Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Giá vé máy bay liên tục “lập đỉnh”, khách hàng còng lưng trả phí

Việc áp dụng tăng giá vé máy bay của các hãng hàng không đang gặp nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Không ít người cho rằng, các hãng hàng không tăng giá vé ảnh hưởng đến công việc, đi lại, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch nội địa.

 

Khách hàng thay đổi phương thức du lịch

Chị Lê Hạnh (đại lý vé máy bay) cho biết: “Thị trường vé máy bay năm nay khá khó khăn, các đại lý bán ra rất chậm. Nguyên nhân có thể do suy thoái kinh tế kết hợp giá vé máy bay tăng cao khiến người dân hạn chế đi lại”.

Cũng theo chị Hạnh, nếu như năm ngoái khách chỉ cần bỏ ra 1.500.000 đồng/cặp vé khứ hồi (SG – HN) của hãng hàng không giá rẻ VietJet thì năm nay khách hàng phải chi trả gấp 3 lần cho chặng SG – HN.

Là một người thường xuyên đi du lịch, chị Như Thủy (Thủ Đức) lựa chọn du lịch tự túc thay vì đi máy bay như hiện nay. Theo chị Thủy: “Việc chi trả nhiều tiền để mua vé máy bay thực sự quá lãng phí. Một cặp vé SG – HN rơi vào khoảng 5 triệu, chưa kể chi phí lưu trú, ăn uống, vé tham quan... thay vì đi du lịch đến các điểm xa như Tây Bắc, Hạ Long... tôi chuyển qua du lịch gần như Bình Thuận, Vũng Tàu. Còn khi muốn đi du lịch xa chúng tôi đi tour Thái Lan, Singapore, Malaysia... chi phí cũng rất phải chăng”.

Trong khi các quốc gia khác như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều kích cầu du lịch bằng cách trợ giá vé máy bay, thì khách du lịch nội địa đang phải “cõng” rất nhiều loại thuế phí.

so-sanh-gia-ve-1712819714.jpg
Thuế phí vé may bay chiếm 2/3 giá trị vé, khách hàng đang phải "cõng" hơn 20 loại phí khi đi máy bay.

Chị Hạnh cũng đơn cử giá vé máy bay chặng Sài Gòn – Phú Quốc của hãng Vietravel bay vào ngày lễ 30/4 năm nay có mức giá 1.059.000 đồng. Trong đó, giá vé khoảng 308.000 đồng, tiền thuế, phí là 751.000 đồng.

Theo Thông tư số 53/2019 của Bộ GTVT quy định, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí do nhà nước quy định. Trong số này gồm có 5 loại dịch vụ do nhà nước quy định mức giá, 8 loại dịch vụ do nhà nước quy định khung giá và 3 loại dịch vụ phi hàng không do nhà nước quy định khung giá.

Các hãng hàng không phải nộp 16 loại phí này cho 3 đơn vị đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam và các cảng vụ hàng không.

Ngoài ra, hãng bay phải nộp những khoản phí dịch vụ hàng không khác cho các cảng hàng không như phí thuê quầy bán vé giờ chót; phí thuê quầy hành lý thất lạc; phí thuê phòng tác nghiệp, phòng nghỉ, trực ca cho nhân viên; phí thuê phòng máy của hãng; phí thuê kho; phí sử dụng thiết bị đầu cuối...

Người dân vào sân bay còn phải nộp thêm các loại phí như phí vào sân bay, phí đỗ xe...

Như vậy, để thực hiện được một chuyến bay, bình quân một vé máy bay sẽ phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hoài Nguyên – Tổng Giám đốc Công ty BenThanh Tourist chia sẻ, vé máy bay tăng cao như hiện nay ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp lữ hành. Nếu giá thành vé may bay không thay đổi, điều chỉnh lại để kích cầu thị trường nội địa thì không cần đợi đến các công ty lữ hành thay đổi chính sách mà tự khách thay đổi chương trình, điểm đến sao cho phù hợp với thu nhập của khách. Cụ thể như khách sẽ chọn đổi hướng đi các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...

bt-tourist-1712819256.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Hoài Nguyên – Tổng Giám đốc Công ty BenThanh Tourist cho rằng doanh nghiệp lữ hành, các hãng hàng không nên ngồi lại với nhau để tìm giải pháp kích cầu du lịch. Ảnh: Thy Thêu

Tăng trong biên độ

Tăng giá vé máy bay như hiện nay khiến cho người dân cân nhắc lựa chọn giữa du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Khách quốc tế cũng lựa chọn các điểm đến Châu Á như: Thái Lan, Trung Quốc, Nhật bản, Hàn Quốc thay vì đến Việt Nam. Đối với chặng bay ngắn, nhiều khách chuyển sang di chuyển bằng đường bộ thay cho đường hàng không.

Theo anh Đặng Văn Sơn – Trưởng phòng Đất Việt Tour cho biết, việc các hãng hàng không đồng loạt tăng vé đã ảnh hưởng rất lớn đến du lịch nội địa, điều này cũng khiến cho việc cạnh tranh với các hãng du lịch nước ngoài gặp khó khăn.

Anh Sơn cũng đưa ra ví dụ cụ thể như việc chọn tour Hà Nội có giá trị ngang bằng một tour nước ngoài mà thị trường cần visa như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Như vậy các tour du lịch liên quan đến vé máy bay sẽ bị hạn chế, lượng khách hàng tham gia đi tour bằng đường bay sẽ giảm đi rất nhiều.

Nhu cầu đi lại, du lịch của người dân là rất lớn, nhưng nếu chi phí quá cao thì người tiêu dùng sẽ không đủ ngân sách để chia. Qua đây các hãng lữ hành nội địa cũng mong muốn cơ quan chức năng có thể can thiệp sớm để người dân và du khách có mức giá vé hợp lý, giúp kích cầu du lịch nội địa. Đồng thời các hãng hàng không cũng nên xem xét điều chỉnh lại biên độ lợi nhuận sao cho phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay, tránh để việc chảy tiền ra nước ngoài, anh Sơn nhấn mạnh.

Trước tình hình tăng vé trần như hiện nay, nên chăng cần một cuộc bắt tay giữa các doanh nghiệp du lịch lữ hành và các hãng hàng không để kích cầu du lịch nội địa? Theo ông Nguyễn Ngọc Hoài Nguyên – Tổng Giám đốc Công ty BenThanh Tourist: “Chúng ta nên ngồi lại với nhau, cần làm những điều để cho du khách, người dân được hưởng những sản phẩm được cấu thành từ các hãng hàng không và các dịch vụ khối lữ hành mang lại".

Thy Thêu