Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

"Dân chính gốc" bật mí kinh nghiệm du lịch Tiền Giang từ A-Z

Du lịch Tiền Giang không chỉ dừng lại ở việc trải nghiệm cuộc sống thôn quê dân dã, ghé thăm những khu vườn cây ăn trái sum suê trĩu quả mà nơi đây còn chứa đựng nét văn hoá độc đáo lưu giữ qua bao đời.

Tiền Giang là tỉnh thành thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất miền Tây Nam bộ. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái đất đai màu mỡ nên ruộng lúa phì nhiêu, vườn cây trĩu quả. Tiền Giang cũng chỉ cách TP.HCM khoảng 70km nên đây là điểm đến tuyệt vời để trải nghiệm phong cảnh vùng sông nước và văn hoá miệt vườn đặc sắc. 

46e39f2ab75763093a461-1701441005.jpg
Nhóm bạn trẻ "vi vu" tại biển Tân Thành, Gò Công.

Thời gian tuyệt vời cho chuyến hành trình 

Đặc trưng khí hậu tại Tiền Giang là nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm. Một năm có hai mùa là mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Đặc biệt, từ khoảng tháng 2 đến tháng 9 hàng năm là mùa trái cây ở Tiền Giang nói riêng và miền Tây nói chung. Đây cũng là mùa lý tưởng để du lịch Tiền Giang. Nếu đi vào thời điểm này du khách có thể thưởng lãm vườn trái cây trĩu quả, vẻ đẹp đồng lúa bát ngát xanh và nếm thử nhiều loại trái cây đặc sản.

Dù vậy, ngay trong mùa mưa Tiền Giang cũng không kém phần hấp dẫn khi đây là mùa nước nổi tràn đồng. Xuôi mái chèo trên những chiếc thuyền ba lá, bồng bềnh trên mặt nước thơ mộng chính là vẻ đẹp vào mùa mưa mà nhiều du khách rất muốn được trải nghiệm.

NHỮNG ĐIỂM ĐẾN LÝ THÚ 

Bên cạnh những vườn trái cây xanh rì rợp bóng mát, Tiền Giang còn hấp dẫn du khách bởi những ngôi chùa nổi tiếng, hay trải nghiệm phong cảnh sông nước, ngắm bãi biển mang đậm phù sa... 

Độc đáo những ngôi chùa xưa 

Chùa Vĩnh Tràng là ngôi chùa cổ, kết hợp kiến trúc Đông - Tây và được xem là một trong những ngôi chùa lớn cổ kính bật nhất miền Tây. Du khách đến đây sẽ ấn tượng với vẻ đẹp mang đậm nét kiến trúc Á -  Âu kết hợp qua những khung cửa, hành lang, mái vòm… 

Được biết, ngôi cổ tự này được xây dựng từ thế kỷ 19 bởi vị quan dưới triều vua Minh Mạng (1820 – 1840) là ông Bùi Công Đạt. Sau này vào năm 1894 trụ trì lúc bấy giờ là sư Thích Huệ Đăng cho đại tu ngôi chùa và đặt tên mới là chùa Vĩnh Trường với ngụ ý “Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa”. Dần dà theo cách gọi của người dân địa phương, cái tên Vĩnh Tràng xuất hiện và được dùng cho đến ngày nay. 

bf70d5ac-1e51-4b4e-936e-015d975aab61-1701441172.jpg
Một góc chùa Vĩnh Tràng nổi tiếng.

Quanh chùa có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát rợp bóng cây xanh. Ấn tượng đầu tiên khi du khách đến đây là ba bức tượng phật khổng lồ, gồm tượng Phật Di Lặc, tượng Phật A Di Đà và tượng Phật Thích Ca. 

Bên cạnh chùa Vĩnh Tràng, đến Tiền Giang du khách nhất định phải ghé đến Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác. Thiền viện này tọa lạc tại ấp 1, xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước được xây dựng theo mô hình truyền thống của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử. Đây là điểm đến không thể bỏ qua cho những tín đồ yêu du lịch văn hoá và thích chụp ảnh. 

Được xây dựng từ năm 2012, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác trải rộng trên diện tích 50ha với 25 hạng mục bao gồm: Chánh điện, Tổ đường, Thiền đường, Giảng đường, Nhà Tăng ngoại viện, Trai đường, Thư viện,... Bước Vào chánh điện, du khách bị lóa mắt bởi tượng phật dát vàng, tạc bằng đá ngọc cao 4,5 m, nặng hơn 30 tấn do chính tay nghệ nhân từ Myanmar chế tác. 

tuitui-1701441172.jpg
Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác đầy hoa tươi vào dịp tết. 

Nổi bật nhất của thiền viện phải kể đến tòa bảo tháp cao 31m với vẻ đẹp trang nghiêm. Tòa tháp này nằm trong tứ thánh tích (tứ động tâm) phỏng theo nguyên mẫu của Nepal và Ấn Độ với tỉ lệ 6/10. Được biết mục đích xây nên nơi này là để những phật tử gần xa không có cơ hội đến Ấn Độ có thể đến thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác để chiêm bái. 

Nét độc đáo từ những ngôi nhà tại làng cổ Đông Hoà Hiệp 

Làng cổ Đông Hòa Hiệp (Cái Bè) là một trong 3 ngôi làng cổ ở Việt Nam được Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) lựa chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn. Năm 2017 ngôi làng này được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Văn hóa cấp quốc gia. 

Làng cổ chứa đựng những ngôi nhà có tuổi đời hơn trăm năm mang đậm kiến trúc Nam Bộ như nhà cổ Ông Kiệt, nhà cổ Ông Tòng… Đặc biệt có những ngôi nhà mang nét kiến trúc truyền thống pha lẫn châu Âu như nhà cổ Ba Đức, nhà cổ Ông Xoát. 

410081dc56cdff93a6dc30-1701441353.jpg
Lối vào nhà cổ Ba Đức. 

Điểm đặc biệt của khu làng cổ nơi đây là nằm rải rác khắp nơi, xung quanh có những dòng sông, khu vườn xinh đẹp. Bên trong nhà cổ còn lưu giữ nhiều kỷ vật đáng giá lưu giữ từ thế kỷ trước như: bộ liễn đối - bàn thờ khảm xà cừ, bàn ghế từ gỗ quý, những vật dụng bằng sứ… 

Theo thống kê của UBND huyện Cái Bè hàng năm có khoảng 100.000 lượt khách ghé thăm nơi đây, trong đó khách quốc tế chiếm 75%. Hằng năm nhằm quảng bá du lịch, kích cầu thương mại, tỉnh Tiền Giang đều tổ chức lễ hội Làng cổ Đông Hoà Hiệp thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm. 

77d781f0aae103bf5af025-1701441366.jpg
Kiến trúc, nội thất đậm chất miền Tây tại nhà cổ Ba Đức.

Ngắm cảnh, cào nghêu tại biển Tân Thành 

Không chỉ mang đậm nét văn hoá miệt vườn với dòng sông quê hữu tình, Tiền Giang còn có đường bờ biển dài 7km. Nơi đây sở hữu cảnh quan thiên nhiên độc đáo với bãi cát đen trải dài ấn tượng. 

Biển Tân Thành còn được dân địa phương gọi là biển Gò Công. Vì là bãi biển phù sa nên mặt nước nặng màu bùn. Từ bờ biển nhìn ra xa có thể thấy những đê chắn sóng nối nhau đến tít ngoài khơi. 

ae6dae28c5126c4c3503-1701441762.jpg
Khi thuỷ triều rút, bãi bùn lộ ra giữa trời xanh. 

Bên cạnh việc ngồi trên ghế dài, ngắm nhìn cảnh biển nơi khơi xa du khách có thể tìm đến trải nghiệm cào nghêu đầy thú vị. Vào lúc thuỷ triều rút, bãi bùn mang đầy món quà thiên nhiên lộ ra. Sau khi nhận bồ cào, rổ đựng du khách lần lượt “xắn tay áo” bắt thật nhiều những con nghêu "tươi roi rói" nơi đây. 

427ebb9493e947b71ef84-1701441103.jpg
 
bien-1701441103.jpg
Các bạn trẻ thích thú thu hoạch "chiến lợi phẩm" từ biển.

Ẩm thực dân dã miền quê 

Nói về ẩm thực Tiền Giang đầu tiên phải kể đến hủ tiếu Mỹ Tho. Món ăn này “nức tiếng” gần xa bởi cái vị thanh đạm quê nhà. Du khách sau khi thưởng thức sẽ không thể nào quên. 

Sợi hủ tiếu được làm bằng những hạt gạo được lựa chọn kỹ càng, đạt chất lượng cao. Chỉ khi mang màu trắng trong, dai cùng vị hơi chua nhẹ mới đúng là cọng hủ tiếu Mỹ Tho đạt chuẩn. 

Nước dùng cho loại hủ tiếu này cũng được chú trọng không kém. Người dân nơi đây dùng xương heo ninh cùng với củ cải giúp nước có vị ngọt thanh. Nhiều nơi còn thêm tôm khô, mực nướng để đậm vị hơn. Khi ăn thì vắt thêm tí chanh, thêm lát ớt giúp thực khách cảm nhận tròn vị tô hủ tiếu độc đáo miền Tây. 

ai-ai-1700634919-1701442001.jpg
Hủ tiếu có giá từ 30 đến 50 nghìn đồng. Ảnh: Ái Ái

Với mảnh đất xứ biển Gò Công thì mắm tôm chà cũng là đặc sản nổi tiếng không thể thiếu trên mâm cơm. Từ khi theo chân thái hậu Từ Dụ đến kinh thành Huế vào 200 năm trước, cái tên mắm tôm chà Gò Công vang xa khắp Nam kỳ lục tỉnh.

Loại mắm này có màu cam đẹp mắt, vị cay nồng như chất người xứ biển. Đây là loại nước chấm “tốn cơm” khi ăn kèm với rau sống, chuối chát, khế, thịt luộc. Từ lâu mắm tôm chà trở thành món ăn dân dã quen thuộc trên mâm cơm của người dân miền Tây nói chung, xứ biển Gò Công nói riêng. 

Bên cạnh những món ăn ngon miệng, Tiền Giang còn nổi tiếng với nhiều loại bánh dân gian đầy màu sắc. Những chiếc bánh với nguyên liệu chính từ bột gạo, bột nếp, khoai mì ăn kèm nước cốt dừa lại thơm béo khó cưỡng. 

602ee69b78e8d1b688f9102-1701442090.jpg
Mâm chè đầy màu sắc thơm ngon khó cưỡng.

Từ chiếc bánh ít, bánh cúng được gói bằng lá chuối đến những loại cần bàn tay khéo léo tỉa gọt như bánh hoa cúc làm thực khách say lòng. Những loại bánh dân dã đơn sơ kia mang trong mình ký ức tuổi thơ bao thế hệ của cư dân miền Tây sông nước. 

b92add9243e1eabfb3f0101-1701442090.jpg
Bánh hoa cúc đầy tinh xảo.

Chọn quà mang về 

Đặc sản Tiền Giang đầu tiên phải kể đến các loại trái cây miệt vườn như mận Tân Phước, xoài cát Hoà Lộc, vú sữa lò rèn… Một số thương hiệu nổi tiếng khắp miền Tây, được đưa vào câu ca tiếng hát như “Quýt Cái Bè nổi tiếng ngọt ngây, ai ăn rồi nhớ mãi miền Tây hò ơi…”. Còn gì tuyệt vời hơn khi mang về biếu người thân, bạn bè những túi trái cây "xanh - sạch" chính tay bạn hái từ những khu vườn trĩu quả.  

Bên cạnh đó, một số sản phẩm từ các làng nghề truyền thống vừa mang sự sang trọng khi làm quà lại đậm đà vị dân dã thôn quê như bánh phồng tôm Cái Bè, chả cá Gò Công, khô cá lóc, mắm cá chốt… cũng là món quà bạn không nên bỏ qua.

5c9a5cb277a3defd87b226-1701488792.jpg
Đặc sản bánh phồng tôm tại Cái Bè.
Đi lại và lưu trú 

Tỉnh Tiền Giang không có sân bay, du khách phương xa muốn đến đây có thể chọn chuyến bay đến TP.HCM hoặc TP.Cần Thơ. Hai địa điểm trên có khoảng cách đến tỉnh Tiền Giang chênh lệch không nhiều, chỉ khoảng 70km. Từ các địa điểm này, du khách có thể chọn di chuyển bằng xe khách hoặc xe máy để đến Tiền Giang. Bên cạnh đó, nhờ hệ thống sông ngòi dày đặc cũng giúp du khách có thể khám phá Tiền Giang bằng đường thuỷ. 

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có nhiều khách sạn, nhà nghỉ từ bình dân đến hiện đại với mức giá phải chăng cho du khách lựa chọn. Đặc biệt tại những điểm du lịch nổi tiếng còn có hệ thống Homestay tiện nghi để phục vụ mọi nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng của du khách.  

Bài và ảnh: Y Thanh