Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Hiệp hội du lịch Hưng Yên tổ chức hội thảo Xây dựng điểm đến du lịch

Ngày 18/4, Hiệp hội du lịch tỉnh Hưng Yên tổ chức hội thảo "Xây dựng điểm đến du lịch Hưng Yên". Dự hội thảo có đại diện Cục du lịch Quốc gia Việt Nam, đại diện lãnh đạo Hiệp hội du lịch Việt Nam, lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương của tỉnh; các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong nước.
cac-dai-bieu-du-hoi-thao.jpg
Các đại biểu dự hội thảo

Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có 1.802 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 3 di tích, khu di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 175 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 7 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, cùng hàng nghìn tài liệu, hiện vật, cổ vật có giá trị, nhiều làng nghề truyền thống, đặc sản ẩm thực phong phú để khai thác, phát triển du lịch.

img-0067-1713436604.JPG
Ông Đỗ Hữu Nhân, giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hưng Yên

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Hữu Nhân, giám đốc Sở VHTTDL tỉnh khái quát về tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch Hưng Yên; đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ một số vấn đề trọng tâm như: Đánh giá tiềm năng, lợi thế và khó khăn trong phát triển du lịch Hưng Yên, qua đó đề xuất giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, hạ tầng cơ sở; trao đổi những kinh nghiệm khai thác tour, tuyến du lịch; đề xuất xây dựng các sản phẩm du lịch, chương trình, kế hoạch, chính sách và sự phối hợp hành động đồng bộ giữa các ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc quản lý khai thác và phát triển sản phẩm du lịch Hưng Yên.

Tại hội thảo, tham luận của các đại biểu đánh giá: Hưng Yên có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Tuy nhiên, tiềm năng và thế mạnh du lịch của tỉnh vẫn chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả, sự đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế chung của tỉnh còn thấp; cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn hạn chế; sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng sản phẩm thấp; nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch thiếu và yếu; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế.

Các đại biểu đề xuất, Hưng Yên cần có chiến lược phát triển du lịch dài hạn. Trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch các sản phẩm đặc thù như du lịch đô thị, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn kết hợp với các làng nghề; liên kết chặt chẽ với các địa phương lân cận để tạo các điểm đến hấp dẫn, tour, tuyến du lịch mới nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách. Bên cạnh đó cần quan tâm đến bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá ẩm thực địa phương; tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng phục vụ du lịch; kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các nhà hàng, khu ẩm thực…

Về hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ vui chơi, giải trí tại địa phương còn hạn chế đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành muốn đưa số lượng lớn du khách về địa phương trong một thời điểm. Do vậy cùng với việc xây dựng điểm đến cần chú ý quy hoạch các điểm lưu trú với kiến trúc phù hợp, gắn kết với thiên nhiên hình thành các khu nghỉ dưỡng sinh thái ven sông Hồng.

Cơ chế chính sách dành cho du lịch cũng được các đại biểu quan tâm, đưa ra nhiều ý kiến đề xuất. Tỉnh cần có chính sách khuyến khích khách du lịch đến với địa phương; hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch mới; hỗ trợ hoạt động truyền thông xúc tiến du lịch bài bản, thống nhất.

img-0118-1713436700.JPG
Bà Cao Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam, bà Cao Thị Ngọc Lan đưa ra một số ý kiến đóng góp cho việc phát triển du lịch Hưng Yên. Theo bà Lan, để xây dựng điểm đến hấp dẫn cho du lịch cần đáp ứng các yếu tố cần và đủ.

Cụ thể yếu tố cần là không gian, cảnh quan, điểm đến và tham quan du lịch; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đáp ứng đủ nhu cầu; nhân lực chuyên nghiệp, có tinh thần thái độ phục vụ tốt; Tỉnh cần có khảo sát, xây dựng chiến lược, quy hoạch du lịch tổng thể.

Các yếu tố đủ để xây dựng điểm đến bao gồm: đảm bảo an ninh an toàn, dịch vụ y tế, môi trường; có trung tâm thông tin phục vụ du khách; nghiên cứu các điểm mạnh của địa phương để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp văn hoá, có giá trị thực tế đối với đời sống cư dân địa phương; tạo sản phẩm làm quà lưu niệm, sản phẩm làng nghề mang thương hiệu Hưng Yên; xây dựng mô hình nông nghiệp nông thôn; xúc tiến quảng bá du lịch ứng dụng công nghệ; phát huy vai trò của người dân và chính quyền địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng…

Hiệp hội du lịch Hưng Yên cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý, doanh nghiệp để triển khai các chính sách của tỉnh đã ban hành vào thực tế, đồng thời có thể đưa ra đề xuất kiến nghị để bổ sung, thay đổi chính sách. Hiệp hội du lịch Việt Nam cũng mong muốn lãnh đạo tỉnh tiếp tục ban hành những cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh, đồng thời tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch để đánh thức tiềm năng lợi thế phát triển du lịch Hưng Yên.

Trước đó, Hiệp hội du lịch Hưng Yên phối hợp với Sở VHTT&DL và một số doanh nghiệp du lịch, lữ hành tham dự Lễ khai mạc Liên hoa ẩm thực tỉnh Hưng Yên lần thứ 1 và tiến hành khảo sát một số điểm đến du lịch, khu vui chơi - giải trí trên địa bàn huyện Văn Giang.

Lê Tuấn