Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Phong tục treo ngược chữ "Phúc" vào ngày Tết

Vào ngày Tết người Việt chúng ta thường hay có thói quen treo một chữ "Phúc" được viết bằng chữ Hán trước nhà với hàm ý mang lại điều vui vẻ hạnh phúc cho gia đình. Và điều đặc biệt là chữ "Phúc" thường được treo ngược chứ không treo thuận chiều. Vậy phong tục ấy được xuất phát từ đâu, bài viết sau đây sẽ giải đáp điều đó.

Cấu tạo chữ "Phúc" gồm bộ thủ bên trái chữ phúc là bộ thị (礻) với nghĩa đen là sự cầu thị. Mang hàm ý kêu cầu, mong muốn, khát khao của con người về điều gì đó.

Bên trái chữ phúc là sự kết hợp của ba bộ thủ:

– Phía trên là bộ miên (宀) chỉ mái nhà. Một cuộc sống ấm no hạnh phúc phải là một cuộc sống có nơi để về, có nhà để ở, để từ đó có thể an cư lạc nghiệp.

– Dưới bộ miên là bộ khẩu (口) chỉ nhân khẩu, chỉ người. Một ngôi nhà dù to đến đâu nhưng không có những con người sống tron đó thì cũng sẽ trở nên vô nghĩa. Nên bộ khẩu mang hàm nghĩa chỉ cuộc sống hạnh phúc, có cả gia đình, quây quần bên nhau.

– Bộ dưới cùng là bộ điền (田) chỉ đất đai, ruộng vườn. Một cuộc sống hạnh phúc thì không thể thiếu những giá trị vật chất. Khi đã có nhà, có gia đình thì việc cần làm tiếp theo là xây dựng sự nghiệp.

Chử "Phúc" mang hàm ý của người dân như: có nhà để về, có người thân chờ đợi, gia đình êm ấm, có ruộng để làm ăn, ngoài ra còn có nghĩa đủ đầy và may mắn trong năm mới. Thế nhưng vì sao người ta lại hay treo ngược con chữ này, sau đây là những giai thoại về "con chữ" này.

Giai thoại thứ nhất

 Tương truyền, việc dán chữ “Phúc” là vào triều nhà Minh, Hoàng Đế Chu Nguyên Chương. Vào một đêm Tết Nguyên tiêu, Chu Nguyên Chương đã cởi áo long bào giả trang làm một ông chủ, đi dạo trên đường Nam Kinh ngắm hoa đăng. 

Minh Thái Tổ thấy dân chúng trong kinh thành nhà nào nhà nấy đều cắt hoa giấy, treo đèn lồng, dán câu đối, tất cả đều là cảnh tượng ăn mừng vui vẻ nên trong lòng rất vui. Nhưng sau khi đi qua vài dãy phố, ông phát hiện thấy trên cổng của một nhà có dán bức tranh một người phụ nữ ngồi trên lưng ngựa, ôm trái dưa hấu lớn.  Cho rằng đây là bức tranh châm chọc xuất thân bần hàn của bậc Mẫu nghi thiên hạ là Mã Hoàng hậu. Chu Nguyên Chương nghĩ vậy liền hạ lệnh cho kẻ dưới dán một chữ “Phúc” lên cổng của nhà kia để làm dấu hiệu, để ngày hôm sau trừng trị. 

Mã Hoàng hậu biết sự việc như vậ, bà liền lệnh cho tất cả các nhà trong thành đều phải dán một chữ “Phúc” trên cổng trước bình minh để tránh họa. Tuy nhiên trong lúc vội vã, một gia đình không biết chữ đã đem chữ “Phúc” dán ngược. Ngày hôm sau, người của vua phát hiện ra nhà nào trong thành cũng dán chữ “Phúc”. Nhưng duy lại có một nhà dán chữ "Phúc" bị ngược nên họ lệnh cho cấm quân tịch thu hết tài sản của nhà dán chữ “Phúc” ngược và bắt giữ  “kẻ phạm tội”. 

Mã Hoàng hậu thấy sự tình không hay liền vội vàng nói với nhà vua: “Chữ Phúc dán ngược là “phúc đảo”, mà “đảo” là đồng âm với “đáo”. Người nhà kia biết hôm nay Hoàng thượng tới chơi, nên đã cố ý dán ngược chữ Phúc để tỏ ý tứ là Phúc đến”.  Hoàng đế Chu Nguyên Chương vừa nghe thì liền thấy có đạo lý nên lập tức hạ lệnh thả người. Một trận đại họa bởi vậy mà cuối cùng đã được tiêu trừ.

Từ đó về sau, để tưởng nhớ đến tấm lòng nhân từ của Mã Hoàng hậu, và cũng là để hướng đến những điều tốt lành trong năm mới, người ta đã dán ngược chữ “Phúc” ở ngoài cổng nhà mình

chu-phuc-5-1672132205.jpg Ảnh: Internet

Giai thoại thứ hai

Tương truyền, vào thời nhà Thanh, có một năm khi chuẩn bị Tết, viên đại quản gia trong phủ Cung thân vương theo lệ, đã viết rất nhiều chữ “Phúc”, rồi sai người đi dán khắp nơi trong phủ.

Chẳng may, có một người hầu không biết chữ đã dán ngược chữ “Phúc” lên chính giữa cánh cửa lớn của vương phủ, khiến người qua lại đều buột miệng: “(chữ) Phúc (dán) ngược rồi” (Phúc đảo liễu  福 倒 了).

Nghe vậy, những thân vương quý tộc và các mệnh phụ phu nhân thay vì giận dữ lại tỏ ra vô cùng hoan hỉ, coi đó là điềm lành, bèn cho gọi người hầu đến trọng thưởng! Thì ra, vốn dĩ trong tiếng Hán, chữ “đảo” (倒) nghĩa là “ngược”, “quay lại” với chữ “đáo” (到) có nghĩa là “đến”, “tới” lại có cùng âm đọc là “dào”, nên khi nghe ai đó nói “Phúc đảo liễu” thì người nghe hoàn toàn có thể hiểu là “Phúc đến rồi” (Phúc đáo liễu: 福 到了). Thế là kể từ đó – chữ “Phúc” bị dán ngược từ vương phủ đã lan truyền trong ra rộng rãi khắp dân gian, rồi trở thành tập tục của người dân Trung Quốc, truyền mãi đến nay.

chu-phuc-4-1672132113.jpg Ảnh: tuhoctiengtrung

Và qua quá trình ảnh hưởng và du nhập văn hóa qua các giai đoạn lịch sử, nên ngày nay việc treo chữ "Phúc" ngược đã dần dà trở thành một nét văn hóa và phong tục của người Việt Nam, hiện nay chữ "Phúc" còn được viết cách điệu hay còn có phiên bản chữ Quốc Ngữ để phù hợp với người Việt Nam. Và qua bài viết này đã cung cấp cho bạn thêm hiểu biết về phong tục của mình và gia đình khi trang hoàng Tết và hy vọng Tết này bạn sẽ treo cho mình một "con chữ" thật đặc sắc để mang lại may mắn và tài lộc cho gia đình nhé.