Du lịch cộng đồng là loại hình được phát triển dựa trên cơ sở giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Hiện nay các mô hình du lịch cộng đồng ngày càng được nhân rộng, khuyến khích phát triển bởi những giá trị quý báu mà nó mang lại cho người dân địa phương, du khách và môi trường.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia Chương trình UNDP/GEF SGP cho biết, UNDP đã tài trợ cho nhiều dự án xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng tại nhiều địa phương. Nữ điều phối viên đánh giá loại hình du lịch cộng đồng giúp người dân có nguồn sinh kế bền vững gắn với việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái. Các mô hình du lịch cộng đồng mà UNDP/GEF SGP hỗ trợ người dân địa phương triển khai đều hướng đến lối sống xanh, không rác thải nhựa, đề cao các giá trị văn hóa, truyền thống tại địa phương. Điều này góp phần lan tỏa lối sống xanh, tăng trải nghiệm cho du khách.
Ví dụ hoạt động du lịch cộng đồng ở xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam gắn với việc bảo tồn rừng dừa nước. Theo đó việc bảo tồn rừng dừa nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với môi trường sinh thái khi góp phần giữ đất, chống xói mòn, sạt lở, giảm tác động của thiên tai cũng là nơi lưu giữ chứng tích lịch sử, truyền thống, văn hóa của cộng đồng làng chài và các nghề mưu sinh truyền thống của địa phương.
Đây là nơi cung cấp các dịch vụ sinh thái tại vùng Cửa sông Thu Bồn cho môi trường tự nhiên, xã hội và cộng đồng dân cư địa phương cũng như phát triển xã hội. Bên cạnh những ý nghĩa quan trọng trong vấn đề bảo vệ môi trường và tạo sinh kế bền vững cho người dân, loại hình du lịch này còn tăng tính gắn kết cộng đồng, phát huy nội lực của địa phương. Theo đó người dân chia sẻ trách nghiệm, lợi ích một cách công bằng.
Theo Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, người đã có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu, hướng dẫn người dân làm du lịch cộng đồng, tại những địa phương người dân tham gia xây dựng du lịch cộng đồng thì đều cảm thấy xóm làng, bà con gần gũi, thân thiện. Từ các hoạt động du lịch cộng đồng người dân có nguồn sinh kế bền vững, nhận ra sự đáng quý của lao động, gìn giữ, bảo vệ môi trường sống, chăm sóc vườn tược, ruộng đồng, cây cỏ, ứng xử tử tế với nhau.
Du lịch cộng đồng đã và đang trở thành công cụ để phát triển cộng đồng, nâng cao năng lực của các tổ chức cộng đồng. Theo đó thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng, người dân tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, khai thác sử dụng hợp lý nguồn lợi, chia sẻ lợi ích công bằng. Các giá trị truyền thống văn hóa được gìn giữ và phát huy một cách sáng tạo.
Du lịch cộng đồng hỗ trợ đắc lực cho người trẻ khởi nghiệp, tạo nhiều cơ hội cho việc làm, kết nối các nguồn lực và mạng lưới cộng đồng. Vì vậy, du lịch cộng đồng ngày càng trở nên hấp dẫn, truyền lửa cho cộng đồng, truyền nhựa cho cuộc sống, và tạo mật cho cuộc đời hạnh phúc.
Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh nói thêm: “Một sản phẩm du lịch cộng đồng đầu tiên phải là của toàn thể cộng đồng. Chính vì vậy, sản phẩm này rất quan trọng bởi nó liên quan đến toàn bộ lợi ích và trách nhiệm của cộng đồng ấy. Thường sản phẩm đó được phân tích theo một chuỗi các giá trị nối nhau, để cộng động dễ dàng hưởng lợi cùng nhau. Ví dụ một tour du lịch quanh làng để hưởng ngoạn toàn bộ cảnh quan của địa phương ấy là một sản phẩm du lịch cộng đồng. Ở đó lợi ích thu lại được từ sản phẩm này được chia sẻ cho các thành viên trong cộng đồng một cách hợp lý".