Đóng góp về xây dựng điểm đến du lịch từ thực tế tỉnh Hưng Yên

Vừa qua, Hiệp hội Du lịch tỉnh Hưng Yên đã tổ chức hội thảo Xây dựng điểm đến du lịch Hưng Yên. Tại hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam, bà Cao Thị Ngọc Lan, đã có bài tham luận với nhiều nội dung có giá trị thực tiễn cao. Tạp chí Vietnam Travel xin giới thiệu nội dung bản tham luận này tới bạn đọc.

img-0118-1713436700-1713870595.jpg

Bà Cao Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam tại hội thảo Xây dựng điểm đến du lịch Hưng Yên 2024

Hưng Yên là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Nằm cách Hà Nội khoảng 60km về phía Đông Nam, có diện tích 923,09 km² với dân số hơn 1,2 triệu người (số liệu năm 2020).

Hưng Yên có lịch sử lâu đời, với nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Với hệ thống trên 1.800 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 3 di tích, khu di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 175 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 7 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, cùng hàng nghìn tài liệu, hiện vật, cổ vật có giá trị. Hưng Yên còn có nhiều làng nghề truyền thống với hơn 400 lễ hội đậm nét văn hóa dân gian cùng với những đặc sản riêng có của vùng đất phù sa châu thổ sông Hồng như: nhãn lồng long nhãn, bún thang, bánh tẻ, chè hạt sen… Những sản vật gắn liền với những vùng đất của tỉnh như làng hoa, cây cảnh Xuân Quan, gà Đông Tảo, bánh cuốn Mễ Sở, hệ thống vườn cây ăn quả, cây cảnh của rất nhiều làng xã thuộc huyện Văn Giang…

Với những tiềm năng, lợi thế, các sản phẩm phong phú của nền nông nghiệp lúa nước vùng đồng bằng Bắc Bộ và những tinh hoa về văn hóa, lịch sử cùng văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng đất từ lâu đã nổi tiếng với câu ca: “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, đó chính là tiềm năng vô tận, quý giá để tỉnh Hưng Yên phát triển hai loại hình du lịch chính đó là: Du lịch văn hóa có yếu tố tâm linh, lễ hội dân gian truyền thống và du lịch nông nghiệp, sinh thái gắn với sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt làng quê kết hợp thăm quan, dã ngoại, nghỉ dưỡng…

chua-nom-1713870712.jpg

Chùa Nôm - Ảnh: Báo Hưng Yên

Qua nghiên cứu, được biết trong những năm qua, xác định du lịch là một ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nên Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành các văn vản định hướng phát triển du lịch Hưng Yên. Đó là Kế hoạch số 60/KH-BTV ngày 25/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai Nghị quyết 08/NQ-TW (16/1/2017) của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; KH số 54/KH-ND ngày 09/5/2018 của UBND tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025; Qui hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 14/3/2022 của UBND tỉnh Hưng Yên về kích cầu phục hồi hoạt động du lịch tỉnh Hưng Yên thích ứng, an toàn, linh hoạt trong tình hình mới…

Từ những thực tế trên và quá quá trình nghiên cứu, tác giả xin được thay mặt thường vụ Hiệp hội Du lịch Việt Nam đóng góp một số ý kiến về xây dựng điểm đến du lịch tỉnh Hưng Yên như sau:

Một là: xác định những yếu tố cần và đủ để xây dựng điểm đến du lịch nhắm đến mục tiêu đáp ứng yêu cầu của khách hàng là vấn đề hết sức quan trọng.

Những yếu tố cần để xây dựng điểm đến đó là:

1. Không gian, cảnh quan, điểm đến và điểm tham quan du lịch (bao gồm cảnh quan thiên nhiên, hệ thống di tích, văn hóa, lịch sử…)

2. Yếu tố cơ sở hạ tầng bao gồm sự thuận tiện của hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, nhà hàng phục vụ ăn uống, ẩm thực, các dịch vụ đi kèm như khu vui chơi giải trí, hệ thống các điểm mua sắm, sản phẩm phục vụ du lịch…

3. Nhân lực phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và tinh thần, thái độ phục vụ tốt.

4. Có chiến lược, qui hoạch phát triển du lịch bài bản, rõ ràng từ định hướng phát triển cho đến mục tiêu cụ thể. Đồng thời phải có kế hoạch triển khai đồng bộ với tiến độ cụ thể và tổ chức thực hiện hiệu quả; Có kế hoạch giám sát chất lượng trong quá trình triển khai và tổ chức đánh giá kết quả thực hiện.

5. Có quan điểm phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển du lịch đi kèm bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Những yếu tố đủ để xây dựng điểm đến du lịch:

1. Anh ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; Dịch vụ y tế, giữ gì môi trường xanh, sạch đẹp.

2. Có trung tâm thông tin để hỗ trợ cho khách du lịch nắm thông tin và trải nghiệm chương trình du lịch thông qua sử dụng công nghệ hiện đại.

3. Nghiên cứu, xây dựng các trải nghiệm hấp dẫn dành cho du khách như tour tham quan, du lịch mạo hiểm, mua sắm đặc sản địa phương, du lịch ẩm thực… Đối với mỗi hoạt động cần căn cứ theo nhu cầu của từng đối tượng khách hàng, thị trường; hoặc sự khác nhau trong hoạt động, chương trình du lịch theo mục tiêu đã được đặt ra. Đồng thời cần tìm nguồn lực để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đó, bao gồm nguồn lực về tài chính, nhân lực và công nghệ.

4. Xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên chất lượng được đào tạo bài bản, có kiến thức phong phú, có tư cách đạo đức và thái độ, tác phong phục vụ khách tận tình, chu đáo…

5. Từng bước xây dựng, triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động du lịch, quản trị kinh doanh du lịch.

6. Tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch chuyên nghiệp, bài bản; Tăng cường hoạt động kết nối, phối hợp trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

Hai là: Để tiếp tục đẩy mạnh du lịch Hưng Yên thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh như định hướng, mục tiêu đề ra, trong những năm tới, Sở VHTTDL, Hiệp hội Du lịch và cộng đồng doanh nghiệp du lịch Hưng Yên cùng với các ngành, các cấp cần phối hợp chặt chẽ và tập trung triển khai đồng bộ, bài bản, cụ thể các chương trình, đề án, quy hoạch và kế hoạch giải pháp phát triển du lịch tỉnh nhà do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành. Đặc biệt tập trung xây dựng, đẩy nhanh sự tăng trưởng của 4 khu vực trọng tâm để phát triển du lịch đã được xác định tại Quy hoạch phát triển du lịch Hưng Yên đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030 của UBND tỉnh Hưng Yên, bao gồm: Khu Phố Hiến (TP Hưng Yên), khu Đa Hòa – Dạ Trạch (huyện Khoái Châu), khu Cây Đa – Đền thờ Lê Tiến (huyện Phù Cừ) và khu du lịch sinh thái Ecopark (huyện Văn Giang); Tập trung khai thác tối đa lợi thế của vị trí giáp ranh với Thủ đô Hà Nội để kết nối, xây dựng và tổ chức hiệu quả các chương trình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cuối tuần, khai tác tuyến tàu du lịch sông Hồng thăm quan đền Chử Đồng Tử, đầm Dạ Trạch kết hợp du lịch cộng đồng, tham quan vãn cảnh, mua sắm, ẩm thực tại các vườn hoa cây cảnh, cây ăn quả và tham gia sinh hoạt cuộc sống vùng nông thôn một số thôn, xã ven sông Hồng…

45862-vuon-nhan-1-20220914161543-1713870780.jpg

Du khách nước ngoài thăm vườn nhãn tại xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) - Ảnh: Báo Hưng Yên

Để triển khai trong thực tế cần tổ chức khảo sát, lựa chọn và thí điểm xây dựng tour du lịch tại một số địa phương tiêu biểu có những di tích lịch sử, danh thắng gắn với những truyền thuyết về văn hóa, lịch sử, truyền thống dân gian, về con người, vùng đất, những câu chuyện liên quan đến các truyền thuyết nổi tiếng của Hưng Yên như khu Đa Hòa, Dạ Trạch.

Một dẫn chứng từ việc xây dựng mô hình du lịch ở xã Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An thời gian vừa qua. Từ đề nghị của lãnh đạo tỉnh Nghệ An và huyện Quỳnh Lưu, Hiệp hội du lịch Việt Nam đã lựa chọn đối tác, tổ chức đoàn khảo sát thực tế để nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án xây dựng tour du lịch: Làng Cá Gỗ sau ánh hào quang. Địa điểm thực hiện đề án tại xã Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sau 3 tháng khảo sát và xây dựng đề án Chương trình du lịch Làng Cá Gỗ sau ánh hào quang chính thức ra mắt ngày 16/12/2023. Chương trình chính thức đón khách song song với việc tiếp tục hoàn thiện các nội dung khác trong chương trình tổng thể vào tháng 4/2024.

Các công việc đã triển khai bao gồm: hoàn thành cơ sở hạ tầng cần thiết phục vụ đi lại, ăn ở cho du khách; tổ chức các điều kiện đảm bảo về an ninh, an toàn xã hội, vệ sinh, y tế; các cơ sở phục vụ ăn uống, các sản phẩm quà tặng…. Dự án cũng tổ chức đào tạo cán bộ quản lý, điều hành, hình thành Ban tiếp nhận thông tin và bố trí dịch vụ trực tiếp cho khách du lịch không thông qua các đơn vị trung gian; tổ chức đào tạo hướng dẫn viên du lịch là cư dân địa phương.

Sau 3 tháng thử nghiệm, đến nay đề án đã đón hàng vạn lượt khách tham quan, trải nghiệm, mua sắm dịch vụ và lưu trú tại làng. Hiện nay theo báo cáo của Ban quản lý làng Quỳnh Đôi: trung bình làng đón, phục vụ 1.000 khách du lịch/tháng từ khi bắt đầu thử nghiệm. Đó là chưa kể những dịp lễ, tết số lượng người đổ về rất đông, tới hàng trăm lượt/ngày. Đề án này đã trở thành một điểm sáng, thu hút khách tham quan, dân làng ban đầu từ chỗ không hài lòng về việc lấy tên “cá gỗ” để đặt tên cho chương trình du lịch vì sợ nhạy cảm, tự ti về cái nghèo, cái khó… thì nay nhân dân xã Quỳnh Đôi nói riêng và Nghệ An nói chung trở nên rất tự hào vì chỉ sau một thời gian ngắn, sau khi tour triển khai, khách du lịch từ khắp mọi miền hiểu hơn về quê hương người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ và nhiều danh nhân nổi tiếng khác. Về với một ngôi làng nhỏ bé với 8 di tích cấp quốc gia và 3 di tích cấp tỉnh du khách được trải nghiệm, và hiểu một cách trọn vẹn về câu chuyện “con cá gỗ” khi được chính người làng nói về ông đồ Nghệ - Hồ Phi Tích (1665-1734); được cảm nhận về vùng “đất lành chim đậu”, được hiểu về những con người của ngôi làng nhỏ bé nổi tiếng với đức tính “Khổ luyện thành tài”. Làng Quỳnh, mảnh đất địa linh nhân kiệt còn tiếp cho du khách những năng lượng tích cực từ không gian văn hóa, từ truyền thống hiếu học của những bậc hào kiệt xưa và từ cả những món ăn thấm đẫm văn hóa đặc trưng địa phươg. Những món ăn mà Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm khi xưa cũng luôn muốn được thưởng thức mỗi lần về thăm quê.

Ba là: Tiếp tục nâng cao nhận thức, tư duy về xây dựng và phát triển du lịch theo hướng bền vững, du lịch xanh gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của địa phương, bảo vệ môi trường thiên nhiên theo đúng tinh thần của Luật Du lịch: “Môi trường du lịch phải được bảo vệ, tôn tạo và phát triển theo hướng xanh, sạch đẹp, an toàn, lành mạnh và văn minh”. Cần xác định du lịch là động lực kết nối và tạo điều kiện cho các ngành kinh tế trong tỉnh phát triển. Lãnh đạo tỉnh cần tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; Ban hành chính sách, cơ chế thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Trong đó, đặc biệt cần có cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc lại doanh nghiệp và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước và tham gia các chương trình xúc tiến quảng bá do Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức tại nước ngoài nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Hưng Yên. Cần tiếp tục phát huy, xây dựng các chương trình xúc tiến quảng bá quy mô, bài bản hơn, tổ chức các hội nghị xúc tiến để thu hút sự quan tâm của các công ty lữ hành các tỉnh, thành phố, tăng cường phối hợp kết nối với các địa phương khác trong cả nước.

67289-doan-khao-sat-danh-gia-mo-hinh-san-pham-du-lich-trai-nghiem-van-hoa-lich-su-tai-den-mau-dao-nuong-xa-trung-nghia-thanh-pho-hung-yen-20104913-1713870954.jpg

Đoàn khảo sát đánh giá mô hình sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa – lịch sử tại Đền Mẫu Đào Nương (xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên) - Ảnh: Báo Hưng Yên

Bốn là: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, vì vậy ngoài sự phối hợp chặt chẽ với Sở VHTTDL, Hiệp hội Du lịch Hưng Yên cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các huyện thị trên địa bàn, các đơn vị cung ứng du lịch như vận tải, hàng không, dịch vụ… để tạo nên sức mạnh tổng hợp, sự thống nhất tập trung phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên toàn diện, nhanh và bền vững. Trong mối quan hệ với hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố, đề nghị Hiệp hội Du lịch Hưng Yên nghiên cứu, lựa chọn để ký kết hợp tác, kết nối với một số hiệp hội trong khu vực và tại một số trung tâm du lịch lớn, triển khai các hoạt động khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch mới, phối hợp tổ chức các chương trình, hoạt động du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực một cách hiệu quả, thiết thực, tránh tình trạng hình thức, tốn kém chi phí và thời gian của doanh nghiệp, hội viên.

Một số đề xuất, kiến nghị:

Hiệp hội Du lịch Việt Nam trân trọng đề nghị lãnh đạo tỉnh, các Sở, ban, ngành của tỉnh, đặc biệt là Sở VHTTDL trong thời gian tới tiếp tục tạo điều kiện, quan tâm ủng hộ để hoạt động của Hiệp hội Du lịch Hưng Yên thực sự hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành du lịch nói riêng và kinh tế, xã hội của tỉnh Hưng Yên nói chung.

Để có thể triển khai hiệu quả các kế hoạch, quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên đã ban hành, đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm: Bố trí quỹ đất để xây dựng, hình thành các khu, điểm du lịch sinh thái, du lịch gắn với kinh tế nông thôn. Trong đó bao gồm xây dựng cơ sở lưu trú du lịch theo hướng gắn với môi trường sinh thái, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện tự nhiên. Hưng Yên là địa bàn giáp ranh với Hà Nội, nơi có hệ thống khách sạn cao cấp khá lơn nên việc xây dựng các cơ sở lưu trú cần tính toán phù hợp; lựa chọn quy mô, hình thức, kiến trúc có khả năng thu hút khách từ Hà Nội, vùng phụ cận nghỉ dưỡng, tham quan kết hợp trải nghiệm cuộc sống nông thôn cuối tuần…

Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh cũng có cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tỉnh trong các hoạt động nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo phù hợp với nhu cầu mới của khách du lịch sau dịch Covid-19; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ lao động bị thiếu hụt trầm trọng sau đại dịch; tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch tại các trung tâm du lịch lớn trong nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các vùng miền và tiến tới tham gia các đợi xúc tiến quảng bá tại các nước trong khu vực và trên thế giới để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế về với Hưng Yên.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam, tổ chức xã hội nghề nghiệp của doanh nghiệp du lịch cả nước sẽ tiếp tục phối hợp, đồng hành cùng Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp du lịch tỉnh Hưng Yên trong triển khai, tổ chức thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ về phát triển du lịch. Trong đó sẽ tập trung đẩy mạnh công tác kết nối, liên kết, phối hợp triển khai các hoạt động giữa các Hiệp hội Du lịch trong cụm miền Bắc và cả nước; tăng cường các hoạt động quảng bá du lịch, góp phần cho hoạt động du lịch phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, phấn đấu sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Cao Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam