Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Cơ hội và thách thức cho du lịch Bắc Giang phát triển bền vững

Tại hội nghị, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến về vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của Bắc Giang, đặc biệt là đẩy mạnh du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch cộng đồng và khai thác liên kết vùng với các tỉnh thành phố lân cận như Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn...

Trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch Bắc Giang năm 2023, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã chủ trì, điều hành thảo luận tại hội nghị. Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đón 3 triệu lượt khách vào năm 2025 và 7,5 triệu lượt khách vào năm 2030. Trước những mục tiêu này, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang bày tỏ mong muốn nhận được đóng góp, chia sẻ của các chuyên gia du lịch, quản lý các doanh nghiệp lữ hành uy tín. Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tập trung vào các vấn đề như cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của Bắc Giang, đặc biệt là du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch cộng đồng và khai thác liên kết vùng với các tỉnh thành lân cận.

bacgiang20-1699696504.jpg
Các đại biểu tham gia hội nghị.

Cơ hội

Bắc Giang là tỉnh miền núi thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam, dân số gần 1,9 triệu người với hơn 20 dân tộc anh em sinh sống. Bắc Giang giáp các tỉnh như Lạng Sơn, Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh. Một trong những thuận lợi đầu tiên để có thể phát triển du lịch Bắc Giang chính là vị trí địa lý. Bắc Giang cách Thủ đô Hà Nội hơn 50km, cách cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) hơn 100km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 50km và cách cảng biển Hải Phòng và cảng biển nước sâu Cái Lân - Quảng Ninh 130km. Chính vì thế nơi đây có giao thông thuận lợi và có điều kiện để phát triển du lịch liên kết vùng. 

bacgiang28-1699696558.jpg
Bắc Giang là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống.

Về yếu tố con người, Bắc Giang có nguồn lao động dồi dào. Người dân nơi đây chịu thương chịu khó, cần cù lao động và có đức tính hiền lành, hào sảng. Đặc biệt, Bắc Giang có hơn 20 dân tộc anh em sinh sống tạo nên sự đa dạng văn hóa. Ở đây có xóm làng trù phú giàu truyền thống khoa bảng, những công trình tôn giáo, tín ngưỡng; những lễ hội dân gian độc đáo và làn điệu dân ca đặc sắc. 

Về tài nguyên du lịch sinh thái, Bắc Giang được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đẹp như khu thắng cảnh Suối Mỡ, hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử với hệ thống động thực vật đa dạng, phong phú. 

bacgiang7-1699696504.jpg
Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều điều kiện để trồng nhiều loại cây ăn quả như vải, cam, bưởi,... là cơ hội để phát triển du lịch miệt vườn.

Chính vì những điều kiện này Bắc Giang xây dựng 4 sản phẩm du lịch đặc thù:

Du lịch văn hóa - tâm linh: Tiếp tục xây dựng, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa hiện có. Đồng thời tập trung nguồn lực phát triển điểm du lịch Tây Yên Tử gắn với Con đường Hoằng dương Phật pháp...

Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng: Thu hút đầu tư dự án tại Khuôn Thần, huyện Lục Ngạn; khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Du lịch vui chơi, giải trí gắn với thể thao golf: Thu hút đầu tư xây dựng khu vui chơi, giải trí, thể thao.

Du lịch cộng đồng: Gắn với vùng cây ăn quả, nông nghiệp nông thôn tại huyện Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động và Yên Thế. 

Thách thức

Bắc Giang có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nhưng chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, mang dấu ấn địa phương. Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia du lịch, các doanh nghiệp lữ hành đã có nhiều đóng góp, chia sẻ tâm huyết. 

Ông Nguyễn Xuân Quỳnh - Giám đốc Công ty Du lịch Allez Voyage, đưa ý kiến về kế hoạch đầu tư dài hạn cho việc xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch "Hành trình theo dấu chân Phật Hoàng". Theo đó cần có quy hoạch không gian phát triển các khu, điểm du lịch văn hóa tâm linh tạo sự độc đáo, khác biệt đối với các địa phương khác.

bacgiang26-1699696503.jpg
Bà Lại Thúy Hà bày tỏ Bắc Giang đẩy mạnh hợp tác với truyền thông báo chí đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch.

Theo ông Phạm Mạnh Tuấn - Viện Phát triển du lịch châu Á, Bắc Giang có nhiều lợi thế để phát triển du lịch lịch sử nhưng chưa khai thác hết. Ví dụ khu du lịch Yên Thế gắn với cuộc khởi nghĩa Yên Thế - một trong những dấu mốc lịch sử lớn của Việt Nam nói chung và Bắc Giang nói riêng. Rất nhiều di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa đã được xếp hạng di tích quốc gia không phải nơi nào cũng có.

Du lịch Bắc Giang nên nghiên cứu, tìm ra điểm hấp dẫn, mở rộng không gian trưng bày, sưu tầm các câu chuyện, hình ảnh liên quan đến cuộc khởi nghĩa... Ngoài ra có thể có khai thác thêm các dịch vụ du lịch như cho thuê du lịch, tái hiện hình ảnh nghĩa quân, in sách, tài liệu, tranh ảnh... bán cho du khách.

Tiếp đó, một chuyên gia du lịch cũng đưa ra ý kiến rằng Bắc Giang mong muốn phát triển du lịch cộng đồng nhưng chưa có nhiều hoạt động, dấu ấn cộng đồng trong các sản phẩm du lịch. Đối với các điểm đến mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa bản địa cần có những câu chuyện hấp dẫn du khách. Du lịch cộng đồng có 2 điểm cốt lõi và cần gắn với tài nguyên sinh thái môi trường và đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương. Tuy nhiên cả 2 điểm này đều còn yếu nên du lịch cộng đồng Bắc Giang chưa tạo được dấu ấn riêng biệt để lại ấn tượng với du khách.

Với mong muốn phát triển du lịch miệt vườn gắn với các vườn, đồi cây ăn quả đặc sản cùng vùng như vải thiều, ổi, bưởi, cam, chuối... nhưng Bắc Giang chưa có nhiều hoạt động quảng bá rộng rãi đến với du khách. Ngoài các tour doanh nghiệp lữ hành đang khai thác, du khách có nhu cầu tìm đến các miệt vườn như địa chỉ, chỉ dẫn đường đi, chi phí,... đều khá khó khăn vì chưa có nhiều thông tin cung cấp.

bacgiang29-1699696796.jpg
Một số ý kiến đề nghị chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông vào các khu, điểm du lịch.

Về vấn đề cơ sở vật chất hạ tầng, khu du lịch sinh thái hồ Bầu Tiên là điểm đến mới thu hút sự chú ý của du khách. Tuy nhiên đường đi chưa thật sự thuận tiện. Chưa có các biển báo, chỉ dẫn khiến du khách vô cùng khó khăn trong việc tìm đường để đến điểm du lịch. Từ đây một số ý kiến đề nghị chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn công tác quảng bá, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông vào các khu, điểm du lịch.

Một trong những điểm khiến du lịch Bắc Giang chưa hấp dẫn chính là thiếu hoạt động về đêm. Ở đây chưa có các trung tâm thương mại lớn hay các khu vui chơi... nên du khách đến đây ít có trải nghiệm về đêm. Từ đó du khách không mấy mặn mà về lựa chọn qua đêm và thường đi về trong ngày. Trước những đóng góp vô cùng tâm huyết của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành có uy tín, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang bày tỏ lời cảm ơn và mong nhận được sự hỗ trợ, đồng hành cùng thúc đẩy, phát triển du lịch tỉnh.

Đoàn Hòa