Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023, chương trình Tọa đàm "Giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch ở Việt Nam" là một trong những nội dung quan trọng nhất. Tọa đàm là một phần của Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch Việt Nam” tại hai địa bàn du lịch trọng điểm là tỉnh Ninh Bình và tỉnh Quảng Nam. Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Hội chợ chủ trì, điều phối tọa đàm. Chương trình có sự tham gia của những chuyên gia hàng đầu về môi trường và du lịch như: bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Điều phối viên quốc gia, Văn phòng Quỹ môi trường toàn cầu, UNDP Việt Nam; ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam; Thạc sỹ Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và mô trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng đe dọa trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, tăng trưởng xanh trở thành định hướng phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới: "Giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) là vấn đề cấp bách trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Do tính chất khó phân hủy, RTN trở nên nguy hiểm khi làm thay đổi tính chất vật lý của đất, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng và cản trở sinh trưởng của các loài động thực vật".
"Việt Nam là quốc gia có nguồn phát sinh RTN lớn trên thế giới (khoảng 3,1 triệu tấn/năm trong đó lượng rác thải đổ ra đại dương khoảng từ 0,28-0,73 triệu tấn/năm). Ngành Du lịch với hàng trăm triệu khách/năm là nguồn phát sinh RTN lớn trong nước. Nhận thức được trách nhiệm của mình, Hiệp hội DLVN đã hưởng ứng nhanh và mạnh mẽ chương trình giảm thiểu RTN trong ngành Du lịch khi vận động các DNDL tham gia nhiều hoạt động thu gom và xử lý rác thải nhựa", ông Vũ Thế Bình cho biết.
Theo ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, cán bộ phụ trách dự án cho biết, dự án hướng đến 3 mục tiêu chính: Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân và du khách về RTN; Đề xuất các giải pháp và sáng kiến giảm thiểu RTN trong hoạt động du lịch, từ đó xây dựng “Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không RTN” để áp dụng thí điểm và ban hành; Xây dựng kế hoạch hành động chi tiết trong ngành du lịch, nghiên cứu thiết kế ứng dụng (apps) về quản lý RTN trong ngành du lịch.
Tại tọa đàm, đại diện hai địa điểm thực hiện thí điểm dự án: Hội An (Quảng Nam) và Gia Viễn (Ninh Bình) đã thông báo một số kết quả bước đầu của dự án triển khai tại địa phương mình. Bà Vũ Thị Mỹ Hạnh - Chuyên gia mạng lưới GAIA, BFFP - thành viên HHDL Quảng Nam (QTA) chia sẻ một số giải pháp áp dụng tại địa phương mình là: Thứ nhất là Xác định chính xác đối tượng truyền thông, mời họ tham gia dự án; Thứ hai là Tạo sản phẩm du lịch bền vững (ví dụ như Hội An đã xây dựng những điểm đến mang chủ đề "Không rác thải"); Thứ ba là xây dựng slogan "Không rác thải" như một mô hình kinh doanh xã hội, mô hình phát triển cộng đồng; Thứ tư là Cho du khách tham gia trải nghiệm để trở thành một phần của giải pháp Du lịch xanh, du lịch bền vững. Bà Mỹ Hạnh cho biết, Hội An cũng đã ban hành Bộ Tiêu chí Du lịch xanh Quảng Nam tại quyết định số 3570/QĐ-UBND ngày 4/12/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam.
Tọa đàm đã ghi nhận một số ý kiến đóng góp của đại diện các homestay, chủ cơ sở kinh doanh du lịch ở địa phương để hoàn thiện Bộ tiêu chí Du lịch xanh.