Mường Khương (theo tiếng dân tộc nghĩa là vùng đất thép) là huyện cách thành phố Lào Cai 50km về phía Đông Bắc, có đường biên giới dài hơn 70km, 64 cột mốc tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc. Bên cạnh nông nghiệp, Mường Khương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.
Cơ hội phát triển vùng đất thép Mường Khương
Về điều kiện tự nhiên
Mường Khương là huyện có địa hình khá phức tạp, được kiến tạo bởi cao nguyên cổ Bắc Hà, thuộc dãy núi Tây Côn Lĩnh. Phần địa hình phía Đông thuộc lưu vực sông Chảy, phía Tây thuộc lưu vực sông Hồng, có nơi độ cao đạt 1.500 - 1.600m so với mực nước biển, khí hậu nơi đây mát mẻ quanh năm.
Mường Khương cách thủ đô Hà Nội hơn 300km, dù là huyện biên giới nhưng giao thông đang được đầu tư, nâng cấp, đường chủ yếu đã được bê tông hóa đi lại dễ dàng. Với những người thích mạo hiểm có thể chạy xe máy để có thể ngắm nhìn được cảnh quan ven đường một bên là núi cao, một bên là thung lũng với những thửa ruộng bậc thang ấn tượng. Tuy nhiên cần vững tay lái để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh.
Về tài nguyên thiên nhiên
Mường Khương có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, núi non trùng điệp cùng nhiều hệ thống hang động như hang động Hàm Rồng, hang Na Măng,... với vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí. Năm 2003, hang động Hàm Rồng đã được Bộ VHTTDL xếp hạng “Di tích danh thắng Quốc gia”; năm 2019 hang động Na Măng được xếp hạng “Danh lam thắng cảnh” cấp Quốc gia.
Bên cạnh đó Mường Khương còn có các thác nước như thác cây 2, thác Văng Leng, Páo Tủng... hay hệ thống ruộng bậc thang, núi đá tạo nên khung cảnh vừa kỳ vĩ vừa nên thơ, hấp dẫn du khách. Dọc theo đường đi, bạn có thể chiêm ngưỡng khung cảnh một bên là vách núi với những khóm lau cao vút, một bên là thung lũng với hệ thống ruộng bậc thang trải dài, đến mùa nước đổ, mùa lúa non hay mùa lúa chín đều tạo nên bức tranh thiên nhiên sống động.
Mường Khương có tài nguyên rừng phong phú, diện tích lên đến 24.000ha với nhiều loại gỗ quý như sa mộc, tống quán sủ, nghiến, lát, thông tre... Rừng tự nhiên dọc theo tuyến biên giới có các loại dược liệu quý như thảo quả, sa nhân...
Nơi đây còn có hệ thống sông ngòi khá dày đặc. Sông Chảy bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua địa phận Mường Khương là thượng nguồn có độ dốc dòng chảy lớn tạo nên nhiều thác ghềnh... có thể phát triển du lịch sinh thái, gắn với thiên nhiên.
Về tài nguyên văn hóa
Huyện Mường Khương có 23 dân tộc, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm 89,3% dân số. Người dân tộc Mông chiếm 45,3%, dân tộc Nùng chiếm 23,5% còn lại là các dân tộc Dao, Giáy, Tày, Phù Lá, Pa Dí, Thái, Mường… Đặc biệt Mường Khương có dân tộc Bố Y là dân tộc rất ít người của cả nước (chiếm 2,89%). Sự đa dạng các dân tộc thiểu số đã tạo nên sự phong phú về văn hóa, thể hiện ở cả văn hóa phi vật thể và vật thể. Đây là yếu tố quan trọng để khai thác tạo nên các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch đến với Mường Khương, đặc biệt là khách quốc tế.
Mường Khương còn có di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá như trống đồng Pha Long thuộc văn hóa Đông Sơn, các làng nghề thủ công truyền thống, các lễ hội, phiên chợ vùng cao đặc sắc, đậm chất văn hóa dân tộc.
Không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên, Mường Khương được mệnh danh là vùng đất thép, con người nơi đây vô cùng chịu thương chịu khó, cần cù, chăm chỉ, thân thiện. Đây cũng là một trong những yếu tố thu hút du khách trong và ngoài nước.
Thử thách
Có thể nói Mường Khương là điểm đến có khá nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái với các trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên hoang sơ hay du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa… Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn, thử thách.
Mường Khương được tỉnh, nhà nước quan tâm, đầu tư với các đề án phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa bản sắc dân tộc. Ngoài ra cơ sở hạ tầng, giao thông cũng được chú trọng, bê tông hóa khá thuận tiện nhưng vì đường núi nên vẫn còn những đoạn dốc cao, bùn lầy vào ngày mưa. Đặc biệt đoạn đường vào hang Na Măng đang xây dựng nên du khách phải đi bộ khoảng 1km mới đến được chân núi. Những ngày mưa, đoạn đường khá lầy lội, trơn trượt, du khách nên chủ động chuẩn bị giày leo núi, trang phục thoải mái và hỏi thăm, nhờ người địa phương chỉ dẫn. Ngoài ra, hang Na Măng được công nhận cấp quốc gia nhưng chưa có hệ thống đèn, điện, các biện pháp an toàn nên chưa thật sự thu hút được du khách. Khoảng cách giữa các điểm du lịch khá xa, mất thời gian dài di chuyển.
Hạ tầng nói chung và hạ tầng du lịch nói riêng đã được chú trọng đầu tư tuy nhiên chưa đảm bảo thuận tiện kết nối. Điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng liên kết giữa các điểm du lịch trong huyện, các huyện trong tỉnh và các địa phương khác.
Mặc dù Mường Khương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng những năm qua chưa thu hút được các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tập đoàn lớn đầu tư, phát triển du lịch tại huyện. Trên địa bàn huyện có 10 cơ sở lưu trú/93 phòng/143 giường, các cơ sở lưu trú được đầu tư, cơ bản đảm bảo phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên đầu năm 2023 qua kiểm tra về công tác về an toàn PCCC có 05/10 cơ sở chưa đạt. 2 cơ sở dừng hoạt động kinh doanh lưu trú do không khắc phục được PCCC. Hiện tại huyện còn 08 cơ sở lưu trú, với 80 phòng, 124 giường. Chính vì thế đây cũng là một trong những yếu tố khiến Mường Khương gặp khó khăn trong việc phát triển du lịch.
Tình trạng suy thoái về tài nguyên, môi trường du lịch dưới tác động của các hoạt động phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến tình hình phát triển kinh tế xã hội, các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ quét, sạt lở đất, các đợt rét đậm, rét hại, mưa đá, băng tuyết, sương muối... diễn ra thường xuyên hơn cũng gây hạn chế lớn cho các hoạt động du lịch.