Hành trình phiêu lưu “Nghìn lẻ một đêm” ở ngoại ô TP.HCM

Nếu bạn đang muốn tìm về một nơi bình yên để có một khoảng lặng cho mình, hãy thử một lần trải nghiệm tour “Nhà Bè - Nghìn lẻ một đêm”, chuyến hành trình này hứa hẹn sẽ giúp bạn nạp lại năng lượng sau một ngày bộn bề công việc.

Trong lúc rảnh rỗi lướt xem tin tức vào mỗi buổi sáng, tôi vô tình đọc được thông tin về chương trình du lịch đêm tại Nhà Bè vừa ra mắt gần đây. Đập vào mắt tôi khi đó chính là dòng giới thiệu “Hành trình sẽ đưa du khách rời khỏi chốn đô thị tấp nập để đến với vùng đất mang đậm chất miền quê, nơi có làn gió mát mang theo mùi rơm rạ và cỏ cây, tiếng côn trùng kêu rộn rã ngoài đồng”. 

Tôi chợt nghĩ, đã lâu rồi bản thân chưa có được những phút giây thư giãn. Quyết định tạm gác lại công việc và đăng ký tham gia hành trình “Nhà Bè - Nghìn lẻ một đêm”, tôi háo hức mong chờ sẽ có một trải nghiệm thật bình yên nơi ngoại thành, cũng như có một góc nhìn khác về Nhà Bè. 

2-1722357479.jpg
Chuyến xe sẽ khởi hành từ Bến Nội đô - thuyền Nhiêu Lộc đi Hiệp Phước (Nhà Bè).

Theo lịch trình, vào 17h, tôi có mặt tại Bến Nội đô - thuyền Nhiêu Lộc để đi Hiệp Phước (Nhà Bè), và người hướng dẫn cho chúng tôi trong chuyến đi lần này là ông Phan Xuân Anh - một HDV kỳ cựu trong nghề. Trên chuyến xe, ông Xuân Anh cho chúng tôi biết, sở dĩ hành trình khám phá Nhà Bè bắt đầu từ 17h và kết thúc vào 23h bởi đây là khoảng thời gian mà bạn có thể bỏ lại mọi lo toan và tận hưởng một buổi tối yên bình trọn vẹn.

“Tour được thiết kế với nguyên tắc tôn trọng tính vốn có của văn hóa bản địa nên sẽ không tác động tiêu cực đến môi trường, thay vào đó ưu tiên giữ sự mộc mạc, yên bình của vùng thôn quê”, ông Xuân Anh giới thiệu. Vì lẽ đó mà chiếc xe đạp điện là phương tiện gắn liền với chúng tôi trong suốt chuyến đi.

Trò chuyện với những vị khách trên xe, chị Nguyễn Thanh Mai, người đã từng tham gia tour này hào hứng chia sẻ: “Đây là lần thứ hai tôi trải nghiệm tour về Nhà Bè, lần đầu thì tôi chỉ đi cùng bạn nhưng lần này tôi có đưa con trai đi cùng nên chắc sẽ thú vị hơn nhiều. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in cảm giác được chạy xe tận hưởng bầu không khí yên bình ở nơi thôn quê và tôi hy vọng chuyến đi này sẽ mang lại cho chúng tôi cảm giác tương tự”.

1-1722357535.jpg
Đoàn trải nghiệm chạy xe điện quanh xóm ấp tại xã Hiệp Phước, Nhà Bè.

Sau một tiếng di chuyển, đến 18h, đoàn đã có mặt tại Nhà Bè, tôi hào hứng leo lên chiếc xe đạp điện được chuẩn bị sẵn, vi vu trên lối mòn để tiếp cận các điểm đến trong tour. Trong suốt quá trình đó, tôi được nghe kể về những câu chuyện đời, chuyện nghề của những người dân tại Nhà Bè qua tai nghe nhỏ để tránh làm ảnh hưởng đến buổi tối của họ. 

Hành trình khám phá "Nhà Bè - Nghìn lẻ một đêm” có 2 phần chính, đầu tiên là khám phá ẩm thực Nhà Bè, hai là tìm hiểu văn hóa tâm linh của người dân bản địa. Vì vậy, tại điểm đến đầu tiên - nhà bà Kim Thủy, đoàn tôi đã được thưởng thức món mì Trường Dạ - đặc sản Hiệp Phước do chính tay chủ nhà nấu.

5-1722357633.jpg
Mì Trường Dạ - món ăn đặc trưng tại huyện Nhà Bè được chủ nhà chuẩn bị chu đáo.

Nghe chủ nhà vui vẻ kể về món mì Trường Dạ này, tôi không khỏi bất ngờ trước ý nghĩa đằng sau cái tên. Tương truyền, những ai chưa tìm được hạnh phúc của riêng mình, nếu ăn món mì Trường Dạ này sẽ có cơ hội tìm được một nửa kia. Còn với những ai đã có hạnh phúc, món mì này ngụ ý tình yêu của hai người sẽ mãi bền vững theo thời gian. 

Ấn tượng đầu tiên của tôi về món đặc sản này là sợi mì có màu đen bóng do trộn với mè đen. Nước dùng trong veo được ninh từ các loại rau củ như củ cải trắng, củ sắn, bắp… với những nguyên liệu trên đã đủ để tạo độ ngọt thanh mà không nêm thêm bất cứ gia vị nào. 

6-1722357705.jpg
Sợi mì có màu đen bóng do trộn với mè đen. Nước dùng trong veo được ninh từ các loại rau củ.

Để thưởng thức món ăn này một cách đúng điệu, bà Thủy hướng dẫn chúng tôi múc nước dùng đang sôi lên vắt mì, thêm chút hành ngò, sau đó đổ chén thịt ba chỉ kho lên trên bề mặt để thêm đậm vị. Món ăn này phù hợp với cả những người ăn chay nếu ta không cho thêm thịt vào.

“Có một lưu ý nhỏ, khi thưởng thức mì Trường Dạ, các bạn cần ăn trọn phần mì đã gắp, hạn chế cắn đứt ngang sợi mì, như vậy thì phần duyên sẽ trọn vẹn hơn”, bà Thủy nói với đoàn chúng tôi.

7-1722357743.jpg
Để chén mì Trường Dạ thêm đậm đà, mọi người cho thêm chén thịt ba chỉ kho lên trên bề mặt và thưởng thức.

Sau bữa ăn, chúng tôi lại tiếp tục di chuyển đến điểm thứ 2 là nhà bà Kim Lan để trải nghiệm món cháo Cối - đặc sản của huyện Nhà Bè. Trong màn đêm mưa rơi tí tách, vừa được ăn cháo ấm bụng vừa lắng nghe chủ nhà kể về những câu chuyện xưa, quả thật không gì tuyệt vời hơn. 

8-1722357942.jpg
Bà Kim Lan - một hộ dân tham gia làm du lịch chiêu đãi đoàn khách món cháo Cối do chính tay bà nấu.

Khi được hỏi về cách chế biến món cháo Cối này, bà Lan cho biết trước tiên bà sẽ dùng cối để xay đậu xanh nấu cháo, trong khi phần vịt xiêm thui sẽ được chặt thành từng khúc và ướp gia vị cho thấm. Sau đó, đem vịt xiêm đi xào với sả và ít bột nghệ, đợi đến khi thịt vịt săn lại thì cho vào nồi cháo đang sôi, vậy là đã hoàn tất món cháo Cối thơm ngon hút hồn thực khách.

Điều khiến tôi ngạc nhiên ở món cháo này là chén nước chấm thấm được làm từ đậu tương, cốt dừa, đậu phộng, sả. Bởi theo chủ nhà, đây chính là linh hồn của món cháo Cối, ăn một muỗng cháo, chấm miếng thịt vịt xiêm vào chén mắm thấm, tất cả tạo nên một hương vị ngọt ngào và đậm đà, ăn xong rồi lại thòm thèm muốn ăn thêm một chén nữa.

9-1722357913.jpg
Cháo Cối được nấu từ đậu xanh, gạo rang, vịt xiêm thui khiến du khách cảm thấy ấm lòng về đêm.

Rời khỏi nhà bà Kim Lan, chúng tôi tiếp tục đến với phần tìm hiểu văn hóa tâm linh của người dân bản địa. Băng qua những cây cầu, rạch nhỏ, bãi sậy dưới tiết trời mát rượi, đoàn chúng tôi nhanh chóng có mặt tại đình làng (Miếu Ngũ Hành Nương).

Tại đây, ông Xuân Anh hướng dẫn cả đoàn “giải mối âu lo”, bằng cách dựa vào ngũ hành tương sinh gồm kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, mỗi người sẽ lựa một hòn đá có màu sắc phù hợp với mệnh của bản thân. Sau đó gửi gắm những nỗi lo vào trong viên đá, như vậy ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn phần nào.

13-1722358093.jpg
Đoàn chúng tôi ghé thăm đình làng (Miếu Ngũ Hành Nương).

Tiếp đến, cả đoàn di chuyển đến Chòi Vọng Giang và bé Rơm - hai điểm check-in thú vị do chính người dân bản địa tự hiến đất, tự trồng hoa và phối cảnh để khách có những bức hình kỷ niệm khi đến với Hiệp Phước, Nhà Bè. Dưới ánh trăng sáng, chúng tôi nghe ông Xuân Anh kể chuyện về dòng sông Soài Rạp, về văn hóa ruộng vườn, sông nước tại Nhà Bè.

16-1722358170.jpg
Hai bạn trẻ hào hứng check-in tại chòi không ngại những cơn mưa.

Điểm đến cuối cùng của tour “Nhà Bè - Nghìn lẻ một đêm” là Đình thần Long Hiệp. Đến đây, chúng tôi đã thắp hương và tham quan Thánh thất Cao Đài - nơi được biết đến là ngôi nhà của chư Thánh để tỏ lòng thành kính, rồi cùng ngồi lại để lắng nghe thêm về tín ngưỡng của người dân. Đến 22h kết thúc cuộc hành trình, đoàn lên xe để quay về với trung tâm TP.HCM.

17-1722358218.jpg
Chúng tôi ngồi lại để lắng nghe người hướng dẫn nói về Thánh thất Cao Đài Ban chỉnh đạo huyện Nhà Bè.

Có thể nói, chuyến du lịch đêm tại ngoại ô đã làm thay đổi góc nhìn của tôi về huyện Nhà Bè - mảnh đất tưởng như chẳng có gì thu hút nhưng lại mang đến sự bình yên giữa chốn thành thị náo nhiệt. Nơi đây còn để lại ấn tượng khó phai trong lòng tôi bởi lối sống chân chất của người dân. Ai nấy đều quyết tâm và đồng lòng làm du lịch, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về vùng đất, ẩm thực, con người và phát triển kinh tế tại địa phương.

12-1722358234.jpg
Người dân huyện Nhà Bè một lòng muốn làm du lịch để quảng bá hình ảnh con người, mảnh đất nơi đây.
Bài và ảnh: Anh Thư