Ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc độ phát triển du lịch hiệu quả bền vững. Nghị quyết đã nêu rõ các quyết sách của Chính phủ trong việc khôi phục nhanh du lịch, ngành kinh tế quan trọng của đất nước.
Ngày 02/7/2023, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã ban hành và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết quan trọng này. Ngay trong tháng 06/2023, Quốc hội đã thông qua việc sửa đổi hai Luật Xuất Nhập cảnh, trong đó mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế vào Việt Nam.
Qua đó, kết quả hoạt động của ngành Du lịch qua 10 tháng đầu năm đã ghi nhận những bước phục hồi quan trọng của Du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn, ngành Du lịch chưa đạt được kết quả mong muốn. Khách quốc tế đến Việt Nam tăng vượt kế hoạch, nhưng số lượng tuyệt đối lại quá thấp so với các nước trong khu vực.
Số lượng khách nội địa tăng nhẹ nhưng lại sụt giảm nghiêm trọng ở một số trung tâm du lịch lớn và doanh thu từ du lịch nội địa giảm nhiều so với năm 2022, nhiều cơ sở lưu trú cao cấp ở nhiều Trung tâm chưa mở cửa được vì ít khách và thiếu nhân lực. Nhiều dịch vụ như bán hàng, may mặc, chăm sóc sức khỏe, ẩm thực còn chậm hồi phục.
Bên cạnh đó, hiện các doanh nghiệp du lịch còn gặp nhiều khó khăn như: Không triển khai được chương trình khuyến mại, kích cầu du lịch; thị trường quốc tế chưa mở rộng; công tác xúc tiến du lịch triển khai còn chậm và ít hiệu quả; nhân lực du lịch bị thiếu trầm trọng, việc đầu tư cho nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch mới còn quá ít, nguồn lực các doanh nghiệp rất hạn chế,...
Để thực hiện chủ trương đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững của Chính phủ, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra một số giải pháp sau:
Thứ nhất, điều chỉnh thời hạn triển khai một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành Du Lịch như kéo dài việc giảm VAT đến hết năm 2024; kéo dài thời gian thực hiện Nghị định 94/2021/NĐ-CP về việc giảm mức ký quỹ của các doanh nghiệp lữ hành đến hết ngày 31/12/2024.
Thứ hai, cơ cấu lại thị trường quốc tế, khôi phục các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật, Hàn, Đài Loan, ASEAN, Tây Âu bằng việc triển khai các hoạt động giới thiệu quảng bá, tham gia các hội chợ, hội nghị du lịch để tranh thủ giới thiệu Du lịch Việt Nam với thế giới. Đồng thời, mở rộng các thị trường tiềm năng với các kế hoạch triển khai cụ thể, chi tiết.
Thứ ba, đẩy mạnh việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới, theo đó cần nguồn lực Nhà nước hỗ trợ cho công tác nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch mới cho du lịch nội địa và cho du lịch quốc tế.
Thứ tư, tập trung nguồn lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo ngắn hạn, bổ sung kiến thức cho lao động của các doanh nghiệp du lịch, cụ thể như mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ 10-20 xuất đào tạo nhân lực ngắn hạn.
Thứ năm, triển khai thực hiện một số chính sách đã ban hành trong Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị, cụ thể là điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất. Bên cạnh đó là triển khai chính sách phù hợp về thuế sử dụng đất và tiền thuế đất đối với các dự án du lịch có hệ số sử dụng đất cho xây dựng thấp và hạn chế chiều cao.
Với sự chỉ đạo, kiểm tra, hỗ trợ mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đặc biệt là sự triển khai tích cực, nghiêm túc của các tỉnh, thành phố cả nước, sự cố gắng của các doanh nghiệp du lịch, Du lịch Việt Nam sẽ đạt được kết quả tốt đẹp hơn trong năm 2023, tạo đà cho sự bùng nổ của Du lịch Việt Nam từ năm 2024.