Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Báo quốc tế khen ngợi cách làm du lịch của Cù Lao Chàm: Khai thác có trách nhiệm, ưu tiên bảo tồn

Trong khi Hội An có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng quá tải lượng khách du lịch, thì Cù Lao Chàm đang nỗ lực làm du lịch theo hướng bền vững, ưu tiên việc bảo tồn, hỗ trợ hệ sinh thái của đảo nhiều hơn, theo tờ SCMP.

Nổi tiếng bởi vẻ đẹp kiến trúc truyền thống, hài hòa của những ngôi nhà cổ, những bức tường và cả những con đường, Hội An - di sản được UNESCO công nhận đã trở thành điểm đến “nhất định phải ghé thăm” của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chính điều này đã tạo nên áp lực lớn cho Hội An khi dân số tại khu phố cổ chỉ khoảng 120.000 người nhưng lại đón tới 4 triệu lượt khách mỗi năm. 

Nhận thấy những nguy cơ mà Hội An phải đối mặt khi lượng khách bùng nổ, đảo Cù Lao Chàm - điểm đến cách phố cổ không xa đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để tránh tình trạng “quá tải” như tiếp cận du lịch một cách điều độ, ưu tiên việc bảo tồn, hỗ trợ hệ sinh thái của đảo nhiều hơn.

z5m5qyxj-1716743141.jpg
Đảo Cù Lao Chàm với làn nước trong xanh. Ảnh: Daily travel

Giới thiệu về Cù Lao Chàm, SCMP cho hay hòn đảo này cũng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển vào năm 2009. Đồng thời cũng là môi trường sống của hơn 270 loài san hô, 250 loài cá, động vật giáp xác và gần 100 loại động vật thân mềm. Đặc biệt, Cù Lao Chàm còn được gọi là "kỳ tích bảo tồn" khi người dân địa phương đều có ý thức trong việc chung tay loại trừ rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và khai thác có trách nhiệm, không đánh bắt quá mức ở vùng nước xung quanh.

Bà Lê Ngọc Thảo, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Biển (MPA) của đảo cũng chia sẻ rằng: “Việc thuyết phục ngư dân ngừng đánh bắt ở các rạn san hô và chấp nhận bảo vệ môi trường đánh bắt theo hướng bền vững thật sự không dễ dàng. Chúng tôi đã thuyết phục người dân rằng họ sẽ có khoảng thu nhập tốt hơn nếu dẫn du khách đi lặn biển ngắm rạn san hô nguyên sơ với đàn cá bơi xung quanh".

Sau cùng, ngư dân tại địa phương đã đồng ý với phương án dùng thuyền để chở khách du lịch và cho phép MPA hoạt động, bảo vệ các rạn san hô đang bị tẩy trắng trước tình trạng nước ấm lên toàn cầu. Hòn đảo cũng là điểm đến duy nhất tại Việt Nam nói không với túi nhựa và triển khai các chương trình 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) từ năm 2011 cùng chống nạn đánh bắt quá mức trong nhiều thập kỷ.

lan-san-ho-tour-cu-lao-cham-1716743208.jpg
Hoạt động lặn ngắm san hô tại Cù Lao Chàm. Ảnh: Vietnam24hr

Ngoài ra, đảo còn áp dụng một số quy định khắt khe nhằm giảm thiểu hoạt động khai thác quá mức loài cua đất, và đặt ra giới hạn lượt khách đến đảo là 3.000 người một ngày. Dần dần, công tác bảo tồn và cách tiếp cận du lịch theo hướng bền vững đã phát huy hiệu quả khi hòn đảo này ghi nhận số lượng loài cá đã tăng lên và được công nhận là một trong những hòn đảo sạch nhất tại Việt Nam.

Bên cạnh sự phát triển bền vững tại đảo, các chuyên gia cũng đánh giá Hội An đang có nguy cơ phát triển theo hướng ngược lại. Đặc biệt, những năm gần đây, các chuyến du lịch trải nghiệm bằng thuyền thúng trên sông Thu Bồn ngày càng tăng cao, một số chủ thuyền và nhà điều hành tour còn phục vụ du khách hát karaoke bằng cách trang bị các thiết bị trên thuyền, điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến bộ phận dân cư. Tháng 11/2023, chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng đã ban lệnh cấm hát karaoke ở rừng dừa nước Bảy Mẫu và khu du lịch gần Hội An, nhằm hạn chế tiếng ồn.

coconut-jungle-basket-boat-ride-tickets-4707d092-9279-4450-b6f4-7aa9bf0df7a7-1716743472.jpg
Du khách trải nghiệm rừng dừa Bảy Mẫu trên chiếc thuyền thúng. Ảnh: Traveloka.

Giờ đây, các công ty lữ hành bán tour chủ yếu ít cho du khách tham gia các chuyến du lịch sinh thái vào buổi sáng, thay vào đó là tập trung vào buổi chiều để có thể tiệc tùng. Tuy nhiên theo nhìn nhận của người dân nơi đây, thay đổi này là "con dao hai lưỡi" của du lịch hiện đại.