thuyền; du lịch công nghiệp. Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, nổi trội theo vùng; hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng và tạo dựng thương hiệu du lịch vùng trên cơ sở tăng cường liên kết vùng.

Hải Ngân