Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bún giấm nuốc, bánh bó mứt, bánh tế điều... nét đặc trưng ẩm thực khó quên của xứ Huế

Vừa qua ở tại không gian nhà hàng Mặn Mòi - cơ sở ăn uống đạt Michelin Guide 2024 ở TP.HCM đã tổ chức không gian ẩm thực xứ Huế với chủ đề: “Huế – Nhớ Mạ ta xưa”.

Tại không gian này, các thực khách có thể thưởng thức những món ăn đặc trưng cô đô Huế như: Bún giấm nuốc, bánh canh tôm, bánh bó mứt, bánh tế điều,...

Người Huế ăn bún giấm nuốc ban trưa

Đào Hữu Quý, là người trẻ yêu thích ẩm thực xứ Huế và thường làm clip giới thiệu về văn hóa, ẩm thực, làng nghề Huế trên TikTok. Anh tìm hiểu và mong muốn luôn lan tỏa những câu chuyện dân gian trong ẩm thực của người Huế đến nhiều thực khách ở các vùng miền.

livephoto-05-1-1719221119.jpg
Đào Hữu Quý chia sẻ cách làm món giấm nuốc. Ảnh: MN

Anh chia sẻ về nét độc đáo và kỳ công của món bún giấm nuốc là cách chế biến hai loại nước lèo. Một loại được nấu từ gan kết hợp với tương bần, đậu phộng cùng mè và một loại từ cá bống thệ sông Hương. 

Người Huế kết hợp hai loại nước lèo này cùng với bún và các nguyên liệu như: nuốc, chả cua giã tay, tôm, thêm chút bánh tráng, rau sống, tương ớt cay nồng đặc trưng của Huế để tạo ra món bún giấm nuốc có vị chua ngọt thanh. Hữu Quý chia sẻ món bún giấm nuốc được xem là thức quà quý, là món ăn dành cho giới quý tộc khi xưa ở Huế. 

z5568349896415-c4e46d89a4b696b94c9d8b5970426e75-1-1719221294.jpg
Nguyên liệu làm món giấm nuốc. Ảnh: NT

“Con nuốc là lộc trời ban vì mỗi năm theo mùa người dân chỉ được ăn một lần vào đúng mùa hè ở các vùng nước lợ của Huế. Vì vậy, đây cũng gọi là món ăn mùa hè" - anh nói. 

Theo Hữu Quý, bún giấm nuốc có tính hàn, ăn vào sẽ mát người. Vậy nên, người Huế thường ăn món này sau giờ trưa. 

Ẩm thực Huế phong phú của các loại bánh ngọt và chè

Bên cạnh những món ăn được chế biến làm bữa chính thì ẩm thực Huế không thể không nhắc đến sự phong phú của các loại bánh ngọt và chè. Tại không gian thưởng thức ẩm thực xứ Huế, còn tái hiện cách làm bánh bó mứt, một món bánh dân gian thường được làm vào các dịp tiệc lớn, giỗ ông bà hay đơn giản khi trong vườn nhà người Huế có nhiều trái cây được mùa chín rộ, mấy mạ thấy tiếc vì không ăn hết thì sẽ đem làm bánh, hoặc cuối năm khi trong nhà làm mứt đón tết có những thứ mứt vụn còn dư cũng sẽ được tận dụng làm bánh bó mứt.

befunky-collage-2024-06-24t163350852-1-1719221681.jpg
Bánh bó mứt (bên trái) và nguyên liệu làm bánh bó mứt (bên phải). Ảnh: NT

Quý giải thích để bó món bánh này, người Huế sẽ không dùng găng tay mà dùng tay trần của mình để cảm nhận nhiệt từ bánh. Mứt thì dùng 6 loại, trong đó có 3 loại mứt khô, 3 loại mứt ướt…

Tùy vào từng mùa mà sử dụng loại trái cây có sẵn của địa phương để làm mứt, độ đường cho từng loại mứt cũng khác nhau. Trái cây cắt sợi và ngâm với đường trong 8 tiếng, rim mứt với lửa liu riu đến khi mứt cạn nước, để mứt nguội.

Bột được dùng là loại bột làm từ gạo nếp ngon nhất xứ Hương Vinh, được đem rang cùng lá dứa cho thơm và xay ra thật mịn.

Khi làm, người Huế sẽ rải một lớp bột nếp, chọn loại mứt mà mình thích (cần để nhân có sự cân bằng giữa mứt khô và mứt ướt) vừa trộn bột vừa bó bột và nhân lại đến khi mứt bên trong và ngoài có độ ráo và quyện với nhau. Sau khi xong công đoạn gói sẽ cắt thành miếng vuông, và gói lại bằng giấy kiếng.

thongmedia-003-1-1719221856.jpg
Bánh sau đó được đặt trong chiếc hộp ngũ sắc - mang yếu tố ngũ hành đặc trưng của văn hóa Phương Đông. Ảnh: MN

Không chỉ được thưởng thức các loại bánh thơm ngon đặc trưng xứ Huế, tại chương trình ẩm thực "Huế - Nhớ Mạ ta xưa", thực khách còn được thưởng vị trà mộc liên đặc sản nổi tiếng và tham gia trải nghiệm xếp hộp giấy ngũ sắc xinh xắn dùng để đựng trà bánh theo kiểu truyền thống Huế.

z5568349796683-dbb066172a1cf818dc694f9589118a5e-1-1719221908.jpg
Bánh tế điều có hương vị thơm đặc trưng từ bột hạt sen khô. Ảnh: NT
z5568349878549-f5e3bc37fad9599d658043a5b8860459-1-1719222085.jpg
Bánh tế điều được đóng gói cẩn thận. Ảnh: NT

Nhắc đến đất Huế không chỉ với sông Hương, núi Ngự, với lăng tẩm đền đài mà còn là những bàn tay tài hoa, khéo léo đã tạo ra một nét ẩm thực đặc trưng bao gồm ẩm thực cung đình, ẩm thực dân gian, ẩm thực chay, mang đậm màu sắc của vùng đất mến thương.

Món ăn Huế có hương vị rõ ràng và đậm đà, bởi người Huế coi món ăn như triết lý nhân sinh của cuộc đời vớ đủ các vị từ mặn, ngọt, béo, bùi đến chua, chát, đắng, cay nhưng vị nào luôn rõ vị ấy. 

Có thể nói, người Huế đến với ẩm thực không theo cái nghĩa sinh học giản đơn, mà thưởng thức bằng cả khứu giác, thị giác và cả thính giác. Ẩm thực Huế mang đến dấu ấn riêng với vẻ đẹp của sự tao nhã, tinh tế và đa dạng, từ ẩm thực cung đình đến ẩm thực dân gian.

Trong gian bếp, ẩm thực xứ Huế gắn liền với người phụ nữ, với “mạ” - tiếng gọi mẹ người miền Trung. Bởi họ là những người được trao truyền các bí quyết nấu nướng từ các bà các mẹ theo truyền thống gia đình. Các thế hệ nối tiếp nhau, họ gìn giữ nét đẹp của ẩm thực Huế qua mỗi bữa ăn hàng ngày. Chính điều đó mà những người con xứ Huế dù đi đâu, làm gì cũng không thể quên mùi bếp thân thương của mạ mình.

Hải Ngân