Tạo đột phá du lịch 2024: Thủ tướng yêu cầu “nới” visa

Chỉ thị số 08 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận du lịch Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hình ảnh và vị thế quốc gia. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quyết định ban hành tiếp tục yêu cầu các đơn vị nhanh chóng nghiên cứu, mở rộng chính sách thị thực thông thoáng. Sau giai đoạn bị đình trệ do chịu tác động bởi dịch Covid-19, đến nay, ngành du lịch đã từng bước khôi phục trở lại, đặc biệt là hoạt động du lịch nội địa, đạt được một số kết quả tích cực.

du-khach-1708862333.jpg

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, du lịch nước ta vẫn tồn tại hạn chế cần phải nỗ lực khắc phục, như: Cơ chế, chính sách, pháp luật cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với bối cảnh mới, trong quản lý, vận hành các khu, điểm du lịch; lượng khách du lịch quốc tế đến trong năm 2023 mới chỉ đạt khoảng 70% so với năm 2019; chi tiêu cho mua sắm, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch khác còn thấp; giá dịch vụ du lịch chưa ổn định, nhất là trong mùa cao điểm, khiến doanh nghiệp du lịch bị động trong việc xây dựng và cung cấp sản phẩm cho khách; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chậm đổi mới, thiếu tính tổng thể và tầm nhìn dài hạn.

Bên cạnh đó, ngành du lịch vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Từ góc nhìn thế giới, nhu cầu du lịch đang có sự thay đổi, hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, nguyên vẹn), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi). Cùng với đó, tác động bất lợi từ những bất ổn chính trị, xung đột, thiên tai, kinh tế tăng trưởng chậm tại các thị trường truyền thống. Đặc biệt, cạnh tranh trong khu vực, quốc tế ngày càng gay gắt... đòi hỏi ngành du lịch và cộng đồng doanh nghiệp phải thực sự đổi mới tư duy, cách tiếp cận và cách làm.

Thủ tướng yêu cầu “nới” visa để tạo đột phá cho ngành du lịch 

thu-tuong-1024x677-1708862831.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Với tầm nhìn tổng quan như vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch trong thời gian tới cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 08, thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam một cách toàn diện, nhanh và bền vững với phương châm "Liên kết chặt chẽ - Phối hợp nhịp nhàng - Hợp tác sâu rộng - Bao trùm toàn diện - Hiệu quả bền vững".

Một trong những giải pháp mà Thủ tướng yêu cầu là chính sách ưu đãi về xuất cảnh, nhập cảnh, mở rộng miễn thị thực đơn phương, thí điểm cấp thị thực cửa khẩu.

Bộ Công an được giao nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ và triển khai áp dụng các giải pháp về tự động hóa trong giải quyết thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú và du lịch an toàn tại Việt Nam. Đồng thời, chủ trì nghiên cứu đề xuất và áp dụng thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh trực tuyến thông qua nhận diện khuôn mặt (FaceID) và hộ chiếu điện tử (E-Passport) để tạo sự thuận lợi, nhanh chóng cho khách du lịch. Xem xét thí điểm việc cấp thị thực cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế; báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay trong quý 2.

photo-1-1451031100633-1708862675.jpg

Song song, chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi: về xuất cảnh, nhập cảnh có điều kiện đối với một số thị trường quốc tế truyền thống, tiềm năng, có trình độ phát triển cao, chi tiêu du lịch lớn và thời gian lưu trú dài ngày vào các địa bàn du lịch trọng điểm của Việt Nam; mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương; thí điểm miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn (từ 6 tháng - 12 tháng) cho khách du lịch từ một số thị trường có quy mô lớn, chi tiêu cao; thí điểm cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần (12 tháng - 36 tháng) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu có khả năng chi tiêu cao đến từ một số thị trường mục tiêu như châu Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Ấn Độ và một số nước khu vực Trung Đông.

Hiện nay, Việt Nam đang miễn thị thực cho công dân 25 nước, trong đó có 13 nước được miễn thị thực đơn phương gồm: Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus.

Giữa tháng 8/2023, Việt Nam đã triển khai cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước và nâng thời hạn tạm trú từ 30 lên 90 ngày, với số lần xuất nhập cảnh không giới hạn. Công dân của các nước được đơn phương miễn thị thực vào Việt Nam được tăng thời gian tạm trú từ 15 lên 45 ngày.

Áp dụng giá bán lẻ điện sản xuất cho cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ thị Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, bổ sung nhóm khách hàng là "cơ sở lưu trú du lịch" để áp dụng ngay giá bán lẻ điện ngang bằng giá bán lẻ điện cho khách hàng sản xuất trong năm 2024.

Nghiên cứu triển khai mô hình chuyển đổi số du lịch kết hợp với thương mại điện tử; gắn phát triển thương mại và du lịch trên môi trường trực tuyến nhằm mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm địa phương, quảng bá sản phẩm thương hiệu Việt Nam thông qua du lịch. Định hướng, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp phát triển các trung tâm mua sắm kết hợp với dịch vụ du lịch, tổ hợp du lịch kết hợp dịch vụ về đêm, cửa hàng miễn thuế tại các trung tâm du lịch.

Nhìn “quả ngọt” từ các nước Đông Nam Á sau khi “nới” visa

Khi các quốc gia Đông Nam Á mở cửa du lịch sau đại dịch cũng là lúc cuộc chạy đua thu hút khách quốc tế trong khu vực bắt đầu. Cuộc đua trở nên sôi động hơn trong 2024 khi hầu hết các nước Đông Nam Á đều đặt mục tiêu đón lượng khách bằng hoặc cao hơn thời điểm trước dịch, năm 2019.

Chính sách miễn visa của Thái Lan, Malaysia và Singapore đã góp phần giúp ba quốc gia "bội thu" khách du lịch.

Ngày 7/2, Prommin Lertsuridej, Tổng thư ký của thủ tướng Thái Lan, cho biết chính phủ đang lên kế hoạch hợp tác với 4 quốc gia láng giềng là Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia để bàn về vấn đề miễn thị thực. Thái Lan mong muốn thiết lập một thỏa thuận cho phép khách quốc tế chỉ cần xin visa nhập cảnh từ một nước là có thể đi lại tự do giữa 5 quốc gia. Nếu các quốc gia đồng ý, Thái Lan sẽ mang kết quả này đi đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) nhắm tới mục tiêu miễn thị thực giữa nhóm Schengen (27 nước, phần lớn thuộc EU) và nhóm 5 nước ASEAN kể trên.

picture-1-1708832859-319-width1200height800-1708862412.jpg
Khu phố Tàu ở Thái Lan. Ảnh: Reuters

Trước đó Thái Lan cũng đưa ra nhiều chính sách về thị thực hấp dẫn từ cuối năm 2023 như khách du lịch Trung Quốc và Kazakhstan có thể nhập cảnh mà không cần thị thực, từ ngày 25/9 đến 29/2/2024. Thái Lan kỳ vọng hút thêm 5 triệu lượt khách đến từ hai quốc gia này trong mùa cao điểm du lịch cuối năm. Chưa dừng lại đó, ngày 2/1, Thủ tướng Srettha Thavisin công bố Thái Lan - Trung Quốc miễn thị thực song phương vĩnh viễn, hiệu lực từ 1/3. Thái Lan còn giảm thời gian cấp visa từ 14 xuống 7 ngày làm việc, đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ.

Chính sách miễn, nới thị thực đã giúp ba quốc gia Đông Nam Á Thái Lan, Singapore và Malaysia đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thu hút du lịch.

khachtrung-9543-1708659896-1708862489.jpg
Khách Trung Quốc đến thăm Hoàng Cung Thái Lan ở Bangkok hôm 29/1. Ảnh: EPA-EFE

Malaysia đã có năm 2023 thành công khi nước này trở thành điểm đến đón nhiều khách quốc tế nhất Đông Nam Á, với 29 triệu lượt khách (cao hơn mục tiêu 27 triệu lượt năm 2024), theo Focus Malaysia.
 

Ngân Trần (tổng hợp)