Mâm cỗ ở miền Bắc đã truyền qua bao thế hệ với đặc trưng là có 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ (năm, tháng, ngày và giờ sinh), bốn mùa và bốn phương. Cỗ lớn thì 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Trong những ngày tết ở miền Bắc thường thời tiết sẽ rơi vào mùa lạnh, chính vì vậy các món trên mâm cỗ cũng mang hơi hướng mùa đông với các món ăn giàu calo nhưng không kém phần tinh tế.
Bài viết sẽ cung cấp một vài món gợi ý để giúp bạn chuẩn bị một mâm cỗ mang hương vị miền Bắc
1. Gà luộc
Là món khá quen thuộc trên những mâm cỗ của người Việt, thông thường khi cúng người ta sẽ dùng gà luộc nguyên con (thường là gà trống) để lên mâm cỗ để cúng ông bà tổ tiên, sau khi cúng xong thì có thể mang gà luộc chế biến các món ăn như nộm, gà xé phai chấm cùng muối tiêu chanh ,...
2. Nem rán
Là một trong những đặc sản của miền Bắc, nem rán làm từ các nguyên liệu đa dạng như: lá bánh đa, mộc nhĩ, thịt,...khi ăn sẽ cảm nhận được cái giòn tan của lớp vỏ và cái vị đậm đà từ các loại nguyên liệu đa dạng chấm kèm với nước chấm chua chua mặn mặn khiến người ăn cảm thấy tuyệt vời vào những ngày se lạnh của tết miền Bắc.
3. Thịt đông
Món ăn không thể thiếu trong tiết trời se lạnh của miền Bắc chính là món thịt đông. Thịt đông có nguyên liệu chủ yếu từ thịt lợn, đa phần là thịt chân giò, ngoài ra còn có bì lợn (da heo) đi kèm với gia vị gồm mộc nhĩ (nấm mèo) và hạt tiêu. Các nguyên liệu được ninh nhừ, sau đó để nguội. Khi ăn thịt sẽ có màu hơi hồng với khẩu vị mềm, béo, thịt nấu đông thường được ăn kèm với dưa chua, củ kiệu, cơm trắng, chấm cùng nước mắm hoặc muối tiêu chanh.
4. Giò chả
Còn được biết với tên gọi là giò lụa và chả lụa, là một trong những món ăn khá quen thuộc không chỉ với người dân miền Bắc mà còn với cả người dân ở cả ba miền. Giò chả được làm từ các nguyên liệu khá cơ bản như thịt nạc giã nhuyễn cùng các gia vị quen thuộc như nước mắm, muối,... sau đó mang đi bó trong lá chuối và mang đi luộc lên.
Giò chả là món ăn khá tiện lợi khi có thể ăn kèm với nhiều món như bánh mì, cơm, ... và có thể bảo quản khá dễ dàng, không phải chế biến phức tạp.
5. Bánh chưng
Là ẩm thực đặc trưng trong những ngày tết ở miền Bắc gắn với truyền thuyết chàng lang liêu, bánh chưng có hình vuông là biểu tượng của đất (theo quan niệm người xưa), có nhân như: đậu xanh, thịt heo, nếp,... Bánh chưng còn biểu hiện cho sự mong muốn no ấm và đầy đủ trong năm mới của người dân. Ngoài là món ăn đặc trưng của miền Bắc, thì vào những ngày cận tết khi các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau cùng gói bánh và nấu bánh cùng trò chuyện với nhau tạo nên không khí đoàn viên ấm áp trong tiết trời se lạnh vào những ngày cận tết và tết ở miền Bắc.
6. Dưa hành
Là một món ăn kèm mang tính "biểu tượng" của khu vực phía Bắc. Dưa hành là một loại dưa muối dùng nguyên liệu chính là hành củ mang đi muối chua với giấm pha theo phương thức lên men. Dưa hành muối xong có màu tím đỏ đẹp mắt, giòn ngon mang vị chua chua ngọt ngọt đặc trưng và hành phải lên màu đậm mới là chuẩn. Dưa hành thường được mang đi ăn kèm với thịt đông, bánh chưng và các món khác,...
7. Xôi gấc
Xôi gấc là món quen thuộc với chúng ta trên các mâm cỗ ở các buổi giỗ, và đương nhiên trên mâm cỗ cũng không thể thiếu món xôi gấc này,để làm ra phần xôi gấc hoàn thiện, khi nấu xôi cần phải chọn quả gấc chín mọng, nhiều thịt. Một đĩa xôi đúng chuẩn không chỉ thơm hương nếp, mà còn phải có màu đỏ bắt mắt mới được tính là chuẩn. Và sở dĩ xôi gấc được người dân dùng để cúng trong ngày tết vì theo quan niệm khi ăn xôi gấc vào những ngày tết sẽ mang lại may mắn- vì theo quan niệm màu đỏ là màu may mắn.
Và còn tùy vào sở thích, điều kiện của mỗi gia đình mà mâm cỗ sẽ có sự thay đổi theo ý của mỗi gia đình, hy vọng rằng qua bài viết này sẽ giúp bạn có được cách chuẩn bị một mâm cổ miền Bắc với những món ăn được gợi ý trên.