Cảnh báo nhóm thực phẩm dễ gây ngộ độc Botulinum

Ở điều kiện thuận lợi, vi khuẩn C. botulinum trong thức ăn chế biến, đóng gói, đóng hộp, bao kín... sẽ sản sinh độc tố botulinum. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn chưa biết độc tố này nguy hiểm đến mức nào và thường có trong những thực phẩm nào để phòng tránh. Mới đây, cơ quan An toàn thực phẩm TP.Thủ Đức (TP.HCM) khuyến cáo người dân cần chú ý vấn đề an toàn thực phẩm.

ngo-doc-1684745055.jpgBác sĩ thăm khám cho bệnh nhi bị ngộ độc đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Ảnh: NLD

Botulinum là gì?

Botulinum là chất độc vô cùng khủng khiếp, đặc biệt là độc tính thần kinh rất cao. Chỉ một lượng siêu nhỏ độc tố cũng có thể gây ngộ độc, nguy hiểm tính mạng. Cụ thể, 1mg có thể giết chết 200 triệu con chuột và chưa cần đến 0,000001g có thể gây chết người, 1kg có thể gây tử vong 1 tỷ người.

Botulinum có mấy dạng?

Có 7 dạng độc tố botulinum khác nhau, từ A - G. Trong đó, có 4 loại thường gây ngộ độc ở người là: A, B, E và F. Con người thường bị nhiễm độc botulinum do ăn phải thực phẩm chế biến không đúng cách, khiến cho vi khuẩn hoặc bào tử sinh sôi và tạo ra độc tố. Ngoài ra, ngộ độc botulinum cũng có thể xuất hiện do hít phải khí hoặc do nhiễm trùng vết thương.

Nhóm thực phẩm nào dễ gây ngộ độc Botulinum?

Độc tố botulinum do vi khuẩn Clostridium botulinum gây ra. Trong môi trường không khí bình thường, vi khuẩn này không thể phát triển nhưng sẽ tái hoạt động khi ở môi trường yếm khí (không có không khí, nồng độ oxy rất thấp). Việc này sẽ phá vỏ bao bào tử để sản sinh ra botulinum.

- Các sản phẩm thịt chế biến sẵn: dù có được đóng hộp hay không, các loại thịt chế biến sẵn được xem là một trong những môi trường lý tưởng hàng đầu để vi khuẩn C. botulinum sinh sôi và gây hại cho con người. Trong khi đó, chúng ta lại thường xuyên tiêu thụ giăm bông, xúc xích, giò chả…

- Các loại rau củ lên men: lên men là một trong những phương pháp chế biến hoặc bảo quản rau củ rất phổ biến, nhất là ở các quốc gia Châu Á. Ví dụ như: dưa muối, cà muối, kim chi, natto… Tuy nhiên, rau củ lên men cũng rất dễ trở thành con đường khiến độc tố botulinum xâm nhập và gây nguy hại cho con người. Đặc biệt là nếu quy trình lên men không đảm bảo vệ sinh hoặc để quá lâu ngày.

- Các thực phẩm không được nấu chín trước khi ăn hoặc nấu chín nhưng để lâu dẫn đến bị ôi, thiu cũng có thể gây ngộ độc. Hay khi tự đóng gói thực phẩm tại nhà, nhất là nếu chưa chế biến kỹ lưỡng hoặc bảo quản trong tủ lạnh sai cách cũng rất dễ gây ngộ độc botulinum.

- Đồ hộp, đóng gói sẵn: do đặc điểm về môi trường kỵ khí và sinh bào tử, lại dễ lây nhiễm qua quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản nên độc tố botulinum rất dễ tồn tại trong các loại đồ ăn đóng hộp, đóng túi kín. Nhất là thịt, cá, sữa hộp, pho-mát, hải sản…

Ngoài ra, vi khuẩn hoặc bào tử của C.botulinum cũng có thể tồn tại trong ruột cá, ruột gia súc. Vì vậy, nếu ăn các món chế biến từ nguyên liệu này mà chưa chín kỹ, còn sống hay tái thì khả năng bị ngộ độc botulinum là rất cao.

Triệu chứng của ngộ độc botulinum là gì?

Tất cả các triệu chứng của ngộ độc botulinum đều do tê liệt cơ gây ra bởi độc tố. Nếu không được điều trị, bệnh có thể tiến triển xấu dẫn đến tê liệt hoàn toàn một số cơ như cơ hô hấp, các cơ ở cánh tay, chân và thân. Trong bệnh ngộ độc thực phẩm, các triệu chứng thường bắt đầu từ 18 đến 36 giờ sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm.

-Các dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc botulinum có thể bao gồm: Khó nuốt, yếu cơ, nhìn đôi, sụp mí mắt, mờ mắt, nói lắp, khó thở, khó cử động mắt. Bên cạnh đó, các dấu hiệu và triệu chứng trong ngộ độc thực phẩm cũng có thể có bao gồm: Nôn mửa, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.

-Các dấu hiệu và triệu chứng ở trẻ sơ sinh có thể bao gồm: Táo bón, bú kém, sụp mí mắt, chậm phản ứng với ánh sáng, khuôn mặt ít biểu cảm hơn bình thường, tiếng khóc yếu nghe khác với bình thường, khó thở.

Lưu ý: Người bị ngộ độc botulinum có thể không có tất cả các triệu chứng này cùng một lúc. Nếu có các triệu chứng ngộ độc botulinum, hãy đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Phòng ngộ độc botulinum thế nào?
Giai đoạn đầu tiên: Khi mua thực phẩm tươi sống, hoặc khi làm thức ăn đóng chai lọ, người chế biến phải được thực hiện trong môi trường sạch, tránh bụi bẩn, đất cát bám vào, tránh sự nhiễm khuẩn.
Giai đoạn thứ hai: Ở khâu đóng gói, người dân không nên đóng kín thức ăn nếu không có kỹ thuật khử khuẩn an toàn như các nhà sản xuất. Tại nhà, người dân có thể bảo quản với độ chua hay độ mặn của thức ăn trên 5%, dùng 5g muối/100g thức ăn. Ở môi trường quá mặn, vi khuẩn không phát triển được.
Giai đoạn thứ ba: Khi sử dụng thức ăn, người dân phải xem kỹ hạn dùng trên hộp, bao bì. Đó là khoảng thời gian đảm bảo không có vi khuẩn phát triển. Tuyệt đối không ăn thực phẩm quá hạn sử dụng hoặc hộp bên ngoài đã biến dạng, vì không chỉ botulinum mà các loại vi khuẩn khác cũng có thể gây nhiễm độc, sinh ra khí làm móp méo hộp đồ ăn.