Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Du lịch nông nghiệp khởi sắc: Nhiều homestay tại Sơn La lúc nào cũng kín khách

Thời gian qua, du lịch nông nghiệp đang có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch canh nông hình thành ở nhiều địa phương đã phát huy hiệu quả và trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.

Chia sẻ tại hội nghị du lịch do Chính phủ tổ chức sáng 15/11, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết ông mới đi Vân Hồ (Sơn La), nơi Thủ tướng đã ghé thăm, động viên vợ chồng Tráng A Chu người Mông làm du lịch cộng đồng.

"Họ có 60 phòng homestay lúc nào cũng kín khách dù là bản rất heo hút. Tôi muốn nói điều đó để nói rằng tiềm năng du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng của chúng ta rất lớn. Nếu các tập đoàn du lịch biết hỗ trợ thì tôi nghĩ rằng sẽ tạo ra kỳ tích", Bộ trưởng Hoan nêu.

Vì thế, ông Hoan đề nghị Thủ tướng và Bộ VH-TT-DL cần vẽ thêm cho bản đồ du lịch Việt Nam, mở rộng không gian du lịch mới. Rõ ràng du lịch nông nghiệp thực sự giúp chúng ta mở ra bản đồ du lịch mới từ những điểm sẵn có. Chúng ta nên có một tư duy mới về du lịch nông nghiệp, dù nó mang lại nguồn thu không lớn nhưng đó là sức sống của cộng đồng, là bản sắc văn hóa của các dân tộc.

img6446-1700026617362810683100-1700031367375526206382-1700064351.jpg
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị sáng 15.11. Ảnh: VGP

"Tôi đi Tương Dương, Quỳ Hợp, Mường Lát cũng trao đổi với địa phương, phải chi các cộng đồng du lịch đang đầu tư ở Cửa Lò, Sầm Sơn chỉ cần kéo lên miền núi của Thanh Hóa, Nghệ An thì chúng ta thấy sẽ là sự kỳ diệu rất lớn, mở thêm tài nguyên du lịch, kéo dài thêm thời gian lưu trú của du khách", ông Hoan trăn trở và cho rằng việc này sẽ giúp cho cả cộng đồng bà con dân tộc với những sản phẩm OCOP, thổ cẩm, làn điệu… Không có gì quá khó nếu các tập đoàn "dấn" thêm chút nữa.

So sánh với du lịch Thái Lan, theo Bộ trưởng NN-PTNT, nền du lịch nông nghiệp nông thôn của Thái Lan phát triển dựa trên tiềm năng nông nghiệp và 4 quốc gia gần nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đều rất coi trọng điều này.

"Đây là hình ảnh quốc gia, hình ảnh thiên nhiên, di sản ông cha ông để lại, câu chuyện huyền thoại từ ngọn núi, con sông. Nếu ở Nghệ An, chúng ta kết nối dòng sông Lam lên tới Kỳ Sơn thì ta thấy rằng bản thân sông Lam là di sản. Nếu là sông Mã kết nối từ Mường Lát đổ xuống dưới cũng đã là di sản. Trên hành trình đó cư dân đã quần tụ bao đời, trở thành một điểm đến.

Thử quy hoạch sông Mã từ khi bước vào địa phận Thanh Hóa trải dài xuống, chỗ nào cũng có điểm dừng chân cho du khách được. Không cần quá lớn, chỉ cần chăm chút thêm sẽ trở thành một câu chuyện, du khách có thể ở hàng tuần, nửa tháng để trải nghiệm, khám phá đặc sắc Việt Nam", lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề xuất.

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay cả nước có khoảng 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động, trải dài từ miền núi phía Bắc đến Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long… Nhiều mô hình phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách. Nhiều bà con dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi, heo hút, trở nên tự tin, năng động hơn, nhờ làm du lịch. 

cover-1700064541.jpg
Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách. Ảnh: Nam Nguyễn.

Nhiều cộng đồng làng quê hồi sinh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, cuộc sống văn minh hơn, nhờ làm du lịch. Nông, lâm, thủy sản, ngành nghề truyền thống tăng thêm giá trị, trở thành đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, nhờ vào du lịch. Cánh đồng lúa, ruộng bậc thang, vườn cây, sông suối, ao hồ, làng chài, rừng dừa nước… đều được nối kết thành điểm đến đặc sắc trên hành trình trải nghiệm. Tri thức, văn hoá bản địa, ẩm thực dân gian, nghi lễ truyền thống… được đánh thức, nhờ vào du lịch.

Trên thực tế, du lịch nông nghiệp đã giúp nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, diện mạo làng quê cũng thay đổi theo hướng hiện đại. Ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Để phát huy thế mạnh của từng địa phương, tăng cường công tác quản lý du lịch nông nghiệp nông thôn cũng như nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và các chủ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành rà soát công tác quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực, đồng thời nâng cao vai trò công tác quản lý ở địa phương, nâng cao năng lực các chủ thể làm du lịch canh nông và đề xuất các giải pháp phù hợp cần triển khai trong thời gian tới.

Với những hoạt động cụ thể này, ngành nông nghiệp đang hướng đến đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác triệt để thế mạnh, sự đặc sắc riêng vùng miền tại các làng du lịch (văn hóa bản địa, đặc sắc làng nghề, sản phẩm OCOP), thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

Mới đây, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) vừa ra mắt chuyên trang quảng bá du lịch nông thôn - nơi giới thiệu tiềm năng, vẻ đẹp các điểm đến ở vùng nông thôn, các chương trình du lịch, tour tuyến, các dịch vụ liên quan đến du lịch ở địa bàn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống theo hướng bền vững. 

Việc ra đời chuyên trang quảng bá du lịch nông thôn trong nhiệm vụ thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là nỗ lực nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương. Điều này góp phần thúc đẩy du lịch ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nâng cao chất lượng nông nghiệp, chất lượng đời sống của nông dân, thúc đẩy gia tăng cơ cấu và giá trị dịch vụ du lịch trong hoạt động nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

Anh Thư (Tổng hợp)