Khánh thành Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2

Sáng 24/12, Bộ Giao thông vận tải đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1; Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu tại 2 điểm cầu: Vĩnh Long và Tiền Giang. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đến dự tại điểm cầu Tiền Giang và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự tại điểm cầu Vĩnh Long.

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 839/QĐ-TTg ngày 16/6/2020 và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt dự án tại Quyết định số 1170/QĐ-BGTVT ngày 17/6/2020, với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, chiều dài tuyến 23km. Dự án đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Đồng Tháp, có điểm đầu tại Km107+363, thuộc phường Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long kết nối với Dự án cầu Mỹ Thuận 2; điểm cuối tại Km130+337, thuộc địa phận thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long kết nối với Quốc lộ 1 tại nút giao Chà Và.

image00320231224171903-1703461884.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long phát biểu tại Lễ khánh thành.

Dự án được phân kỳ đầu tư 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công vào ngày 04/01/2021; hiện đã cơ bản hoàn thành và sẵn sàng thông xe, đưa vào khai thác.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu là một trong 11 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, tổng mức đầu tư của dự án là 5.003,064 tỷ đồng, bằng nguồn vốn đầu tư ngân sách Nhà nước.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên trục đường cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đi thành phố Cần Thơ, kết nối hai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực. Dự án có điểm đầu: Km101+126 tại nút giao An Thái Trung thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, khớp nối với dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; điểm cuối: Km107+740 (lý trình dự án) tại nút giao Quốc lộ 80 thuộc thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, khớp nối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 6,61km gồm: phần cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu.

image00320231224171903-1703461941.jpg
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Trong đó, cầu Mỹ Thuận 2 có nhịp chính với kết cấu dây văng khẩu độ 350m, tĩnh không thông thuyền 37,5m, bề rộng mặt cầu 28m (gồm 06 làn xe) lần đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế cho đến thi công. Phần tuyến chính thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-2012 với vận tốc thiết kế Vtk = 100km/h. Riêng cầu Mỹ Thuận 2 là cầu đặc biệt lớn thiết kế với vận tốc Vtk=80km/h để giảm kinh phí đầu tư.

Dự án được khởi công ngày 16/3/2020. Đến nay, các đơn vị thi công đã hoàn thành toàn bộ Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu để đưa vào khai thác, phục vụ nhân dân.

image00520231224171905-1703461994.jpg
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đã được khánh thành.

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và dự án cầu Mỹ Thuận 2 là hai dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ Thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Cần Thơ dài 120km. Hai dự án hoàn thành đưa vào khai thác có ý nghĩa quan trọng, làm giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ thay vì 3,5 giờ như hiện nay, dần hình thành một tuyến hành lang giao thông trục dọc Đồng bằng sông Cửu Long hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam bộ nói chung và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ nói riêng.

Bộ GTVT cho biết, để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả đầu tư và năng lực khai thác của các dự án, Bộ đã chỉ đạo các chủ đầu tư, các cơ quan chuyên môn chủ động rà soát, đánh giá ngay trong quá trình thực hiện dự án và quyết định tốc độ khai thác tối đa tuyến đường cao tốc và Mỹ Thuận - Cần Thơ là 90km/h; đồng thời, để đảm bảo khai thác đồng bộ toàn tuyến từ Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, UBND tỉnh Tiền Giang đã chấp thuận (Quyết định số 3261/QĐ-UBND ngày 22/12/2023) nâng tốc độ tối đa tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận lên 90km/h.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam và các chủ đầu tư khẩn trương đánh giá, hoàn thiện hồ sơ để điều chỉnh tốc độ khai thác tối đa (lên 90km/h) đối với các tuyến cao tốc quy mô 04 làn xe phân kỳ vừa được đưa vào khai thác trong thời gian qua, phấn đấu hoàn thành ngay trước Tết Nguyên đán 2024.

Đối với 02 Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ do điều kiện địa hình, mặt bằng nên công tác tổ chức sự kiện diễn ra ngay trên chính tuyến. Chính vì vậy, để đảm bảo vệ sinh môi trường, rà soát, kiểm tra đầy đủ các điều kiện an toàn, các phương tiện sẽ chính thức được lưu thông bắt đầu từ 7h00 ngày 25/12/2023.

Thời gian vừa qua, mặc dù chủ đầu tư, các nhà thầu đã rất nỗ lực, huy động tối đa máy móc thiết bị và nhân lực, tập trung thi công 3 ca 4 kíp, tuy nhiên do khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, năng lực cung ứng nguyên vật liệu trên địa bàn dẫn đến một số hạng mục đường gom, đường dẫn của Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chưa kịp hoàn thiện. Ngay sau khi thông xe, khai thác tuyến chính để phục vụ đi lại của nhân dân, Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu tập trung tối đa lực lượng, tìm mọi giải pháp khắc phục khó khăn, nhất là về nguyên vật liệu, khẩn trương thi công hoàn thành các hạng mục còn lại của công trình, để đưa Dự án khai thác đồng bộ trước dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Bên cạnh đó, người tham gia giao thông cần chú ý quan sát, theo dõi và chấp hành nghiêm mọi hướng dẫn, chỉ dẫn, điều tiết của lực lượng chức năng để đảm bảo lưu thông an toàn, tránh ùn tắc giao thông. Cục Đường bộ Việt Nam đã phê duyệt Phương án tổ chức giao thông cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, theo đó các phương tiện giao thông sẽ được phép lưu thông trên tuyến cao tốc theo các quy định cơ bản như: Đường cao tốc chỉ phục vụ cho xe ôtô, các đối tượng không được tham gia giao thông trên đường ôtô cao tốc: Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc (ngoại trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc). Trong đó, các phương tiện được lưu thông trên tuyến với vận tốc tối đa 90km/h (riêng cầu Mỹ Thuận 2 để bảo đảm an toàn đối với công trình cầu lớn, tốc độ khai thác tối đa trên cầu là 80km/h); tốc độ tối thiểu của các phương tiện lưu thông trên tuyến là 60km/h.

Ngoài ra, để nâng cao an toàn giao thông trên tuyến, các phương tiện lưu thông bảo đảm khoảng cách ghi trên biển chỉ dẫn là 100m. Người, phương tiện thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc có phù hiệu hoặc biểu tượng riêng thì được đi lại trên đường cao tốc (không quy định tốc độ) nhưng không gây ảnh hưởng và cản trở giao thông trên đường cao tốc. Xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ nằm trong danh mục hàng nguy hiểm được Chính phủ quy định trong Nghị định 42/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 chỉ được lưu thông trên đường cao tốc khi có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền…

Khánh thành 02 dự án lớn vùng ĐBSCL đã tạo động lực phát triển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhất là các địa phương có dự án đi qua. Tại Lễ khánh thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết: “Đến nay, 02 dự án được khánh thành là kết quả của sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành GTVT; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương, đặc biệt là sự đồng thuận và ủng hộ nhiệt tình của bà con, người dân trong khu vực dự án đi qua.

Đây là 02 trong số các dự án trọng điểm, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Hai dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải, logistics khu vực ĐBSCL; nối liền tuyến đường cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đi thành phố Cần Thơ, trở thành trục huyết mạch kết nối giao thương các tỉnh, thành trong vùng với trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất tốt hơn, thu hút đầu tư vào các vùng đã quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, các khu, cụm công nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh cho các tỉnh, thành trong vùng.

Đối với tỉnh Vĩnh Long, hai dự án này khi đưa vào khai thác, bên cạnh việc giúp giảm áp lực của cầu Mỹ Thuận hiện hữu và giao thông Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh; giảm chi phí logistics và rút ngắn thời gian vận chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh về tỉnh Vĩnh Long, hai dự án còn giúp tỉnh tạo ra dư địa, không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh thu hút mời gọi đầu tư… góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025…”.