Hành trình đạp xe Đông Nam Á của chàng trai Việt

"Những trải nghiệm ngày hôm nay đó chính là lí do thôi thúc đẩy mình đi: Đi để có trải nghiệm, đi để mở mang đầu óc và thế giới quan của mình, đi để kết nối", Luật chia sẻ trên Facebook cá nhân.

Phạm Công Luật (31 tuổi, đến từ Quảng Trị) được biết đến là nhà sáng lập của Hành Trình Gom, một dự án cộng đồng về bảo vệ môi trường, hỗ trợ cộng đồng và các hoạt động gây quỹ. Với mong muốn góp phần bảo vệ môi trường, Công Luật đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, lan tỏa năng lượng tích cực đến giới trẻ.

congluat5-1711671624.jpg
Công Luật trên hành trình đạp xe.

Nói thêm về công việc của mình, Công Luật bày tỏ: "Mình đã thực hiện hành trình đạp xe với Hành Trình Gom được 4 năm để lan toả thông điệp bảo vệ môi trường, hỗ trợ cộng đồng và lan toả những thông điệp tích cực và tử tế khác. Nhưng từ trước tới giờ vẫn ở trong Việt Nam và mình vẫn luôn ấp ủ một hành trình lớn hơn".

Đúng như mong muốn, ấp ủ của mình, Công Luật đã thực hiện Hành trình đạp xe Đông Nam Á. Lí do chọn xe đạp là vì Luật không muốn để lại dấu chân carbon, muốn lan toả mọi người đạp xe nhiều hơn, đạp xe không những khoẻ mà bảo vệ môi trường, đạp xe đủ để thử thách bản thân mình, đủ chậm để quan sát xung quanh.

congluat2-1711671642.jpg
Xe đạp là bạn thân trên mọi nẻo đường của Luật.

Trước đây, Công Luật làm việc trong lĩnh vực du lịch và gặt hái được những thành công nhất định. Tuy nhiên, Luật đã quyết định tạm dừng tất cả để đi theo mơ ước của bản thân. "Mình là một người thích tự do nhưng có thời điểm nghe theo mọi người, tìm công việc, sáng lên công ty chiều tan ca. Lúc đó mình thấy mình không còn là mình nữa. Vì thế, thời điểm Covid-19, mình chọn dứt ra để được là chính mình, làm điều mình thích".

Hơn 4 năm trôi qua, mọi người đã dần quen với hình ảnh chàng trai ăn mặc giản dị, đạp xe xuyên qua những con đường, gom rác bảo vệ môi trường. Gia đình Công Luật cũng hết lòng ủng hộ con trai theo đuổi hành trình này.

"Hành trình này dự kiến đi qua 9 nước: Việt Nam, Cambodia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei và Philippines. Thời điểm hiện tại, mình đi qua 2 nước là Việt Nam và Cambodia", Công Luật chia sẻ về Hành trình đạp xe Đông Nam Á.

congluat6-1711671663.jpg
congluat8-1711671662.jpg
Hành trình giúp Luật có thêm nhiều trải nghiệm văn hóa thú vị.

Trên hành trình này, Công Luật đã có nhiều trải nghiệm thú vị. Vì là người quan tâm đến môi trường và khí hậu, nên Luật chọn cung đường ngược dòng Mekong ở 3 nước Việt Nam, Cambodia và Lào để trải nghiệm, nhìn ngắm dòng Mekong cũng như đời sống của người dân miền Tây.

Ở Miền Tây, tỉnh Bến Tre, Luật được tận mắt thấy hạn mặn đang tác động đến người dân và thiên nhiên như thế nào. Người dân thiếu nước sạch, cây cối đang héo dần vì nhiễm mặn. Hay ở Cambodia, Luật được người dân hỗ trợ rất nhiều. Nhân dịp lễ Ramadan, một người địa phương đã cho Luật ở miễn phí và tiếp đãi ăn uống rất chu đáo. Luật cũng được đi quanh làng của người Hồi Giáo để khám phá đời sống, văn hoá của họ.

congluat4-1711671663.jpg
congluat3-1711671663.jpg
Cảnh đẹp trên những chặng đường. 

Cũng trên hành trình này, ngoài gom rác, lan tỏa năng lượng tích cực bảo vệ môi trường, Công Luật còn mang các vật phẩm đến từ Việt Nam để giới thiệu đến bạn bè quốc tế: "Mình giới thiệu Việt Nam thông qua những nụ cười và hành động của chính mình. Mình luôn cười và nói lời cảm ơn. Mình mang theo nón lá và áo dài, mọi người nhìn vào chiếc nón lá đều nhận đây là chàng trai đến từ Việt Nam. Bên cạnh đó, các sản phẩm made in Việt Nam như cafe, áo, giày.... Vì mình thích lịch sử và văn hoá, trước đây có làm trong ngành du lịch nên cũng giới thiệu cho bạn bè biết về điểm đến, ẩm thực và văn hoá của Việt Nam", Công Luật hào hứng bày tỏ.

Đam mê mang đến những hành động đẹp nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ cộng đồng, xã hội nhưng Công Luật thẳng thắn cho biết còn rất nhiều khó khăn trước mỗi hành trình. Từ thời tiết đến rào cản ngôn ngữ, văn hóa,... "Đầu tiên là thời tiết, mùa này là mùa nóng gần như cao điểm ở các nước Đông Nam Á nên rất khắc nhiệt với người đạp xe, mình cũng phải rất nỗ lực để vượt qua. Ngoài ra là các vấn đề về rào cản ngôn ngữ, văn hoá, phương tiện thanh toán vì mỗi nước có những đặc trưng riêng biệt đòi hỏi mình phải thích nghi.

Với Hành trình đạp xe Đông Nam, Á, Công Luật phải chuẩn bị nhiều hơn, cẩn thận hơn từ thông tin điểm đến, lộ trình, nơi ăn, chốn ngủ... kết nối với người dân, tổ chức địa phương. Vì đạp xe nên đòi hỏi, sức khoẻ và tinh thần phải rất cao để vượt qua những thử thách phía trước, mình đạp xe lâu năm và đã có kinh nghiệm nên điều này nằm trong khả năng của mình.

Tài chính cũng là một vấn đề nan giải vì năm 2023 là một năm khó khăn về tài chính nên rất khó để tìm kiếm sự hợp tác giữa các doanh nghiệp. Chuyến đi này, mình đã phải dùng tiền dành dụm, tiền vay mượn từ gia đình và tiền hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để có đủ kinh phí thực hiện hành trình này", Công Luật bày tỏ.

congluat7-1711671694.jpg
Hành trình của Luật vẫn chưa dừng lại và nhận được sự ủng hộ của gia đình, bạn bè.

Dù còn những khó khăn nhưng Công Luật rất hạnh phúc vì hành trình đạp xe Đông Nam Á nhận được sự ủng hộ của cộng đồng mạng, được gặp gỡ thêm những người bạn mới như một cựu chiến binh đến từ Thái Lan đồng hành cùng Luật ở Lào và Thái Lan. "Những trải nghiệm ngày hôm nay đó chính là lí do thôi thúc đẩy mình đi: Đi để có trải nghiệm, đi để mở mang đầu óc và thế giới quan của mình, đi để kết nối. Lịch trình ngày 08 của mình vẫn thế, đạp men theo dòng Mekong để được gần gũi với nó. 

Cung đường này, khung cảnh thay đổi theo từng kilomet từ những cánh đồng lúa, đến những cánh đồng sen, đến những cánh đồng khô khốc không một giọt nước và những rừng cao su bạt ngàn.

À, Cambodia cũng trù phú đến thế. Thời tiết và đường sá, chắc chẳng có gì nhiều để bàn. Trời vẫn nắng và đường thì vẫn cứ hư.

Mình thích trường học ở Cam, ở đâu có trường học, ở đó có cây cổ thụ xanh mát và chùa nằm cạnh bên. 
Đến cuối ngày, mình và Thuyên nhận được bất ngờ lớn. Cuối ngày, hai đứa mệt lã không đạp nỗi, thù mình kiếm được một nhà nghỉ gần đó và bất ngờ thay, tụi mình được miễn phí. Anh Hamad, quản lí nhà nghỉ nói: Vì tháng này là Ramadan, nên chúng tôi miễn phí và chào đón các bạn như những người khách.
Và đâu chỉ nhà nghỉ, mình và Thuyên còn được mời dùng bữa tối ở Thánh Đường, một bữa ăn lạ và no nê. Tụi nhỏ ở làng thì dễ thương và thân thiện quá xá, có lẽ mình đã phải đáp lại hơn 1000 lần câu chào "Hello", từ Tiếng Anh duy nhất tụi nhỏ nói sành sỏi. Biết ơn và cảm ơn thật nhiều", Công Luật viết trên Facebook cá nhân. 

Bài: Đoàn Hòa - Ảnh: NVCC