Phải chi trả 208.000 đồng cho chiếc bánh mì
Sự việc bắt nguồn từ việc chị Nguyễn Ngọc Trà My (TP.HCM) đã phải chi trả 208.000 đồng cho một chiếc bánh mì kẹp thịt heo xá xíu, ít rau dưa, nặng khoảng 200gram, tại sân bay Nội Bài.
Không chỉ dừng lại ở đó, chị My còn chia sẻ về một bữa ăn khác tại sân bay Tân Sơn Nhất, nơi chị phải bỏ ra 560.000 đồng cho một bát phở và một suất cơm gà mà theo chị nhận định là "chất lượng không tương xứng với giá tiền".
Theo chị My, mức giá dịch vụ ăn uống tại các sân bay Việt Nam cao hơn so với những sân bay ở các quốc gia khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore hay Indonesia – những nơi mà mức sống và thu nhập trung bình của người dân cao hơn Việt Nam.

Sau khi bài viết lan truyền trên mạng đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của mọi người. Nhiều người không ngần ngại kể lại những câu chuyện tương tự về việc họ phải chi trả mức giá cao cho một bát mì tôm úp có giá 50.000 đồng, một bát phở gà lên tới 138.000 đồng, thậm chí có người phải trả 930.000 đồng cho ba bát phở, hay một ly cà phê đen "ngót nghét" 200.000 đồng.
Những chia sẻ này không chỉ thể hiện sự bức xúc cá nhân mà còn đặt ra vấn đề lớn về tác động tiêu cực đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Độc giả lo ngại rằng việc "chặt chém" giá cả tại các nhà chờ sân bay quốc tế sẽ khiến du khách có cái nhìn tiêu cực đến hình ảnh, con người Việt Nam. Đặc biệt là gây khó khăn cho chính những người dân trong nước.
Kiên quyết xử lý vi phạm để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, ngày 10/7, Cục Hàng không Việt Nam đã phát đi công văn khẩn, yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng xác minh, làm rõ, đồng thời kiên quyết chấn chỉnh những hành vi vi phạm (nếu có) nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng và chất lượng dịch vụ cho hành khách tại các cảng hàng không.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, trên cơ sở khoản 1 Điều 68 quy định "Doanh nghiệp cảng hàng không quyết định cho tổ chức, cá nhân thuê mặt bằng thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình để cung cấp dịch vụ hàng không, phi hàng không theo quy định" phối hợp với Cảng vụ hàng không miền Bắc xác minh, làm rõ các nội dung phản ánh.
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài kiểm tra việc tuân thủ các quy định tại khoản 5 Điều 70 Nghị định 05/2021/NĐ- CP của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay (Nghị định 05/2021/NĐ-CP) của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phi hàng không tại nhà ga hành khách. Đồng thời, kịp thời chấn chỉnh ngay các nội dung bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp dịch vụ, quyền lợi chính đáng của khách hàng.
Đối với Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo hoạt động cung cấp dịch vụ phi hàng không tại các cảng hàng không; rà soát giá hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là dịch vụ ăn, uống để đảm bảo giá bán tương xứng với chất lượng và không quá cao so mặt bằng chung của hàng hóa, dịch vụ cùng loại.
Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP kịp thời chấn chỉnh ngay các nội dung bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp dịch vụ tại nhà ga hành khách, quyền lợi chính đáng của khách hàng; niêm yết công khai giá; bảo đảm văn minh, lịch sự, chu đáo.
Về phía Cảng vụ hàng không miền Bắc chủ trì, phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài xác minh, làm rõ các nội dung phản ánh; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm (nếu có) theo quy định.
Song song, Cảng vụ hàng không miền Bắc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của khách hàng, chủ trì giải quyết các phản ánh, kiến nghị theo theo trách nhiệm của Cảng vụ hàng không được quy định tại khoản 4, khoản 8 Điều 9, khoản 4 Điều 70 Nghị định 05/2021/NĐ-CP ngày 25/01/2021.

“Ông Trùm” đứng sau chuỗi cửa hàng bán chiếc bánh mì đó là ai?
Theo tìm hiểu, chiếc bánh mì có giá 208.000 đồng được mua tại cửa hàng Big Bowl. Đây là chuỗi cửa hàng thuộc thương hiệu F&B chuyên phục vụ trong sân bay, nằm trong hệ sinh thái Autogill VFS F&B trong đế chế dịch vụ hàng không do IPP Group của “ông vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn.
Autogrill VFS F&B được thành lập từ năm 2013 là liên doanh giữa Autogrill và Công ty Dịch vụ Thực phẩm và Đồ uống Việt Nam.
Hệ sinh thái này không chỉ có Big Bowl (phục vụ phở, bún, bánh mì), mà còn sở hữu loạt thương hiệu khác như Two Tigers, Banh Mi Kep, Saigon Café bar Kitchen, HaNoi Café bar Kitchen… ở khắp các sân bay lớn.
Với việc sở hữu độc quyền tại các vị trí đắc địa nhất tại sảnh chờ các sân bay quốc tế lớn, hệ sinh thái của ông Hạnh Nguyễn dường như không có đối thủ cạnh tranh. Trong 4 năm, từ năm 2015 -2019, doanh thu của Autogill VFS F&B tăng từ 500 tỷ đồng lên hơn 1.150 tỷ đồng, biên lãi gộp từng lên đến hơn 80%, lợi nhuận trước thuế hơn 280 tỷ đồng mỗi năm. Trung bình mỗi ngày thu về hơn 3 tỷ đồng doanh thu và gẫn 800 triệu đồng lợi nhuận.

Tuy nhiên năm 2020 – 2021 khi hoạt động hàng không bị ngừng trệ, doanh thu của doanh nghiệp lao dốc không phanh, chỉ còn 80 tỷ đồng vào năm 2021, lỗ lũy kế 137 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm còn 12 tỷ đồng. Khi du lịch quốc tế phục hồi, hoạt động kinh doanh của hệ sinh thái này cũng hồi sinh mạnh mẽ.
Năm 2022, doanh thu Autogill VFS F&B đạt gần 550 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 65 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng lên 77 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 266 tỷ đồng.
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn là nhà sáng lập, kiêm chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPPG. Cho đến nay, tập đoàn IPPG đã đầu tư và hợp tác đầu tư đưa về đầu tư gần 50 dự án, tạo công ăn việc làm cho 25.000 lao động tại Việt Nam, doanh số hằng năm đạt hơn 12.000 tỷ đồng. Riêng từ năm 2014 – 2024 tổng số tiền thuế Tập đoàn đã đóng lên đến 15.410 tỷ đồng.