Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Khởi đầu tích cực cho du lịch Việt: Đón hơn 3 triệu lượt khách quốc tế 2 tháng đầu năm

Bước sang năm 2024, liên tục trong 2 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,5 triệu lượt khách/tháng, xấp xỉ với số lượng khách quốc tế đến Việt Nam cùng kỳ năm 2019. Đây là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch Việt Nam ngay trong những tháng đầu năm mới, là cơ sở để ngành hoàn thành mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.

Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,... là thị trường lớn đưa khách đến Việt Nam

Trong 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam năm 2023 cũng có những thay đổi so với trước dịch Covid-19. Năm 2019, Trung Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam, sau đó mới đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan; Nga, Anh, Pháp cũng là những nước có số lượt khách đến Việt Nam nằm trong top cao. Tuy nhiên đến nay 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam lần lượt là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Malaysia, Ấn Độ, Campuchia và Thái Lan.

image001-1709607976.jpg
Khách quốc tế đến Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 phân theo vùng lãnh thổ. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Phân theo vùng, lãnh thổ, khách đến từ châu Á trong 2 tháng đầu năm nay đạt 2.300,3 nghìn lượt người, chiếm 75,6% tổng số khách quốc tế đến nước ta và tăng 77,8% so với cùng kỳ năm trước; khách đến từ châu  u đạt 426,7 nghìn lượt người, chiếm 14% và tăng 76%; khách đến từ châu Mỹ đạt 202 nghìn lượt người, chiếm 6,6% và tăng 8,4%; khách đến từ châu Úc đạt 105,5 nghìn lượt người, chiếm 3,4% và tăng 36,5%; khách đến từ châu Phi đạt 9,2 nghìn lượt người, chiếm 0,4% và tăng 112%.

image003-1709607976.png
10 thị trường quốc tế có số lượng khách đến Việt Nam nhiều nhất 2 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tín hiệu tích cực…

Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 98,5% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 2,6 triệu lượt người, chiếm 84,2% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 1,6 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt hơn 388,6 nghìn lượt người, chiếm 12,8% và gấp 2,5 lần; bằng đường biển đạt 90,7 nghìn lượt người, chiếm 3% và gấp 7 lần.

Đại diện phía Công ty Du Lịch Việt - Giám đốc Truyền thông Phạm Anh Vũ chia sẻ: “Dựa vào số liệu báo cáo của bộ phận điều hành và thông tin của các địa phương có đoàn khách của Du Lịch Việt, theo tôi đã có nhiều hứa hẹn một năm 2024 khả quan cho ngành du lịch, ngay trong những ngày đầu năm, lượng khách đi du lịch nội địa rất cao”.

Anh cũng cho biết trong những ngày đầu năm (tính đến cuối tháng 2), doanh thu mảng khách nội địa của công ty tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó còn có lượng khách kiều bào về quê ăn Tết và du xuân cùng người thân. “Đối với Du Lịch Việt, chúng tôi nhận thấy sự tăng trưởng lượng khách đi du lịch, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch nội địa, ở các tuyến tour đường bộ so với cùng kỳ năm ngoái”.

z5196668746107-a0671e41eaae78448f22e04a2c7971db-1709608112.jpg
Khách nội địa đến Hà Giang. Ảnh: Du Lịch Việt

Có thể thấy những ngày đầu năm nước ta có lượng khách du lịch đạt tín hiệu tốt, vì các yếu tố như thời tiết đẹp trong những ngày đầu năm với các đặc trưng vùng miền ấn tượng, nắng đẹp ở các tỉnh Nam bộ và không khí se se lạnh ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Các địa phương như Đà Lạt, Tiền Giang, Cần Thơ, Phú Quốc, Quy nhơn, Phú Yên, Điện Biên,.. thời điểm mùa xuân trăm hoa đua nở không khí trong lành khiến nhiều du khách muốn trải nghiệm. 

z5218057796908-86b565c842ef6d4d20aee85e56917933-1709608413.jpg
Những bông hoa đua nở ở nhà thờ Domaine De Marie, Đà Lạt. Ảnh: NT

Cùng với đó các địa phương cũng đầu tư cho các điểm du lịch nhiều điểm mới, hấp dẫn hơn. Ngoài ra chiếm không nhỏ cũng là lượng khách nhóm gia đình, các công ty kết hợp du xuân với du lịch tâm linh tới các điểm như Chùa Tây Phương, Măng Đen, núi Bà Đen,..

Kết quả tích cực đạt được từ những tháng cuối năm 2023 đến nay cho thấy hiệu quả tác động rõ ràng từ các chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch cũng như từ sự nỗ lực của các địa phương và doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành. Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17 – 18 triệu lượt khách quốc tế, cao hơn khá nhiều so với lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 (12,6 triệu lượt người). 

z5218067704467-68164364247ef5e9256c1c7c300dff85-1709608413.jpg
Không khí chợ đêm Đà Lạt những ngày đầu tháng 3. Ảnh: NT

Theo Cục Du lịch Quốc gia, du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế, cơ sở để đạt được mục tiêu đề ra, trong đó điều kiện tiên quyết là sự ổn định về chính trị trong nước. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa đa dạng, phong phú, là tiền đề để chúng ta thúc đẩy phát triển du lịch. Đặc biệt, trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận với rất nhiều giải thưởng, đây sẽ là nền tảng vững chắc để Ngành Du lịch phát triển trong thời gian tới và thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế.

Ngoài ra, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến việc xúc tiến, quảng bá du lịch; chú trọng đầu tư hạ tầng, cơ sở lưu trú; tăng cường sự kết nối giữa các doanh nghiệp để cho ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, chi phí hợp lý. Do vậy, việc đặt mục tiêu cao kỳ vọng sẽ tạo động lực để du lịch Việt Nam bùng nổ, bứt phá trong thời gian sắp tới nhưng cũng là thách thức để ngành du lịch phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Ngân Trần