Du lịch giáo dục Việt Nam chưa có sự đồng bộ, thống nhất và còn nhiều thử thách

Mặc dù xu hướng du lịch giáo dục mang đến nhiều lợi ích nhưng cũng có những thử thách lớn đối với các đơn vị du lịch và cơ sở giáo dục.

Sáng 30/8, tại Hà Nội, Hội thảo Du lịch giáo dục Việt Nam - Định hướng và giải pháp phát triển do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức với sự tham gia của hơn 100 đại biểu trực tiếp và trực tuyến. Trong Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia du lịch, đại diện đơn vị du lịch đã chia sẻ các ý kiến về du lịch giáo dục với mong muốn đưa xu hướng du lịch này phát triển mạnh mẽ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch gửi lời cảm ơn đến các đại biểu đã tham dự đông đủ dù thời tiết không hỗ trợ. Ông cho biết có khoảng 50 người tham gia Hội thảo trực tiếp và khoảng 50 đại biểu tham dự trực tuyến. Điều này cho thấy sự quan tâm của các chuyên gia du lịch, cơ quan truyền thông đối với du lịch giáo dục.

"Thời gian qua, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá về du lịch giáo dục Việt Nam, nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các địa phương. Du lịch giáo dục là xu hướng du lịch nhận được sự quan tâm của xã hội nhưng đây không phải là điều mới mẻ. Các nước châu Âu đã phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch này, đóng góp vào sự phát triển chung của các ngành khoa học, giáo dục.

Chúng ta cần hiểu rằng, du lịch giáo dục không chỉ dành cho các đối tượng là học sinh sinh viên. Du lịch giáo dục có sự bao trùm trong mọi lĩnh vực. Thời Minh Trị ở Nhật đã có rất nhiều đoàn chuyên gia đi nghiên cứu, khảo sát khắp nơi trên thế giới đã mang đến sự phát triển thịnh vượng cho Nhật Bản. Chính vì thế, vai trò của du lịch giáo dục rất quan trọng, ảnh hưởng tác động đến nhiều lĩnh vực như kinh tế, nghiên cứu khoa học, xã hội... và mọi đối tượng từ trẻ đến già.

Nếu chúng ta phát huy được du lịch giáo dục sẽ đóng góp vào sự phát triển chung của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, do nhu cầu thực tế, một số đơn vị du lịch, địa phương tổ chức du lịch giáo dục theo hình thức tự phát, chưa có chính sách cụ thể nào thúc đẩy xu hướng du lịch này.

Khi đi thực tế, khảo sát, chúng tôi nhận thấy có nhiều đơn vị đã tổ chức du lịch giáo dục rất thành công như Quảng Ninh Gate, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long... Trong Hội thảo này, chúng tôi mong muốn nhận được sự đóng góp ý kiến, đề xuất của đại biểu sẽ mang đến hướng mới cho du lịch giáo dục”, TS Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ.

Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ thêm, trong điều kiện nguồn lực có hạn, nhóm nghiên cứu còn nhiều hạn chế trong việc tìm hiểu thông tin và đi thực tế các điểm du lịch giáo dục tại các địa phương. Thời gian tới, nếu nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân quan tâm đến việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch giáo dục, Viện sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, đề xuất giải pháp mang tính đồng bộ cũng như nâng cấp đề tài này lên nghiên cứu khoa học ở cấp Bộ.

toancanhhoithao-1725006447.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Báo cáo về kết quả nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Trưởng phòng TTSP&QLKH của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết nhóm đã tiến hành khảo sát, đánh giá từ các cơ quan giáo dục và đơn vị du lịch. Nhóm đưa ra khái niệm du lịch giáo dục là một trải nghiệm học tập được tổ chức và quản lý bởi các tổ chức giáo dục và tổ chức kinh doanh du lịch ngoài nơi cư trú thường xuyên của người học. Việc học tập được thực hiện kết hợp với các loại hình du lịch phù hợp để đáp ứng nhu cầu của người học và mục tiêu của tổ chức.

Theo khảo sát, tại Việt Nam, chất lượng cơ sở lưu trú và cơ sở ăn uống được lựa chọn trong các chương trình du lịch giáo dục chưa đồng đều. Các công trình vui chơi, giải trí gắn với điểm du lịch giáo dục còn đơn giản, chủ yếu tập trung vào hoạt động tham quan, team building... nhiều hơn. Đáng nói, nhân lực tại các điểm du lịch còn ít, còn hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm và ít có cơ hội được giao lưu, học hỏi.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, tại Việt Nam, chất lượng cơ sở lưu trú và cơ sở ăn uống được lựa chọn trong các chương trình du lịch giáo dục chưa đồng đều. Các công trình vui chơi, giải trí gắn với điểm du lịch giáo dục còn đơn giản, chủ yếu tập trung vào hoạt động tham quan, team building... nhiều hơn. Đáng nói, nhân lực tại các điểm du lịch còn ít, còn hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm và ít có cơ hội được giao lưu, học hỏi.

Các sản phẩm du lịch giáo dục hiện nay thường gắn với chủ đề: Lịch sử và văn hóa, Môi trường và sinh thái, Khoa học và công nghệ, Ngôn ngữ. Đối tượng khách được chia thành nhiều độ tuổi: Mầm non và Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Đại học và người lớn. Mùa du lịch được chia thành: Mùa Xuân và Tết Nguyên đán, mùa Hè, mùa Thu và Đông.

Hiện nay, du lịch giáo dục chịu ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan và khách quan như tài nguyên du lịch, thói quen địa phương và văn hóa, điều kiện và cơ sở đào tạo, khả năng tiếp cận điểm đến, yếu tố tài chính, điều kiện về tình cảm, quỹ thời gian...

Du lịch giáo dục mang lại lợi ích, cơ hội phát triển cho hoc sinh sinh viên; thúc đẩy trao đổi và hiểu biết văn hóa; tạo doanh thu cho địa phương... Đồng thời, du lịch giáo dục cũng giúp đẩy mạnh "làn sóng" du học, các chương trình giao lưu, trao đổi sinh viên, học tập ngôn ngữ, các khóa đào tạo ngắn hạn. Mặt khác, từ đây giúp thị trường đào tạo quốc tế tăng nhanh, đa dạng về nhu cầu và thúc đẩy các hoạt động du lịch bền vững.

Mặc dù xu hướng du lịch này mang đến nhiều lợi ích nhưng cũng có những thử thách lớn: Chưa có hướng dẫn thủ tục để chứng nhận chuyên môn cho loại hình du lịch cộng đồng khi tham gia vào các loại hình du lịch mới; Kỹ năng, kiến thức và nghiệp vụ du lịch và giáo dục của giáo viên để hướng dẫn trong chương trình du lịch giáo dục chưa cao; Các cơ sở đào tạo chưa có sự kết nối với các doanh nghiệp và môi trường hoạt động thực tế của du lịch; Chưa có chính sách hỗ trợ vé tham quan, visa...; Chi phí cao; Chất lượng trải nghiệm giáo dục tại các địa điểm khác nhau; Bị phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài như ổn định chính trị, y tế, sức khỏe, dịch bệnh, môi trường...

Để phát triển du lịch giáo dục, bà Lan Hương đề cập đến việc định hướng nghiên cứu thị trường, phát triển nhiều sản phẩm phù hợp với phân khúc thị trường và đặc biệt chú trọng đến xu hướng du lịch giáo dục quốc tế. Bên cạnh việc khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương, các sản phẩm du lịch giáo dục phải xây dựng được quan hệ liên kết hợp tác với các tổ chức giáo dục, được tiếp thị và quảng bá tốt hơn nữa.

dulichgiaoduc-1725006776.jpg
Du lịch giáo dục Việt Nam chưa có sự đồng bộ, thống nhất và còn nhiều thử thách

Trước kết quả của nhóm nghiên cứu, các đại biểu có mặt tại Hội thảo đã đưa ra những ý kiến đóng góp nhằm phát triển xu hướng du lịch giáo dục. Theo ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, du lịch giáo dục ở Việt Nam có một số vấn đề hạn chế như không có sự đồng bộ giữa đơn vị du lịch và cơ sở giáo dục. Có những đoàn du lịch giáo dục là các em học sinh sinh viên nhưng số lượng rất đông khiến việc tiếp nhận thông tin không được như kỳ vọng.

Ngoài ra, chưa có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về du lịch giáo dục nên không phát huy được vai trò của tour du lịch giáo dục. Không ít tour trải nghiệm mang nặng tính hình thức hay hướng dẫn viên du lịch chưa có kinh nghiệm, kiến thức về lĩnh vực này cũng ảnh hưởng ít nhiều chất lượng của tour du lịch giáo dục. Đặc biệt, tour du lịch giáo dục cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa thật sự xứng đáng với tiềm năng.

Theo ông Thắng, cần phải tăng cường trải nghiệm thực tế, áp dụng phương pháp học tập trong tour, tăng cường trải nghiệm cộng đồng hay qua ứng dụng công nghệ để nâng cao, phát triển du lịch giáo dục.

Một số đại biểu khác cho rằng du lịch giáo dục ở Việt Nam còn quá hời hợt, chỉ chú trọng số lượng và chưa đảm bảo chất lượng. Có những đoàn lên đến hàng nghìn học sinh sinh viên gây ồn ào, không tập trung nên việc hướng dẫn, truyền đạt thông tin không hiệu quả. Chính vì thế, cần sự chuyên nghiệp của đơn vị tổ chức kết hợp với cơ sở giáo dục để mỗi tour mang lại giá trị đích thực.

Ví dụ, với mỗi đoàn khách du lịch, mỗi đối tượng khách du lịch cần tiếp nhận thông tin khác nhau. Cùng tham quan, học tập tại Bảo tàng nhưng đối tượng học sinh mầm non, tiểu học sẽ được tìm hiểu thông tin khác sinh viên đại học. Điều này tạo nên sự hứng thú cho du khách.

Ngoài ra, về đối tượng khách du lịch giáo dục quốc tế có thể khai thác các khóa đào tạo ngành nghề chuyên biệt như trại hè kết hợp với hội thảo, các buổi thuyết giảng của chuyên gia, giáo sư...

Đ.H