Du lịch xanh không chỉ “tận hưởng” mà còn là “cho đi”

Du lịch xanh là xu hướng du lịch được các nước phát triển trên thế giới vô cùng quan tâm. Ở Việt Nam, xu hướng này dần được đề cập nhiều hơn sau những biến động lớn từ đại dịch, cũng như sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo định nghĩa của Tổ chức Du lịch Thế giới, du lịch bền vững hay du lịch xanh là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của du khách và người dân địa phương nhưng vẫn chú trọng bảo tồn, tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai.

Du lịch xanh (du lịch bền vững) đòi hỏi du khách phải là những người “xê dịch” thông thái, cùng các doanh nghiệp tạo dựng sản phẩm du lịch có trách nhiệm. Cả hai đều thấu hiểu được giá trị lâu dài trong việc gìn giữ, tận hưởng và phát huy thế mạnh về môi trường ở địa phương. Từ đó du lịch xanh mới phát huy được đúng giá trị mà xu hướng này mang lại.

428710674-886007766867548-693021796545597978-n-1713494685.jpg

Quan điểm du lịch và làm du lịch ngày nay không chỉ là tận hưởng những trải nghiệm du lịch lên rừng xuống suối. Minh chứng là hiện tại có rất nhiều công ty du lịch đưa ra sáng kiến đa dạng hơn về loại hình du lịch xanh. Ở thành phố Hồ Chí Minh, Trạm chèo Saigon Paddle đã tổ chức tour chèo SUP kết hợp nhặt rác.

Không khác gì những buổi chèo SUP thông thường, người tham gia vẫn phải đóng phí, được hướng dẫn cách chèo, các kỹ năng an toàn khi xuống nước... Tuy nhiên, khác ở chỗ là người chèo vớt thêm rác trên dọc sông, thu gom và bỏ vào "con cá đựng rác".

Du khách tham gia chèo SUP nhặt rác trên sông Sài Gòn.

Ông Thiên Nguyễn, Quản lý trạm chèo Saigon Paddle cho biết: “Ý tưởng "con cá đựng rác" xuất phát từ trách nhiệm bảo vệ môi trường mà nhóm cũng như người chơi muốn thực hiện vì vùng nước mình sử dụng. Hoạt động này vẫn sẽ được duy trì và "con cá đựng rác" này sẽ được trưng bày tại trạm để du khách đến đây đều nhìn thấy và có ý thức hơn với môi trường”. Tất nhiên, du khách chèo SUP không thể nào nhặt hết rác trên sông nhưng ít ra, hành động này góp phần thay đổi nhận thức của chúng ta về rác, về môi trường sông nước.

Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Thuyền Nhiêu Lộc cũng đã từng chia sẻ về việc doanh nghiệp mở các tour du ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc, dòng kênh từng gây “ám ảnh” về tình trạng ô nhiễm nặng nhiều năm về trước. “Mặc dù đã có những đội vệ sinh của thành phố dọn dẹp rác ở đây, nhưng tôi vẫn thường xuyên tổ chức những buổi nhặt rác riêng. Có thể việc làm này không giải quyết vấn đề lâu dài nhưng việc nhặt rác giúp truyền thông hình ảnh, trách nhiệm với môi trường của doanh nghiệp và du khách. 

Tôi còn đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng cho con kênh thêm lung linh lúc đêm về. Bên cạnh đó, một số trải nghiệm của doanh nghiệp cũng mang chữ “xanh” cho du khách như thả hoa đăng bằng giấy bột tre - loại giấy tự hủy để làm thức ăn cho cá, thả cá trê, cá chạch… nhằm cải tạo nguồn nước, góp phần tăng cường hệ sinh thái phong phú cho nguồn nước trong lòng kênh” - ông Xuân Anh chia sẻ.

Cũng theo ông Xuân Anh, việc du khách, hoặc các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú tổ chức nhặt rác, dù lượng rác thu gom được có phần khiêm tốn và không thấm vào đâu, nhưng ít nhiều giúp lan tỏa, làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức của bộ phận người chưa quan tâm đến môi trường hoặc còn suy nghĩ “xả rác nhiêu đây, làm gì có ảnh hưởng gì đến môi trường”.

3ca321c28ad13599d35188d2ab207555-1-1713495298.jpg

Tiêu chí “xanh” cũng ngày càng được thị trường coi trọng hơn trong việc lựa chọn điểm đến và sản phẩm du lịch. Phát triển du lịch xanh không những đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên, mà còn mang lại những giá trị mới cho sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời duy trì khả năng khai thác lâu dài, bền vững. 

Không ngoa để nói rằng, xu hướng du lịch xanh chính là yếu tố cốt lõi trong việc phát triển bất kỳ loại hình du lịch tiên tiến trong tương lai. Bởi giá trị lâu dài của ngành du lịch chính là đảm bảo giữ được sự chân phương, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc và vùng miền địa phương. 

Đó là lý do các chiến lược, chính sách, quy hoạch, định hướng phát triển du lịch nước ta thời gian gần đây đều xác định mục tiêu cần phát triển du lịch xanh, bền vững. Cụ thể là gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, không tác động làm thay đổi nhịp sống vốn có của người dân bản địa.

Hải Ngân