Chè kho hội Đình Chèm

Chè kho mừng công dâng Thánh của 3 làng Chèm - Hoàng - Mạc từ lâu nổi tiếng bởi sự ngọt bùi và thơm thảo.

Hội Đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được Nhà nước công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể năm 2016. Đình Chèm thờ đức Thánh Lý Ông Trọng - một danh tướng kiệt xuất, nhà ngoại giao tài năng từ thời An Dương Vương. 

img-2622-1719971691.jpeg
Người dân có mặt từ sớm nổi lửa nấu chè.

Hội Đình Chèm gắn liền với cuộc thi nấu chè kho từ lâu đã thành truyền thống của nhân dân 3 làng Chèm - Hoàng - Mạc. Với ý nghĩa ăn mừng chiến thắng dẹp quân Hung Nô chỉ huy bởi Hy Khang Thiên vương Lý Ông Trọng và các tướng sĩ.

img-2624-1719971690.jpeg
Sự khéo léo, bền bỉ trong từng công đoạn lẫn phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong đội giúp thành phẩm chè được đẹp mắt hơn.

Hội Đình Chèm năm nay diễn ra từ ngày 17 đến ngày 21/6 (tức 12 đến 16/5 âm lịch). Đáng chú ý nhất là cuộc thi nấu chè kho thường niên. Để nói về món chè kho, cư dân 3 làng Chèm - Hoàng - Mạc thường cảm thán rằng "cháo cái, chè kho", bởi trước đây đó là 2 món ngon có tiếng mà chỉ ở ngôi làng ven đô này mới mang lại trải nghiệm vị giác khác biệt.

img-2625-1719971690.jpeg
Chè thành phẩm được xếp ra mâm để dâng vào hậu cung dâng lễ và ban giám khảo chấm điểm.

Chè kho có vị thơm bùi từ đỗ xanh quấy nhuyễn, ngọt ngào bởi đường đã thấm quyện. Chè khi ăn được đóng thành bánh hình vuông, mềm tơi mà không dính răng. Món chè kho làng Chèm còn đặc biệt ở chỗ được sử dụng để cúng tế trong dịp hội làng.

Nấu chè kho dâng Thánh thể hiện tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm, tính truyền thừa văn hóa, tình làng nghĩa xóm lẫn "dưỡng nhi, đãi lão" của dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân đồng bằng Bắc bộ nói riêng. Lâu dần thành nếp, dân 3 làng Chèm - Hoàng - Mạc đưa món chè kho mừng công trở thành một cuộc thi đậm bản sắc.

Năm nay, để chuẩn bị cho cuộc thi, bà Nguyễn Thị Thu cùng nhóm nấu chè tổ dân phố Cầu 7, phường Thụy Phương mua tới hơn 5 cân đỗ xanh cùng 6 cân đường. Bà Thu cho biết, các công đoạn như ngâm đỗ, làm cối giã, rửa vật dụng không mấy vất vả. Chỉ có việc đảo chè là tốn thời gian và cần nhiều công sức, nhân lực nhất. 

Đây là việc không hề đơn giản, việc quấy chè cần được thực hiện liên tục bởi 2 người đều tay. Khi thấm mệt, tiếp tục thay 2 người khác vào cho đến khi thành phẩm chè đặc lại, quện dính và thơm ngào ngạt.

Công việc này yêu cầu sự bền bỉ, uyển chuyển lẫn nhịp nhàng và phải liên tục. Nếu chậm quấy, đậu có thể bị khê nhưng nếu tắt lửa sớm thì chè không mịn, sượng. Để biết được tình trạng của chè, cần người có kinh nghiệm nấu lâu năm quan sát, thường là người phụ nữ. Qua đó tinh tế nhận ra sự biến đổi nhỏ nhất trong quá trình chín của chè. Phía bên kia, người đàn ông cũng dùng toàn bộ sức lực để quấy chè liên tục không nghỉ, sao cho chè nhận được nhiều nhiệt nhất từ nồi gang nhưng chè không được tiếp xúc quá lâu với mặt nồi, chóng mất nước sẽ khê chè.

img-2623-1719971691.jpeg
Quá trình nấu chè cần nhiều người liên tục, để có được khoảng 125 bánh chè cần 2-3 tốp liên tục quấy đảo và thay phiên.

Việc đảo chè liên tục mặt khác giúp chè đạt được độ quánh dẻo, mềm thơm cũng là một tiêu chí tính điểm. Bởi diễn ra đã lâu năm nên trình độ nấu chè dân 3 làng Chèm - Hoàng - Mạc đã không còn khoảng cách. Nấu càng dẻo quánh, ít dính nồi thì chè của đội đó càng nhận được đánh giá tốt.

Bánh chè đạt chuẩn có mùi thơm ngào ngạt, màu vàng óng, chất chè mịn, đóng khối nhưng không dính, ngọt mà không gắt, bùi ngậy mà không có vị khét. Với khoảng 5 cân đỗ và 6 cân đường, nhiều đội thi có thể chế biến tới 125 bánh chè. Chủ yếu bánh chè được xếp lên mâm gọn gàng để tiến vào hậu cung dâng Thánh Lý Ông Trọng. Một mâm còn lại các đội đem dự thi.

Số chè cúng khi hội thi kết thúc được các đội mang về xem như quà biếu những người trên 80 tuổi thuộc tổ dân phố. Món quà thảo thơm là chè ngọt biếu người già mang tính điển hình cho văn hóa "uống nước nhớ nguồn" hay "dưỡng nhi, đãi lão" lâu đời của dân tộc.

img-2626-1719971690.jpeg
Mâm chè dâng vào hậu cung cúng Thánh Lý Ông Trọng.

Đặc biệt, một vài năm trở lại đây hội thi nấu chè còn thu hút được rất nhiều các bạn trẻ thuộc lớp thanh niên của làng tham gia. Theo đó, hội thi cũng thay đổi cách tính điểm sao cho phù hợp, mang tính khuyến khích. Đây là dịp người cao tuổi trao truyền kinh nghiệm, có thời gian để gần gũi và thu hẹp khoảng cách với thế hệ sau. Dạy các bạn biết trân quý những giá trị gắn kết, tình làng nghĩa xóm.

Uy Danh