Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Du lịch Việt 2024 nhận tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn thách thức

Theo báo cáo từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam vào ngày 2/1, trong kỳ nghỉ Tết dương lịch, cả nước đã đón khoảng 3,2 triệu lượt khách, công suất buồng phòng lưu trú đạt ước tính 50%, nhiều điểm đến được người dân yêu thích có công suất phòng lên đến 95%. 

Không ghi nhận tình trạng “chặt chém”

Những điểm đến thu hút đông đảo du khách trong ba ngày nghỉ lễ vừa qua bao gồm: TP.HCM (1,65 triệu lượt), Khánh Hòa (hơn 465.000 lượt), Hà Nội (402.000 lượt khách), Ninh Bình (300.000 lượt)… Hà Giang, Lào Cai và các tỉnh miền Tây phục vụ số khách vượt trội, công suất sử dụng phòng đạt trên 90%, nhiều nơi đạt 100%. TP.HCM thu hút 1,65 triệu lượt khách, tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 6.400 tỷ đồng. Công suất phòng trung bình ước đạt 87%.

img-4768-20231231085707-1704356929.jpeg
Cầu Hôn - biểu tượng mới của du lịch Việt Nam, được hãng thông tấn Mỹ CNN quảng bá là điểm phải đến khi du lịch Phú Quốc.

Trong đó, Hà Nội đón lượng khách quốc tế cao nhất với 72.000 lượt, tiếp đó là TP.HCM với hơn 46.000 lượt… Du lịch Việt nhận những tín hiệu tích cực từ dòng khách quốc tế cao cấp, Quảng Ninh đã đón hai siêu du thuyền với 3.700 khách trong các ngày từ 31/12/2023 đến 1/1/2024.

Còn với Sở Du lịch Kiên Giang, dịp Tết Dương lịch 2024, nơi đây đón hơn 120.000 lượt khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng, trong đó, khách quốc tế đạt trên 15.000 lượt. Công suất sử dụng buồng phòng tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 63,2%, tổng thu từ du lịch đạt 369 tỉ đồng.

Tỉnh Tây Ninh cũng bất ngờ công bố điểm đến này đạt kỷ lục 5 triệu lượt khách đi cáp treo tới núi Bà trong những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Thành tích này đã góp phần giúp du lịch Tây Ninh có một năm thành công rực rỡ với dấu ấn đón hơn 5,1 triệu lượt khách, đạt 102% kế hoạch, tăng 13,2% so với cùng kỳ.

Cả nước không ghi nhận tình trạng "chặt chém" khách du lịch trong dịp Tết dương lịch Giáp Thìn vừa qua. Lượng khách du lịch quốc tế tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Đây là tín hiệu khả quan cho kỳ vọng đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế của toàn ngành trong năm 2024.

Năm 2024 du lịch Việt cần lưu ý những thách thức

Mặc dù du lịch Việt Nam đầu năm nhận về các số liệu thống kê đáng mừng tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức được các chuyên gia cảnh báo về sự phát triển của du lịch nước nhà. Trong đó, nổi bật là nút thắt về chi phí các chuyến bay đến Việt Nam. Điều này cũng là một trong những yếu tố khiến khách du lịch trong nước đến quốc tế không mặn mà khi đi du lịch bằng phương tiện máy bay.

Theo một số chuyên gia về lĩnh vực du lịch lữ hành bày tỏ, năm 2023 đã cho thấy bức tranh du lịch chưa thực sự hoàn thiện của du lịch nội địa khi thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành, hàng không và chính điểm đến. Họ mong rằng sang năm mới, ngành du lịch cần sự hợp tác chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi cho tất cả bên tham gia. Điều đó thể hiện qua việc thiết lập các cơ chế hỗ trợ và đảm bảo trong quá trình hợp tác, đồng thời tạo ra sự liên kết vùng và đưa ra những chính sách thúc đẩy, khuyến khích hợp tác bền vững lâu dài.

san-bay-tan-son-nhat-1704357187.jpg
Sân bay Tân Sơn Nhất từ trên cao. Ảnh: Wordpress

Du lịch Việt Nam năm 2023 hoàn thành mục tiêu đặt ra nhưng nhìn chung vẫn còn khá chật vật, đặc biệt trong việc thu hút khách quốc tế. Trong Hội nghị trực tuyến về du lịch toàn quốc ngày 15/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét “du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lượng khách du lịch quốc tế chưa được như mong muốn và mục tiêu đề ra”.

camnhi-230909020926-mua-nuoc-noi-mien-tay-va-nhung-dieu-thu-vi-4jpg-1704357352.crdownload
Rừng ngập mặn Cà Mau. Ảnh: Viettravel

Trong "Dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024" Cục Du lịch Quốc gia công bố hôm 29/12, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024 sau khi năm 2023 thu hút 12,6 triệu lượt, bằng 70% so với trước dịch. Với mục tiêu này, du lịch Việt dự kiến phục hồi 95-100% so với năm 2019.

Theo các chuyên gia về lĩnh vực du lịch lữ hành, năm 2023 và cả những năm tới, thị phần khách cá nhân của thị trường châu Á đang và sẽ tăng nhanh chóng. Điều này cũng đồng nghĩa các công ty du lịch nên có những hướng đi phù hợp, thích ứng và thay đổi cách tiếp cận cũ vốn phổ biến ở Việt Nam là chỉ ưu tiên những chuyến trọn gói, giá rẻ.

Ngân Trần