Di sản – tài sản định vị bản sắc du lịch MICE Việt Nam
Ngày 15.7, tại Hà Nội, Hiệp hội du lịch Việt Nam, Chi hội Du lịch MICE Việt Nam (VMA) đã chính thức công bố tổ chức MICE EXPO 2025. Tham dự lễ công bố có Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam bà Cao Thị Ngọc Lan, đại diện Sở Du lịch Hà Nội, các doanh nghiệp du lịch và báo chí, truyền thông.
Theo Ban tổ chức, MICE EXPO 2025 sẽ diễn ra vào ngày 26.9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, dự kiến quy tụ hơn 800 doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng 1.500 đại biểu và buyer (người mua) quốc tế. Dự kiến, trong khuôn khổ sự kiện MICE EXPO 2025 sẽ diễn hội thảo chuyên đề về di sản, công nghệ, phiên kết nối trực tiếp (B2B) giữa các doanh nghiệp trong hệ sinh thái du lịch – sự kiện – công nghệ; khu trải nghiệm công nghệ (Tech Zone) giới thiệu các giải pháp số chuyên biệt cho ngành MICE; Bên lề có các hoạt động tăng cường kết nối như: Giải VMA Pickleball Cup lần thứ nhất, giải chạy trực tuyến “Một vòng Việt Nam” nhân kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam.
Sự kiện đánh dấu một bước tiến mới trong chiến lược định vị Việt Nam là điểm đến du lịch MICE đặc sắc của khu vực và thế giới. Với chủ đề “Di sản và Công nghệ – Động lực phát triển du lịch MICE trong kỷ nguyên mới”, sự kiện không chỉ là tuyên ngôn cho định hướng phát triển du lịch MICE Việt Nam, mà còn phản ánh tầm nhìn kép trong bối cảnh toàn cầu.
Trong khi các trung tâm du lịch MICE lớn của khu vực như: Singapore, Bangkok hay Seoul phát triển theo hướng hiện đại hóa hạ tầng, Việt Nam có thể tạo nên lợi thế riêng bằng cách kết hợp yếu tố bản sắc. Việt Nam có hệ sinh thái di sản phong phú, từ các di sản thế giới như: Tràng An, vịnh Hạ Long, Huế, Hội An…, đến các di sản phi vật thể như: Nhã nhạc, Ca trù, Múa rối nước. Những giá trị đó có thể trở thành chất liệu để thiết kế các chương trình hội họp, gala dinner, incentive tour độc đáo.
Ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch VMA chia sẻ về MICE EXPO 2025.
Ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch VMA nhấn mạnh, VMA mong muốn MICE EXPO là cầu nối giữa bản sắc văn hóa, tài nguyên thiên nhiên Việt Nam và công nghệ hiện đại. Di sản không chỉ là giá trị tinh thần mà còn là nguồn cảm hứng sáng tạo, là nền tảng cho những trải nghiệm MICE độc đáo. Việt Nam đang sở hữu đầy đủ lợi thế: di sản sống động, con người thân thiện, cảnh quan độc đáo, chi phí cạnh tranh và nền tảng công nghệ đang được đầu tư mạnh. Nếu biết tận dụng, MICE Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trở thành một “điểm đến khác biệt” trong khu vực.
Cùng quan điểm, bà Lưu An Hòa, Tổng Thư ký VMA nhấn mạnh thêm, MICE Việt Nam phải vượt ra khỏi khái niệm hội trường, phòng họp đơn thuần. VMA đang định hướng tạo nên những sản phẩm MICE mang đậm hơi thở văn hóa bản địa, đưa khách hòa mình vào không gian văn hóa, thiên nhiên và di sản. Đặc biệt, hội thảo chuyên đề “Di sản và Công nghệ - Động lực phát triển du lịch MICE trong kỷ nguyên mới” tại MICE EXPO 2025 được VMA tổ chức nhằm khẳng định vai trò của di sản là tài sản định vị bản sắc du lịch MICE Việt Nam.
Công nghệ - chìa khóa kiến tạo hệ sinh thái MICE đổi mới
Theo Tổng Thư ký VMA, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi cách tổ chức sự kiện, ngoài một hội trường chuẩn mực, khách MICE cần những trải nghiệm gắn với văn hóa, thiên nhiên, công nghệ và cảm xúc. Đó là lý do MICE EXPO 2025 xuất hiện Khu trải nghiệm công nghệ (Tech zone): Giới thiệu các nền tảng số chuyên biệt cho Du lịch nói chung và Du lịch MICE nói riêng.
Tại Khu trải nghiệm công nghệ Tech zone, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam sẽ được tiếp cận với các giải pháp công nghệ mới như: Nền tảng tổ chức hội nghị ảo; công nghệ thực tế ảo (VR/AR) giúp khách tham quan các điểm MICE từ xa; AI hỗ trợ xây dựng hành trình sự kiện cá nhân hóa; AI phiên dịch; hệ thống quản lý sự kiện thông minh; hệ sinh thái số hóa toàn bộ chuỗi MICE, từ lên kế hoạch, tiếp cận khách hàng đến tổ chức, vận hành…
Đại diện doanh nghiệp du lịch và truyền thông báo chí tại lễ công bố MICE EXPO 2025.
Ông Nguyễn Đức Anh cho biết, Ban tổ chức đã mạnh dạn đầu tư nền tảng số tích hợp, cho phép khách tham dự đặt chỗ, check-in, kết nối đối tác ngay trên ứng dụng di động. Đây là lần đầu tiên tại MICE EXPO các doanh nghiệp du lịch Việt Nam được trải nghiệm các công nghệ hội nghị trực tuyến thực tế ảo (VR/AR) và AI hỗ trợ xây dựng hành trình cá nhân hóa, sử dụng chatbot tư vấn, ứng dụng hệ thống quản lý thông minh và nền tảng vận hành toàn diện chuỗi MICE.
Theo Chủ tịch VMA, năm nay ban tổ chức quyết tâm đưa công nghệ vào làm nhân tố đột phá. MICE EXPO 2025 không chỉ thay đổi không gian lớn hơn, thay đổi rất nhiều nội dung mà còn mời các thành viên ngoài ban chấp hành VMA vào đồng hành cùng ban tổ chức. Tiến tới sự kiện cũng sẽ mở rộng toàn ngành du lịch, địa điểm tổ chức không chỉ ở Hà Nội mà còn ở Đà Nẵng, TP HCM…
Đại diện Ban tổ chức cũng cho biết, MICE EXPO 2025 không kết thúc trong một ngày. Một mạng lưới có tên MICE Vietnam Hub sẽ được xây dựng sau sự kiện, nhằm duy trì sự kết nối giữa các doanh nghiệp MICE trên toàn quốc, cập nhật công nghệ mới và mở rộng hợp tác quốc tế.
Ông Nguyễn Đức Anh kỳ vọng, đây sẽ là cú hích giúp doanh nghiệp MICE Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số, bắt kịp xu thế toàn cầu. MICE EXPO 2025 không còn đơn thuần là hội chợ thương mại mà là hành trình kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa con người và công nghệ, giữa Việt Nam và thế giới - nơi tạo ra giá trị bền vững cho doanh nghiệp.
Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ tại sự kiện.
Kết nối toàn cầu – hợp lực cùng doanh nghiệp và cơ quan quản lý
Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, trước sự kiện công bố MICE EXPO 2025, Thường trực Hiệp hội và Tổng thư ký chuyên trách VITA cũng đã có buổi làm việc, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với Ban chấp hành MICE EXPO 2025. Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá rất cao các sáng kiến của Chi hội du lịch MICE Việt Nam. VITA luôn đồng hành và ủng hộ VMA trong việc tạo sân chơi, phát triển các ý tưởng sáng tạo.
Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá rất cao các sáng kiến của VMA.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những sáng kiến của Chi hội Du lịch MICE Việt Nam trong việc tổ chức MICE EXPO, đặc biệt là tinh thần cầu thị, chủ động rút kinh nghiệm qua từng mùa để không ngừng nâng cao chất lượng chương trình. Hiệp hội cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ về chuyên gia và nội dung hội thảo, đồng thời mong muốn các phiên tọa đàm, hội thảo tại MICE EXPO 2025 được tổ chức chuyên sâu, thiết thực và có chất lượng thực sự. Bà cũng nhấn mạnh với VMA tầm quan trọng của việc đánh giá, tổng kết hiệu quả các hoạt động ký kết hợp tác sau mỗi kỳ MICE EXPO, coi đây là cơ sở để điều chỉnh, rút kinh nghiệm và phát huy hiệu quả trong những năm tiếp theo.
Đại diện Lãnh đạo VITA cũng đề nghị ban tổ chức MICE EXPO mỗi kỳ cần định hướng chủ đề rõ ràng, phù hợp với xu thế phát triển của du lịch MICE Việt Nam và các tiêu chí du lịch xanh. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vừa có công văn về việc triển khai bộ tiêu chí du lịch xanh. VITA sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước để triển khai hiệu quả bộ tiêu chí du lịch xanh trong thời gian tới.
Ông Kiều Việt, Trưởng phòng Lữ hành, Sở Du lịch Hà Nội cũng cho biết, Thủ đô là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng điểm nên Hà Nội rất chú trọng quan tâm đến du lịch MICE và nhiều năm qua đã cùng đồng hành cùng VMA. Trong bối cảnh thành phố đang tích cực chuẩn bị cho chuỗi sự kiện kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9, việc tổ chức thành công sự kiện MICE EXPO 2025 sẽ góp phần thúc đẩy lượng khách MICE nói riêng và khách du lịch nói chung đến Hà Nội. Sở du lịch Hà Nội cam kết đồng hành, giới thiệu điểm đến thế mạnh của du lịch thủ đô và có những chia sẻ hỗ trợ truyền thông về sự kiện. Hiện Sở du lịch Hà Nội cũng đang quan tâm dự kiến đưa ra một số hoạt động phối hợp, đồng hành cùng MICE EXPO 2025.
Ông Kiều Việt, Trưởng phòng Lữ hành, Sở Du lịch Hà Nội.
Tại lễ công bố, bà Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc điều hành Silk Path Hà Nội cho biết, VMA luôn cập nhật thông tin xu hướng của ngành, giúp cho Silk Path Hà Nội có những điều chỉnh về sản phẩm theo hướng tinh tế và sát với thực tế thị trường. Do vậy, ngay từ khi liên chi hội MICE thành lập, Silk Path rất mong muốn được đăng ký tham gia. Silk Path rất hoan nghênh chủ đề “Di sản và Công nghệ” năm nay bởi các hệ thống của Silk Path đều gắn liền với di sản và văn hóa bản địa. Silk Path không chỉ đơn thuần là một điểm đến mà mong muốn được kể những câu chuyện văn hóa, tôn vinh những giá trị chân thực và cảm xúc của du lịch Việt Nam, đồng hành cùng du khách Mice trong suốt hành trình du lịch. Với mong muốn được là đối tác đồng hành sâu và thân thiết, ngay tại sự kiện lễ công bố, Silk Path đã lập tức không chỉ đăng ký là một saller mà còn đăng ký là nhà tài trợ vàng cho sự kiện.
Bà Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc điều hành Silk Path Hà Nội.
Phó Tổng Giám đốc Hanoitourist Trần Thị Bạch Yến cũng cho biết, MICE EXPO 2025 đã có sự thay đổi rất lớn. Phần matching kết nối giữa người mua với người bán đã có nhiều đột phá ứng dụng công nghệ để hai bên đối tác tìm kiếm nhau thuận tiện, nhanh chóng hơn. Mong muốn của Hanoitourist và các doanh nghiệp tham gia là tìm được các đối tác chất lượng, và tìm kiếm những xu hướng công nghệ mới áp dụng được cho ngành Mice 2025…
Tiếp thu ý kiến của Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Anh cho biết, ban tổ chức sẽ tìm kiếm những đối tác chất lượng về công nghệ. Ban thường trực của VMA cũng sẽ kết nối với CLB nhà báo du lịch Việt Nam để đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá cho sự kiện.
Các khách mời Lễ công bố MICE EXPO 2025 chụp ảnh lưu niệm.
Chủ tịch VMA cũng chia sẻ thêm, với chủ đề “Di sản và Công nghệ”, MICE EXPO năm nay dự kiến khuyến khích và huy động các bên tham gia mặc lễ phục Việt. Ban tổ chức hy vọng có thể thu hút hàng nghìn người mặc áo dài tham dự, qua đó mang lại trải nghiệm mới, khác biệt cho du khách tham dự MICE EXPO 2025.