Với những người yêu thích các sản phẩm thủ công truyền thống, thêu tay Tân Mỹ Design (hay còn được gọi là Tân Mỹ), không phải là cái tên xa lạ. Nằm ở ngay con phố Hàng Gai - nơi được mệnh danh là "con đường tơ lụa" của phố cổ Hà Nội, Tân Mỹ Design đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người Hà thành.
Nơi đây cũng vinh dự được cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou... ghé thăm, dành nhiều lời khen ngợi.
Gặp gỡ CEO Nguyễn Thùy Linh một buổi chiều mùa thu tại showroom Tân Mỹ Design (số 61 Hàng Gai) được thiết kế tinh tế, tỉ mỉ như một triển lãm đồ thêu, hàng thủ công truyền thống. Mỗi một sản phẩm đều được chăm chút, sắp đặt khéo léo... như tác phẩm nghệ thuật qua sự tinh tế của nữ chủ nhân tài sắc vẹn toàn.
Ấn tượng về "nữ tướng" đời thứ 3 của Tân Mỹ Design chính là sự dịu dàng, nữ tính, nhẹ nhàng... như lụa - một trong những sản phẩm mà thương hiệu này theo đuổi và phát triển. Lắng nghe chia sẻ về hành trình hơn 50 năm gìn giữ, phát triển Tân Mỹ Design mới hiểu thêm về đam mê, tâm huyết của gia đình cô dành cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam.
Thổi luồng gió mới vào Tân Mỹ
Năm 1969, cụ Bạch Thị Ngải - bà ngoại của CEO Thùy Linh, đã thêu khăn tay và gối bán tại cửa hàng Tân Mỹ trong ngõ 109 Hàng Gai. Dần dần, cửa hàng phát triển thêm nhiều sản phẩm như chăn, ga, gối, quần áo ngủ, các loại túi...
Trải qua 54 năm với nhiều thế hệ, Tân Mỹ đã có nhiều thay đổi để phù hợp với sự phát triển của xã hội. Đặc biệt, khi CEO Thùy Linh tiếp quản quản lý cửa hàng, cô đã có nhiều thay đổi với mong muốn thổi luồng gió mới vào Tân Mỹ.
Thùy Linh theo học ngành Kinh tế, sau khi ra trường đã có 3 năm làm việc ở một công ty khá nổi tiếng. Năm 25 tuổi, cô quyết định tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình.
Thời điểm đó, Tân Mỹ là thương hiệu nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra cả thế giới. Chính vì thế đây là áp lực nhưng cũng là động lực, thách thức đối với cô. "Bà và mẹ tôi đã làm quá tốt, đến thời của tôi nếu không làm tốt hơn thì ít nhất cũng phải bằng như thế. Vì vậy đây vừa là áp lực vừa là cơ hội, động lực để tôi cố gắng hơn" - Thùy Linh chia sẻ.
Tiếp quản Tân Mỹ Design, cô áp dụng cách quản lý chuyên nghiệp hơn, thành lập công ty,... từ đó mang đến nhiều cơ hội phát triển: "Việc thành lập công ty giúp Tân Mỹ Design có nhiều cơ hội hơn. Trước đây khi còn là cửa hàng, muốn ký kết hợp đồng hợp tác với các công ty trong nước khá khó khăn. Tuy nhiên việc trở thành một doanh nghiệp đã xóa bỏ được rào cản đó.
Ngoài ra trước đây Tân Mỹ kinh doanh theo "hữu xạ tự nhiên hương", truyền miệng. Sau này tôi đẩy mạnh quảng cáo, truyền thông trên báo đài, các nền tảng mạng xã hội... nên tiếp cận đến khách hàng rộng rãi hơn, nhiều hơn.
Về quy mô, trước đây chỉ tập trung vào mặt hàng thêu do gia đình tự sản xuất. Khi mở Tân Mỹ Design, tôi mời thêm các đối tác khác, nhà thiết kế thời trang của Việt Nam, nghệ nhân sơn mài, gốm sứ, đồ trang sức... để quảng bá các ngành nghề thủ công của dân tộc".
Nhận rõ nguy cơ và thách thức từ hậu Covid-19
Câu chuyện doanh nghiệp khó khăn do hậu Covid và suy thoái kinh tế không phải mới và Tân Mỹ Design cũng nằm trong vòng xoáy này. Dịch bệnh, cấm bay, hạn chế khai thác du lịch... ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của Tân Mỹ Design. Có nhiều ngày showroom không có doanh thu nhưng vẫn phải mở cửa, trả lương nhân viên... khiến nữ CEO vô cùng lo lắng. Trước tình huống cấp bách, gia đình cô quyết định bán một căn nhà để giải quyết khó khăn trước mắt.
Đặc biệt, cũng từ biến cố lớn này đã giúp CEO Thùy Linh nhận rõ nguy cơ cũng như thách thức của Tân Mỹ Design. Cô cho biết từ trước đến nay doanh thu của showroom rất ổn định, 80% đến từ du khách quốc tế nên lơ là mảng bán hàng online. Tuy nhiên khi dịch bệnh, cô bắt đầu điều chỉnh linh động, phát triển sản phẩm hướng đến khách hàng nội địa.
Ngoài ra, cô cũng tiến hành mở rộng, bán hàng online trên Tiki, Shopee, Lazada.., quảng bá trên các phương tiện truyền thông, báo đài và nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok... “Mục tiêu lớn nhất của tôi không phải là khách hàng quốc tế nữa mà mong muốn nhiều người Việt sử dụng sản phẩm của Tân Mỹ Design. Một phần tôi không muốn phụ thuộc vào khách quốc tế, nếu một lần nữa biến cố như dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại của showroom và cả nghề truyền thống.
Điều quan trọng nhất là tôi thấy rất đáng tiếc nếu người Việt không sử dụng các sản phẩm truyền thống của người Việt. Tôi cũng mong rằng nghề truyền thống sẽ sống mãi và phát triển. Như với Tân Mỹ Design, không chỉ là 3 đời mà có thể là 4 đời, 5 đời, 6 đời,... Sau này con gái tôi sẽ lại tiếp nối truyền thống của gia đình và biết đâu con có thể mang thương hiệu này ra thế giới” - CEO Thùy Linh trải lòng.
3 bài học kinh doanh ăn sâu vào tiềm thức
Triết lý kinh doanh của Tân Mỹ Design không thay đổi kể từ ngày thành lập, luôn tuân theo 3 tôn chỉ:
Thứ nhất là chữ Tín: Người kinh doanh luôn phải trung thực với khách hàng. Tân Mỹ Design luôn chia sẻ thẳng thắn với khách hàng về các sản phẩm của mình.
Thứ hai là chất lượng sản phẩm: Tân Mỹ Design luôn tạo ra sản phẩm đẹp nhất, tốt nhất. Nhớ về bài học từ sự tỉ mỉ, cẩn trọng từ bà của mình, nữ CEO chia sẻ: "Tôi vẫn nhớ câu chuyện của bà tôi, khi Tân Mỹ còn là một cửa hàng nhỏ trong con ngõ. Thời điểm đó có rất nhiều khách hàng người Nga và Thụy Điển, họ làm việc ở Việt Nam, thỉnh thoảng về nước thăm gia đình đều ghé cửa hàng để mua quà tặng người thân.
Hôm đó có một người khách đặt chiếc khăn thêu tay để tặng vợ. Thợ thêu ở Thường Tín, sau khi hoàn thành sẽ mang lên cửa hàng. Người khách này nhắn rằng 5h sáng sẽ qua cửa hàng lấy khăn và ra thẳng sân bay.
Tối hôm trước người thợ đã giao khăn cho bà tôi. Tuy nhiên khi xem xét kỹ, bà tôi nhận thấy có một bông hoa không được ưng ý. Bà liền tháo chỉ, rồi suốt đêm để thêu lại bông hoa đó. Sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng và tâm huyết của bà dành cho từng sản phẩm là điều khiến tôi nhớ mãi và luôn học theo".
Thứ ba là dịch vụ: Tân Mỹ Design luôn có dịch vụ tốt nhất. Ví dụ khách sạn có tiêu chuẩn 5 sao thì chúng tôi cũng phải đạt được tiêu chuẩn đó. Khi làm được những điều này khách hàng sẽ luôn nhớ đến thương hiệu và quay trở lại.