Lễ Thất tịch: Giới trẻ các nước châu Á làm gì để tìm được ý trung nhân?

Năm nay, lễ Thất tịch 7/7 rơi vào thứ Bảy ngày 10/8 Dương lịch, thường người Việt sẽ đi chùa, ăn chè đậu đỏ để cầu duyên trong ngày này. Vậy còn các nước châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản... sẽ cầu duyên ngày Thất tịch như thế nào?

Mùng 7/7 Âm lịch hàng năm được biết đến là ngày Thất tịch, ngoài ra ngày này còn có vô số cách gọi khác như ngày ông Ngâu - bà Ngâu hay ngày Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau. Có thể nói, ngày Thất tịch không chỉ là một dịp lễ truyền thống diễn ra hàng năm mà còn là biểu tượng sâu sắc về tình yêu thủy chung, kiên định và bất diệt. Vậy nên có nhiều cặp đôi xem ngày này là dịp đặc biệt để thể hiện tình yêu, cũng như có những hoạt động ý nghĩa giống với câu chuyện tình trong dân gian.

su-tich-nguu-lang-ch-1723197772.png
Mùng 7/7 Âm lịch hàng năm được biết đến là ngày Thất tịch, ngày ông Ngâu - bà Ngâu hay ngày Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau. Ảnh: Meta

Giới trẻ ăn chè đậu đỏ cầu "thoát ế" ngày Thất tịch

Thông thường, vào ngày lễ Thất tịch, ngoài việc đến chùa để cầu duyên, thì còn một hoạt động mà nhiều người, nhất là các bạn trẻ không thể bỏ lỡ chính là ăn đậu đỏ. Sở dĩ người trẻ có thói quen này là vì dân gian quan niệm, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, nên nếu ăn đậu đỏ vào ngày 7/7 thì chuyện tình duyên sẽ trở nên thuận lợi hơn. Ví như ai độc thân thì sẽ tìm được ý trung nhân, còn ai đang yêu thì tình yêu sẽ thêm bền chặt, bên nhau trọn đời.

che-dsu-do-16400719-1723211080.png
Ngày Thất tịch, các bạn trẻ sẽ ăn chè đậu đỏ với hy vọng "thoát ế". Ảnh: T.L

Từ ý nghĩa dân gian trên, những bạn trẻ độc thân thường sẽ có sở thích ăn các món được làm từ đậu đỏ vào ngày Thất tịch. Đó là các món như xôi đậu đỏ, cháo đậu đỏ, kem cá đậu đỏ, bánh bao nhân đậu đỏ… Thậm chí, nhiều người còn hài hước lập cả thực đơn ăn uống nguyên ngày lễ chỉ toàn đậu đỏ với mong muốn tìm được một nửa kia tuyệt vời của đời mình.

Tuy hiện nay có một số người không thực sự tin vào việc ăn chè đậu đỏ vào lễ Thất tịch sẽ “thoát ế”, nhưng họ vẫn hưởng ứng việc ăn chè đậu đỏ như cách lưu truyền nét đẹp văn hóa. Vì vậy mà món chè đậu đỏ được săn lùng khá nhiều vào ngày lễ này.

Cách giới trẻ các quốc gia châu Á cầu duyên ngày Thất tịch

Không chỉ tại Việt Nam mà một số quốc gia châu Á cũng có phong tục đón ngày lễ Thất tịch. Như tại Trung Quốc, ngoài cầu khấn nàng Chức Nữ ban cho tình duyên như ý, thì vào ngày 7/7 người Trung Quốc còn có các phong tục như: Thi xâu kim, bắt sương, phơi sách,... đặc biệt là xâu vòng hạt hồng đậu. Theo đó, các cặp đôi sẽ lấy hạt hồng đậu xâu thành vòng để tặng người yêu. Hồng đậu là một loại đậu của vùng Giang - Hoài, có hình trái tim, cứng như gỗ nghiến, màu đỏ tươi thuần khiết không bao giờ phai nhạt, nên tượng trưng cho tình yêu son sắt, bền lâu.

ed9b06803fe35845e3ee90711384180b-1603-1723211927.jpg
Vào ngày 7/7, tại Trung Quốc, các cặp đôi sẽ lấy hạt hồng đậu xâu thành vòng để tặng người yêu. Ảnh: BeeCost

Tại Nhật Bản, vào những ngày này, người Nhật thường viết những lời nguyện ước vào một mảnh giấy nhỏ và sau đó treo chúng lên cành tre, có lúc kèm theo những món đồ trang trí với 5 màu sắc chủ đạo tương ứng với thuyết ngũ hành màu xanh lục, hồng, vàng, trắng, đen. Nhiều đôi lứa đang yêu cũng tới các đền thờ để cầu nguyện, mong tìm thấy ý trung nhân. Sau khi lễ hội kết thúc, những cây tre treo các mảnh giấy này sẽ được gỡ xuống để thả trôi trên sông hoặc đem đi đốt. 

nb1-1723211359.png
Người Nhật thường viết những lời nguyện ước vào một mảnh giấy nhỏ và sau đó treo chúng lên cành tre. Ảnh: Japankuru

Tại Hàn Quốc, trong ngày Thất tịch, ngoài việc tắm gội sạch sẽ với mong muốn sức khỏe tốt thì người Hàn sẽ đến những ngôi đền, chùa Phật giáo để cầu mùa màng bội thu, cũng như cầu duyên lành đến. Ngoài ra họ còn ăn mì, bánh nướng và các món ăn làm từ lúa mì, bởi đây là mùa lúa mì thơm ngon nhất. Qua thời gian này, Hàn Quốc sẽ đón những cơn gió lạnh thổi vào, khiến hương vị của lúa mì giảm dần. 

Dẫu mỗi quốc gia sẽ có những cách đón ngày lễ Thất tịch riêng, nhưng chung quy chúng đều mang ý nghĩa cầu sự may mắn và hạnh phúc lứa đôi, cũng như thể hiện nét văn hóa đặc sắc của từng nơi.

Anh Thư (tổng hợp)