Doanh nhân Nguyễn Đức Quỳnh: "Đà Nẵng có thể trở thành trung tâm văn hóa của Việt Nam"

Nhân kỷ niệm 19 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2023), Doanh nhân Nguyễn Đức Quỳnh đã có những chia sẻ đầy tâm huyết về xu hướng du lịch trong tương lai, trong đó có định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm văn hóa của Việt Nam.

Doanh nhân Nguyễn Đức Quỳnh là chuyên gia nổi tiếng với bề dày hơn 30 kinh nghiệm trong ngành du lịch và bất động sản của Việt Nam. Ông là nhà lãnh đạo chiến lược và điều hành của Công ty CP Khu du lịch Bắc Mỹ An, đơn vị quản lý và điều hành Khu quần thể Du lịch Ariyana – Furama.

Ngoài ra, ông còn đóng góp tích cực cho ngành du lịch khách sạn địa phương với những vai trò điều hành như Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Ủy viên thường trực Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng. Chứng tỏ cam kết của mình đối với sự phát triển bền vững của ngành du lịch tại Việt Nam, ông cũng đã thành lập và là chủ tịch của Học viện Đào tạo Mến khách IBH Academy, học viện đào tạo mến khách đầu tiên tại Việt Nam, đã hoạt động từ năm 2020 tới nay. 

tin-6497-min-1697179399.jpg

Doanh nhân Nguyễn Đức Quỳnh. Ảnh: NVCC

PV: Xu hướng du lịch tìm hiểu văn hóa, tham dự lễ hội hiện đang rất được giới trẻ quan tâm? Ông đánh giá như nào về xu hướng này?

Doanh nhân Nguyễn Đức Quỳnh: Tôi muốn lấy ví dụ, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc là các điển hình thành công về du lịch văn hóa, lễ hội và thậm chí họ đang đi đầu về “xuất khẩu văn hóa”. Minh chứng là các tuần lễ văn hóa Hàn Quốc tổ chức hàng năm ở các TP lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, hay như tháng văn hóa Nhật Bản ở KS Mikazuki Đà Nẵng gần đây. Những sự kiện văn hóa Hàn Quốc giới thiệu tới công chúng nhiều biểu diễn nghệ thuật truyền thống như múa, nhạc cụ, hát truyền thống và trình diễn trang phục truyền thống. Ngoài ra, còn có các hoạt động như triển lãm nghệ thuật, trình diễn đặc sản và ẩm thực Hàn Quốc, hội thảo về văn hóa và lịch sử Hàn Quốc. Còn Tháng văn hóa Nhật Bản thường được tổ chức tại các địa điểm như khách sạn, trung tâm văn hóa, hoặc khu vực có mối quan hệ gắn kết với Nhật Bản. Trong suốt tháng này, người dân có cơ hội tham gia vào các hoạt động như trình diễn nghệ thuật truyền thống Nhật Bản, trình diễn âm nhạc, trình diễn trang phục truyền thống, triển lãm hình ảnh và nghệ thuật, trình diễn võ thuật truyền thống, và các buổi hội thảo, lễ hội văn hóa và ẩm thực Nhật Bản. Các chuỗi sự kiện này tạo ra một không gian giao lưu và gắn kết văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia này, và đưa tới một cơ hội để khám phá và hiểu sâu hơn về văn hóa độc đáo và sự đa dạng của các nước.

Rõ ràng, đây là một hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy và phát triển du lịch các địa phương. Với khu vực miền Trung, 3 địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế đang hợp tác để cùng tìm ra cách thức thúc đẩy du lịch gắn kết các hoạt động văn hóa, lễ hội. Địa phương nên có nhiều buổi trình diễn lễ hội, giới thiệu ẩm thực ra thế giới. Ví dụ như Lễ hội Phở Việt Nam tại Tokyo ngày 7-8/10 vừa qua, tại sao không phải là Lễ hội Mỳ Quảng tại một điểm đến có đường bay thẳng tới Đà Nẵng.

PV: Theo ông, Đà Nẵng có thế mạnh văn hóa gì để thu hút du khách trong nước và quốc tế? Và làm sao để Đà Nẵng trở thành một thành phố toàn cầu?

Doanh nhân Nguyễn Đức Quỳnh: Vị trí của Đà Nẵng kết nối thuận tiện tới Huế và Hội An, mà còn là cửa ngõ ra thế giới với gần 50 đường bay thẳng của khoảng 20 hãng hàng không tới các thành phố lớn trong khu vực châu Á. Để định hình trở thành thành phố toàn cầu, bên cạnh việc xúc tiến điểm đến, kích cầu du lịch hàng, thì Đà Nẵng còn cần đẩy mạnh các hoạt động và ngành công nghiệp khác như tài chính và công nghệ cao.

Ngoài ra, việc đầu tư vào hạ tầng giao thông, khách sạn, nhà hàng, sân bay và các dịch vụ công cộng khác để đáp ứng nhu cầu của du khách và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế cũng vô cùng cần thiết.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế: Đà Nẵng có thể tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch và văn hóa. Thành phố có thể thiết lập các liên kết, liên minh với các thành phố và tổ chức quốc tế, tham gia vào các chương trình trao đổi văn hóa, tổ chức sự kiện chung và xây dựng đối tác du lịch. Điều này sẽ giúp Đà Nẵng tạo dựng mạng lưới quốc tế và trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch toàn cầu.

ngo-thanh-tung-xpgorwjwpi8-unsplash-1697179601.jpg

Đà Nẵng có nhiều tiềm năng trở thành điểm đến du lịch văn hóa tại Đông Nam Á. Ảnh: Unsplash

PV: Gần đây, Đà Nẵng có rất nhiều sự kiện thành công thu hút du khách trong và ngoài nước (cuộc thi pháo hoa, lễ hội văn hóa…)? Ông có hiến kế gì để phát triển định hướng này tốt hơn nữa?

Doanh nhân Nguyễn Đức Quỳnh: Để phát triển định hướng này tốt hơn nữa, tôi có một số đề xuất đối với TP Đà Nẵng: Phát triển Đà Nẵng thành không gian văn hóa: Đà Nẵng có thể hướng tới trở thành một trung tâm văn hóa của Việt Nam, tương tự như Singapore đang là không gian văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Điều này có thể đạt được bằng cách đầu tư vào các cơ sở hạ tầng văn hóa, sân khấu, rạp hát và tổ chức các sự kiện văn hóa đa dạng.

Đa dạng hóa sự kiện: Phát triển một loạt các sự kiện đa dạng và phong phú để thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng khác nhau. Bên cạnh cuộc thi pháo hoa và lễ hội văn hóa, có thể tổ chức các sự kiện âm nhạc, triển lãm, thể thao hay hội chợ để tạo thêm sự hấp dẫn và đa dạng cho du khách. Tạo điều kiện thuận lợi để đưa các show siêu sao âm nhạc quốc tế về Đà Nẵng.

Quảng bá và tiếp thị: Tăng cường hoạt động quảng bá và tiếp thị để đưa thông tin về các sự kiện đến đông đảo du khách. Sử dụng các kênh truyền thông truyền thống và kỹ thuật số, cũng như hợp tác với các đối tác trong ngành du lịch để tạo ra sự lan tỏa thông tin rộng rãi và hấp dẫn.

Hợp tác với các đối tác: Xây dựng mối quan hệ hợp tác với các công ty tổ chức sự kiện quốc tế, các nhà tài trợ và các đối tác khác để đảm bảo thành công của các sự kiện. Sự hỗ trợ và tài trợ từ các đối tác có thể giúp nâng cao chất lượng và quy mô của các sự kiện.

Phát triển các hoạt động liên quan: Tận dụng cơ hội từ các sự kiện để phát triển các hoạt động liên quan như tour du lịch, trải nghiệm văn hóa địa phương, và các hoạt động giải trí khác. Điều này sẽ giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách và tăng cường nguồn lợi kinh tế cho địa phương.

PV: Ông có thể chia sẻ những thành tựu của Furama Resort Đà Nẵng trong thời gian qua? Đâu là sự khác biệt của khu nghỉ dưỡng so với các đơn vị cùng địa phương?

Doanh nhân Nguyễn Đức Quỳnh: Trường hợp Furama Resort nổi tiếng là khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên tại Đà Nẵng, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới, chúng tôi tự hào khi gặt hái được rất nhiều thành tựu. Gần đây nhất có thể kể đến giải thưởng “Khách sạn hội nghị tốt nhất Việt Nam 2023” được vinh danh bởi tổ chức quốc tế M&C Stella Asia Awards, hay được vinh danh “Spa nghỉ dưỡng tốt nhất tại Châu Á” bởi giải thưởng danh giá Haute Grandeur Spa Awards 2023 cùng giải thưởng danh giá khác.

26 năm qua, Furama Resort Đà Nẵng nổi danh không chỉ chan hòa thiên nhiên thuần khiết, mà còn là “bảo tàng” di sản ẩm thực với những câu chuyện lịch sử, văn hóa trong món ăn. Chúng tôi tự hào mang đến những trải nghiệm ẩm thực đặc sắc, lấy bản sắc văn hoá Việt Nam làm cốt lõi như: Cơm mâm đồng - mâm cơm Việt dân giã hay đêm tiệc Buffet Chợ Hải sản với điểm nhấn là hải sản địa phương được chế biến riêng theo khẩu vị của thực khách,... Bên cạnh đó là sự pha trộn độc đáo các món ăn truyền thống Việt Nam với hương vị ẩm thực châu Á, Ý và châu Âu cùng các món bò nhập khẩu thượng hạng. Nét đẹp ẩm thực tại Furama được tôn vinh, và khẳng định trong nhiều yến tiệc tiếp đón quý vị khách quý, giới hoàng gia, các nhà lãnh đạo Quốc tế đến thăm thành phố Đà Nẵng. Không chỉ phục vụ khách du lịch và thực khách yêu mến ẩm thực địa phương, Furama Resort Đà Nẵng còn nổi tiếng với những trải nghiệm ẩm thực đẳng cấp, phục vụ các đoàn khách MICE lên đến 1500 khách. Với đội ngũ đầu bếp tài năng, chuẩn hoá trong quy trình chế biến và phục vụ, chúng tôi tự hào đồng hành cùng các đơn vị tổ chức các sự kiện lớn, chuyên nghiệp.

vietnam-danang-furama-resort-exterior-courtyard-night-1697179814.jpeg

Furama Resort Đà Nẵng rất chú trọng tới khía cạnh gìn giữ văn hóa bản địa. Ảnh: NVCC

PV: Trong tương lai, ông có những chiến lược, định hướng nào cho Furama Resort Đà Nẵng thu hút du khách đến nơi đây?

Doanh nhân Nguyễn Đức Quỳnh: Quần thể du lịch Ariyana - Furama đang tăng cường hoạt động tiếp thị và quảng bá để thu hút khách du lịch từ các thị trường truyền thống (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan), tham gia cùng Thành phố Đà Nẵng trong các chương trình xúc tiến tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan, Phillipines, các thị trường mới nổi (như Philippines với tiềm năng từ việc hãng hàng không Cebu Airlines mở đường bay thẳng từ Manila tới Đà Nẵng) và những thị trường được tăng thời gian đơn phương miễn thị thực tới Việt Nam. Bên cạnh đó các hoạt động đào tạo cho cán bộ quản lý và nhân viên đang được đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Các giải pháp tối ưu hóa quản lý chi phí, tài nguyên và năng lượng cũng đang được triển khai để đảm bảo hoạt động hiệu quả trong mùa thấp điểm.

Thêm vào đó, xu hướng xanh hóa du lịch cũng là một trọng tâm của không chỉ đối với du lịch quốc gia, mà tại quần thể Ariyana, chúng tôi cũng đang trong quá trình xây dựng hành trình Go Green - chuyển đổi sang khách sạn xanh. Việc xây dựng các quy trình thích ứng mới và xác lập các ưu tiên trong việc bảo vệ môi trường là rất quan trọng để đảm bảo sự triển khai xanh hóa hiệu quả, phát triển kinh tế hiệu quả và giảm tác động tiêu cực lên môi trường trong vận hành của khu Quần thể.

PV: Trước khi kết thúc, ông có thông điệp gì tới độc giả đam mê du lịch và những người làm việc trong ngành Du lịch và Khách sạn, nghỉ dưỡng?

Doanh nhân Nguyễn Đức Quỳnh: Tôi xin chúc các doanh nhân trong ngành Du lịch luôn vững tin và yêu nghề, cùng nhau xây dựng ngành Du lịch Việt Nam phát triển bền vững. Mong các độc giả luôn ủng hộ và cùng đóng góp cho sự nghiệp phát triển du lịch và mỗi người trở nên một Đại sứ Du lịch Việt Nam.

Xin cảm ơn ông.

Hà Tháng Tư