Bàn về chiến lược phát triển du lịch Bình Dương nhìn từ đặc điểm văn hóa Việt Nam và kinh nghiệm thế giới

Trên cơ sở phân tích thực trạng du lịch Bình Dương với 2 điểm mạnh và 5 điểm yếu, bài viết đưa ra cái nhìn tổng quan về chiến lược phát triển du lịch Bình Dương, đặt trong bối cảnh đặc điểm văn hóa Việt Nam truyền thống (để lý giải) và trong sự so sánh với kinh nghiệm thế giới (để tham khảo kinh nghiệm), và được thực hiện thống nhất theo ba trục: không gian, chủ thể, và thời gian. Đóng góp chủ yếu là 5 nguyên tắc chiến lược giúp khắc phục 5 điểm yếu và phát huy tối đa 2 điểm mạnh, phát huy tác dụng của bộ khung pháp lý mà Quy hoạch và các đề án phát triển du lịch với tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh thông qua.

 Bàn về chiến lược phát triển du lịch của một địa phương theo hướng nâng cao sức cạnh tranh và hướng đến phát triển bền vững nhìn từ đặc điểm văn hóa Việt Nam truyền thống và kinh nghiệm thế giới là một đề tài lớn. Tuy nhiên, với du lịch Bình Dương thì đây là việc không thể trốn tránh. Bởi lẽ để có chiến lược phát triển hợp lý thì rất cần phải có một cái nhìn tổng quan, nhất là trong tình trạng sự đánh giá về du lịch Bình Dương quá đa dạng, có nhiều ý kiến trái chiều. Cái nhìn tổng quan từ thực trạng đến chiến lược này được chúng tôi đặt trong bối cảnh đặc điểm văn hóa Việt Nam truyền thống (để lý giải) cũng như trong sự so sánh với kinh nghiệm thế giới (để tham khảo), và xem xét theo ba bình diện: không gian, chủ thể, và thời gian.
1. Thực trạng du lịch Bình Dương, điểm yếu và điểm mạnh

  Thực tế hơn chục năm qua cho thấy du lịch Bình Dương đã bắt đầu khởi sắc, số lượng du khách đến Bình Dương tăng nhanh. Thực tế này dẫn đến tình trạng đây đó có không ít những cái nhìn lạc quan thái quá, đánh giá quá cao tiềm năng và tài nguyên du lịch của Bình Dương. Có người thậm chí đã ví du lịch Bình Dương “như một “mỏ vàng” đã bắt đầu phát lộ”! (Báo Bình Dương, 2018). Để xây dựng một chiến lược phát triển theo hướng nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững thực sự, chúng ta không thể bằng lòng với cái nhìn lạc quan ru ngủ mà cần phải tỉnh táo đánh giá đúng thực trạng. 

1.1. Thực trạng du lịch Bình Dương xét theo không gian
   Xét theo không gian, có thể thấy thực trạng du lịch Bình Dương có hai điểm yếu và một điểm mạnh.
1.1.1. Điểm yếu thứ nhất về không gian: Các điểm đến nhỏ lẻ, phân tán
  Nhiều người (kể cả một số nhà nghiên cứu) thường kể ra một danh sách dài các di tích, điểm đến. Bản đồ du lịch do Trung tâm Xúc tiến Du lịch Bình Dương phát hành lần thứ 2 năm 2017 thể hiện 22 trong số 56 di tích lịch sử - văn hóa và 19 điểm đến tiêu biểu. Ngoài khu du lịch Đại Nam, các điểm đến còn lại đều nhỏ lẻ và phân bố rải rác ở các đơn vị hành chính trong tỉnh. Điểm yếu này chính là nguyên nhân gây nên tình trạng “sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lắp, thiếu quy chuẩn, chất lượng chưa cao” (Sở VHTTDL Bình Dương, 2010, tr. 48).
Việc các điểm đến nhỏ lẻ, phân tán dẫn đến hệ lụy là du khách phải di chuyển nhiều. Mà Việt Nam lại là một dân tộc làm nông nghiệp quen sống định cư với độ ổn định rất cao (trước đây nhiều người cả đời không ra khỏi làng), giao thông do vậy là lĩnh vực thuộc loại kém phát triển nhất. Việc điểm đến nhỏ lẻ, phân tán; du khách phải di chuyển nhiều, mà tâm lý chung của du khách Việt Nam là ngại di chuyển, trong khi giao thông thì xấu, kém; là trở ngại rất lớn cho phát triển du lịch Bình Dương.
1.1.2. Điểm yếu thứ hai về không gian: Giá trị thấp, sức cạnh tranh yếu
  Không chỉ nhỏ lẻ và phân tán, tiềm năng và tài nguyên du lịch của Bình Dương còn có giá trị thấp, sức cạnh tranh yếu. Theo “Báo cáo tổng hợp Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” thì vị trí và vai trò của du lịch Bình Dương trong nền kinh tế của tỉnh trong các năm 2000-2010 khá mờ nhạt, tỷ trọng của du lịch Bình Dương trong GDP của tỉnh không vượt mức 0,7-0,8% (Sở VHTTDL Bình Dương, 2010, tr.20), x. bảng 1. 
Bảng 1: Vị trí và vai trò của Du lịch Bình Dương 

bang-1-1685411668.png Nguồn: Sở VHTTDL Bình Dương (2010, tr.20).

  So với mức đóng góp trực tiếp của du lịch Việt Nam trong nền kinh tế quốc dân thì đóng góp trực tiếp của du lịch Bình Dương đối với kinh tế Bình Dương thuộc loại rất thấp, chỉ bằng khoảng 1/6 lần. Theo báo cáo thường niên “Travel & Tourism Economic Impact 2018 Vietnam” của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (World Travel & Tourism Council, WTTC) thì đóng góp trực tiếp của du lịch Việt Nam cho GDP quốc gia trong các năm 2010-2018 tương đối ổn định ở mức gần 6%, còn tổng đóng góp (bao gồm đóng góp trực tiếp, gián tiếp và phát sinh) thì ổn định ở mức trên 9% (WTTC Vietnam, 2018, tr.3), x. hình 1. 

hinh-1-1685411722.png Hình 1: Đóng góp trực tiếp (trái) và Tổng đóng góp (phải) của du lịch Việt Nam cho GDP quốc gia hiện nay. Nguồn: WTTC Vietnam (2018, tr.3)

  Sự khác biệt này là dễ hiểu, bởi lẽ tiềm năng và tài nguyên du lịch của Bình Dương thấp hơn so với tiềm năng và tài nguyên du lịch của Việt Nam nói chung và nhiều tỉnh thành xung quanh Bình Dương nói riêng rất nhiều lần. Về mặt du lịch tự nhiên, trong vùng Đông Nam Bộ, thay vì đi Bình Dương để đến hồ Dầu Tiếng và quần thể núi Cậu - hồ Dầu Tiếng còn đang ở dạng tiềm năng thì xác suất cao hơn là du khách sẽ chọn đi Vũng Tàu tắm biển. Xét trong toàn miền Nam Bộ, thay vì đi Bình Dương để ngắm cảnh quan sông nước cùng các miệt vườn cây trái ven sông Sài Gòn và sông Đồng Nai thì xác suất cao hơn là du khách sẽ chọn đi ngắm vùng sông nước và các miệt vườn cây trái Tây Nam Bộ. Về mặt du lịch nhân văn, chắc hẳn nhà tù Phú Lợi, địa đạo Tam giác sắt Tây Nam Bến Cát, chùa Hội Khánh, lễ hội chùa Bà Thiên Hậu... của Bình Dương không thể tạo nên sức hút mạnh bằng địa đạo Củ Chi của Tp. Hồ Chí Minh hay Tòa thánh Cao Đài, lễ hội núi Bà Đen của Tây Ninh. Tuy Việt Nam sở hữu một nguồn tài nguyên du lịch có giá trị cao (cả tự nhiên lẫn nhân văn), nhiều về số lượng và phong phú về chủng loại. Trên thế giới ít có những quốc gia giàu có như vậy. Cho nên dễ hiểu là mức đóng góp trực tiếp của du lịch Việt Nam cho GDP gần 6% cao hơn gấp hai lần so với mức đóng góp của du lịch thế giới là trên 3% (WTTC World, 2018, tr.3). 

  Đáng tiếc là Bình Dương thuộc số ít địa phương không được hưởng những ưu ái này của thiên nhiên và cha ông. Tiềm năng và tài nguyên du lịch của Bình Dương vừa nhỏ lẻ và phân tán, lại vừa có giá trị thấp, sức cạnh tranh yếu cho nên dễ hiểu là tại sao Bình Dương “thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù có thể tạo thành động lực nâng tầm thương hiệu cho du lịch Bình Dương thu hút khách” (Sở VHTTDL Bình Dương, 2010, tr. 2). “Đề án Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” cũng nhận định: “Nhìn chung hệ thống sản phẩm du lịch Bình Dương còn hạn chế, nghèo nàn” và “không có tài nguyên du lịch nổi bật, có giá trị đặc biệt hấp dẫn khách du lịch, vì thế khó hình thành được các sản phẩm du lịch đặc trưng” (Đề án Phát triển, 2013, tr.1, 3).
1.1.3. Điểm mạnh về không gian: Có vị trí gần Tp. Hồ Chí Minh và các sân bay quốc tế lớn
  Bù lại hai điểm yếu vừa nêu, xét theo không gian, du lịch Bình Dương có một điểm mạnh là có vị trí gần Tp. Hồ Chí Minh và các sân bay quốc tế lớn (Tân Sơn Nhất hiện nay và Long Thành trong tương lai). Với vị trí này, Bình Dương có thể khai thác nguồn du khách nội địa đến từ Tp. HCM vốn có nhu cầu lớn về các sản phẩm dịch vụ du lịch nghỉ cuối tuần, du lịch sinh thái. Cùng với đó là số lượng du khách quốc tế đến từ hai khu vực đứng thứ nhất và thứ nhì thế giới về tốc độ tăng trưởng du lịch là thị trường Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Tuy nhiên, vị trí gần Tp. Hồ Chí Minh này cũng đồng thời là một thách thức lớn, bởi lẽ nếu không phát triển đáp ứng các nhu cầu thì du lịch Bình Dương không những không thu hút được lượng khách đến từ Tp. Hồ Chí Minh mà, ngược lại, còn tự đánh mất cả lượng khách quốc tế nội tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp ở Bình Dương như đang diễn ra hiện nay (phần lớn số khách này đều về Tp. Hồ Chí Minh để nghỉ cuối tuần).
1.2. Thực trạng du lịch Bình Dương xét theo chủ thể
  Chủ thể của hoạt động du lịch là con người – người làm du lịch trực tiếp và gián tiếp. Xét theo chủ thể, có thể thấy thực trạng kinh tế du lịch Bình Dương cũng có hai điểm yếu và một điểm mạnh.
1.2.1. Điểm yếu thứ nhất về chủ thể: Chủ yếu mang tính khai thác, lệ thuộc vào tài nguyên
  Xét về bản chất, Việt Nam là một nền văn hóa nông nghiệp lúa nước phụ thuộc ở mức độ cao vào tự nhiên, do vậy cần liên kết với nhau, tạo nên tính cộng đồng làng xã mạnh. Về mặt tự nhiên, Việt Nam tọa lạc ở một khu vực giàu tài nguyên, được thiên nhiên ưu đãi. Về mặt xã hội, do tính cộng đồng làng xã mạnh nên con người Việt Nam luôn được xã hội, gia đình bảo bọc. Hai đặc điểm này dẫn đến nhược điểm là người Việt Nam thường có thói quen dựa dẫm, ỷ lại (Trần Ngọc Thêm, 2016, tr. 311-314). Thói quen này phản ánh rõ nét trong du lịch ở Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng: Trong khi ở nhiều quốc gia, các sản phẩm du lịch được xây dựng từ không nên có, thì ở Việt Nam, hoạt động du lịch thường thiên về khai thác những tài nguyên có sẵn mà ít quan tâm sáng tạo, bổ sung các giá trị gia tăng.

  So sánh đóng góp trực tiếp của du lịch cho GDP ở các quốc gia, ta thấy trong khi Thái Lan (hình 2 trái) có tốc độ tăng trưởng du lịch rất ngoạn mục thì Việt Nam nói chung (hình 1 trái) và Bình Dương nói riêng (bảng 1) vẫn đi ngang một cách ổn định. So sánh tổng đóng góp của du lịch cho GDP, ta cũng thấy trong khi tỷ lệ đóng góp chủ yếu của Thái Lan thuộc về phần đóng góp gián tiếp (hình 2 phải) thì ở Việt Nam thuộc về phần đóng góp trực tiếp (hình 1 phải). Dịch vụ của các nhà vườn ở Bình Dương (như nhà vườn Hồng Vân, xã Hưng Định, TX. Thuận An) hay các thương hiệu ẩm thực được xem là nổi tiếng (như bánh bèo bì Mỹ Liên ở đường Thích Quảng Đức, Thủ Dầu Một) hoàn toàn mới dừng lại ở việc khai thác tài nguyên mà thiếu sự gia công tạo nên những giá trị gia tăng đem lại niềm vui và sự hài lòng cho du khách.

hinh-2-1685411815.png Hình 2: Đóng góp trực tiếp (trái) và Tổng đóng góp (phải) của du lịch Thái Lan cho GDP Quốc gia hiện nay. Nguồn: WTTC Thailand (2018, tr.3)

1.2.2. Điểm yếu thứ hai về chủ thể: Chủ yếu mang tính cá nhân, thiếu sự hợp tác
  Theo luật âm cực sinh dương, cộng đồng quá có thể hóa thành cá nhân: Tính cộng đồng làng xã quá mạnh đã khiến cho mỗi làng Việt Nam xưa trở thành một vương quốc riêng. Khi ra khỏi cái cộng đồng nhỏ của mình, mỗi người Việt Nam thường trở thành một ông trời con, không ai hợp tác được với ai. Tình trạng này đến tận bây giờ vẫn không thay đổi (Trần Ngọc Thêm, 2016, tr. 176).
Chính tính cá nhân, thiếu sự hợp tác này là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt bất cập mà “Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã chỉ ra: Một số khu vực đang phát triển tự phát với quy mô nhỏ lẻ, ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững và thương hiệu du lịch của Bình Dương; Hoạt động kêu gọi đầu tư phát triển du lịch theo quy hoạch còn chậm, chưa đạt hiệu quả cao; Cơ cấu đầu tư du lịch chưa cân đối, do đó sản phẩm du lịch đơn điệu, nghèo nàn; Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lắp, thiếu quy chuẩn, chất lượng chưa cao; Đội ngũ lao động chuyên nghiệp, lực lượng quản lý và các chuyên gia đầu ngành du lịch đang thiếu (Sở VHTTDL Bình Dương, 2010, tr. 2, 48). Ngay khi đến với khu du lịch Đại Nam, ta cũng chỉ thấy dấu ấn cá nhân của doanh nhân Huỳnh Uy Dũng. Khi xây dựng công trình này, ông từng bị xem là kẻ “mơ mộng, điên rồ, ngông cuồng, kiêu kỳ”. Sự thiếu tinh thần hợp tác đó đã khiến ông sau này tự đánh giá là “cảm thấy bị tổn thương và tức giận” (T.A (tổng hợp), 2014).
1.2.3. Điểm mạnh về chủ thể: Có chỗ dựa là tỉnh phát triển đô thị - công nghiệp, có tiềm lực kinh tế dồi dào, năng lực quản lý và điều hành tốt
  Bù lại hai điểm yếu trên, kinh tế du lịch Bình Dương có một chỗ dựa rất cơ bản và quan trọng: Đây là tỉnh có tốc độ và quy mô phát triển đô thị và công nghiệp nhanh và lớn nhất cả nước, có năng lực quản lý và điều hành tốt. Theo xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Việt Nam năm 2017, Bình Dương đứng thứ 14/63 với 64,47 điểm; đứng đầu cả nước về cơ sở hạ tầng, thuộc nhóm 21 tỉnh có chất lượng điều hành “khá”. Xét riêng trong khu vực Đông Nam Bộ, Bình Dương xếp thứ 2 về thứ bậc và tổng số điểm, chỉ sau Tp. Hồ Chí Minh (PCI Việt Nam, 2017, tr. 26, 36, 40).
  Trong trường hợp nếu Bình Dương có tiềm năng du lịch lớn và nguồn tài nguyên du lịch đáng kể thì đặc điểm này sẽ trở thành bất lợi cho việc phát triển du lịch của tỉnh, bởi lẽ hình ảnh một “chàng” khổng lồ về kinh tế chắc hẳn sẽ lấn át hình ảnh một “nàng” du lịch kiều diễm. Song tình trạng hiện nay hoàn toàn ngược lại: Bình Dương là tỉnh có tiềm năng và nguồn tài nguyên du lịch thuộc loại yếu kém, trong khi chính quyền tỉnh lại có sự quan tâm rất lớn đến việc phát triển du lịch. Cùng với đó, lãnh đạo ngành có quyết tâm cao. “Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” xác định: “Từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần thay đổi diện mạo của Thành phố mới Bình Dương” (Sở VHTTDL Bình Dương, 2010, tr. 85). Trong năm 2013, UBND Tỉnh đã thông qua hai đề án quan trọng về “Tuyên truyền quảng bá, Xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020” (Đề án Tuyên truyền, 2013) và “Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” (Đề án Phát triển, 2013), song đáng tiếc là cho đến nay vẫn chưa đem lại hiệu quả.
Thế mạnh do sự phát triển nhanh theo hướng đô thị hóa và công nghiệp hóa của Bình Dương đem lại cho du lịch là: Thứ nhất, sự tập trung dân số cao tạo nên một thị trường lớn cùng với nhu cầu lớn về du lịch cuối tuần, du lịch vui chơi giải trí, du lịch sinh thái. Thứ hai, môi trường đô thị - công nghiệp luôn tạo nên tính năng động cao ở người dân, kèm theo đó là nhu cầu du lịch và năng lực làm kinh tế du lịch. 
1.3. Thực trạng du lịch Bình Dương xét theo thời gian
  Điểm yếu về thời gian: Chủ yếu làm theo truyền thống, dựa vào thói quen
Xét theo thời gian, có thể thấy Bình Dương có một điểm yếu là về cơ bản vẫn làm du lịch theo cách truyền thống, dựa vào thói quen.
Ở bình diện các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, trừ một số ít cơ sở có phong cách quản lý hiện đại, phần lớn các cơ sở dịch vụ du lịch hạng nhỏ và vừa làm du lịch vẫn mang đậm phong cách nông dân, không khác so với thời mới bắt đầu làm du lịch là bao nhiêu. Ở các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch không chuyên (như đình chùa, làng nghề, nhà hàng...), điểm yếu này lại càng rõ nét.
Ở bình diện quản lý nhà nước, các văn bản mang tính pháp quy về du lịch, tuy về hình thức thể hiện tính chuyên nghiệp cao, nhưng về nội dung thì thường dàn trải, chưa thật tập trung vào đúng trọng tâm, hoặc thiếu tính đột phá, thiếu những mũi nhọn giúp tạo nên những cú hích đưa ngành du lịch đi lên. Đây thực ra cũng là một căn bệnh chung của văn hóa Việt Nam truyền thống mà chúng tôi đặt tên là ‘bệnh hời hợt, thiếu sâu sắc’: “Ngày hôm nay, bệnh hời hợt, thiếu sâu sắc vẫn còn trầm trọng nguyên vẹn như cách đây 100 năm. Nó khiến cho người Việt Nam không phân định được các ranh giới, dễ lan man, hay ôm đồm khiến cho bản thân mệt mỏi, còn công việc thì không chạy” (Trần Ngọc Thêm, 2016: tr. 393).
  Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch hiện nay vẫn còn dựa nhiều vào các phương thức quảng bá truyền thống như in phát các tập gấp, tờ rơi, sách giới thiệu quảng cáo; tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại du lịch, v.v. Các sách giới thiệu mà Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương thực hiện được thiết kế rất công phu, in ấn rất đẹp trên chất liệu giấy cực tốt, chắc hẳn là với chi phí rất tốn kém. 
2. Chiến lược nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững
  Từ thực trạng với 5 điểm yếu và 2 điểm mạnh cơ bản của du lịch Bình Dương như trên, có thể đề xuất một chiến lược phát triển du lịch Bình Dương nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững theo 5 nguyên tắc mà ý tưởng chính là khắc phục 5 điểm yếu cơ bản. Chiến lược này trình bày trong bảng 2.

 

THỰC TRẠNG

NGUYÊN TẮC CHIẾN LƯỢC

Xét theo không gian

Điểm yếu 1: Các điểm đến nhỏ lẻ, phân tán

Nguyên tắc 1: Quy mô hóa, tập trung hóa

Điểm yếu 2: Giá trị thấp, sức cạnh tranh yếu

Nguyên tắc 2: Chuyên đề hóa, tạo sản phẩm du lịch đặc thù

Xét theo chủ thể

Điểm yếu 1: Chủ yếu mang tính khai thác, lệ thuộc vào tài nguyên

Nguyên tắc 3: Phát huy nội lực, gia tăng trí tuệ

Điểm yếu 2: Chủ yếu mang tính cá nhân, thiếu sự hợp tác

Nguyên tắc 4: Tăng cường hợp tác ba nhà: Nhà quản lý - Nhà đầu tư - Nhà khoa học

Xét theo thời gian

Điểm yếu: Chủ yếu làm theo truyền thống, dựa vào thói quen

Nguyên tắc 5: Hiện đại hóa

 Bảng 2: 5 nguyên tắc chiến lược khắc phục 5 điểm yếu của du lịch Bình Dương

2.1. Xét theo không gian 
Nguyên tắc 1: Quy mô hóa, tập trung hóa

  Để khắc phục điểm yếu thứ nhất về không gian là tình trạng “các điểm đến nhỏ lẻ, phân tán”, cần tạo ra được những điểm đến có quy mô lớn, có thể tập trung nhiều loại hình du lịch có liên quan mật thiết với nhau, tạo thành một khu du lịch mà ở đó du khách có thể sử dụng thời gian một cách hiệu quả (đem lại sự thỏa mãn về nhiều mặt) ít nhất là trong suốt một ngày mà không cần phải di chuyển đi nơi khác. Khu du lịch Đại Nam mở cửa đón khách từ năm 2008  là một điểm đến như thế.
Theo hướng này, để bảo tồn và phát triển thương hiệu “Lái Thiêu”, Thuận An có thể xây dựng thành một khu du lịch đủ lớn, kết hợp các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch làng nghề, du lịch ẩm thực, du lịch trải nghiệm... Bên cạnh Đại Nam chủ yếu thu hút phân khúc khách bình dân, nội địa, thì ở phía Tây Bắc có thể tập trung xây dựng vùng hồ Dầu Tiếng - Núi Cậu thành một khu du lịch đủ lớn, tập trung các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, văn hóa, tâm linh... với chất lượng cao, thu hút phân khúc khách cao cấp, khách nước ngoài.
Nguyên tắc 2: Chuyên đề hóa, tạo sản phẩm du lịch đặc thù
  Để khắc phục điểm yếu thứ hai về không gian là “giá trị thấp, sức cạnh tranh yếu” thì chủ trương “hướng đến việc phát triển các khu, điểm du lịch đặc thù làm động lực phát triển du lịch của tỉnh” nêu ra trong “Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (Sở VHTTDL Bình Dương, 2010, tr. 62) là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, dường như chủ trương này chưa được thể hiện một cách thuyết phục trong “Đề án Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”. Ở đây, ta vẫn thấy một bức tranh chung nhiều màu sắc với đủ hết các tài nguyên du lịch cơ bản hiện có, đủ hết các loại hình, các vùng quy hoạch mà thiếu vắng những điểm nhấn để qua đó hiện lên hình bóng của cái độc đáo, cái đặc thù.Để tạo nên được cái độc đáo, đặc thù thì cần thoát khỏi căn bệnh kinh niên của văn hóa âm tính Việt Nam truyền thống là bệnh hời hợt, thiếu sâu sắc (Trần Ngọc Thêm 2016, tr. 389-394). Để không hời hợt thì phải phát triển mạnh tư duy phân tích. 
Chẳng hạn, điểm du lịch Tam giác sắt Tây Nam Bến Cát có một lịch sử phong phú, hiện nay sở hữu một khu đất lớn, được trùng tu tôn tạo từ năm 2004 đến nay, đã xây dựng các tượng đài, phù điêu, mô hình địa đạo, nhà trưng bày, nhà lưu niệm... Song thực tế là nếu đến đây thì chỉ sau chừng nửa tiếng, du khách đã không còn gì để xem. Cảm giác chủ đạo toát lên là sự nghèo nàn, chứ không phải là sự thỏa mãn cần có sau một chuyến đi. Để biến Tam giác sắt Tây Nam Bến Cát thành một điểm du lịch hấp dẫn cần phải thay đổi cách tư duy. Khai thác lợi thế về không gian, có thể xây dựng nơi đây thành một khu du lịch chuyên đề về địa đạo. Một bảo tàng, mà ở đó du khách có thể tìm hiểu về lịch sử địa đạo, kỹ thuật địa đạo, văn hóa địa đạo, đời sống địa đạo... không chỉ của tất cả các địa đạo nổi tiếng ở Việt Nam mà còn của cả các nước khác trên toàn thế giới. Theo một tuyến khác, du khách có thể tìm hiểu và trải nghiệm về cuộc sống của người Bình Dương thời kỳ chống Mỹ. Đi theo hướng chuyên đề hóa như vậy, chắc chắn có thể cạnh tranh được với Củ Chi về một số phương diện và tạo thành một sản phẩm du lịch đặc thù không chỉ của Việt Nam mà còn là của thế giới. Du khách quốc tế chắc chắn sẽ thích nơi này.
2.2. Xét theo chủ thể
Nguyên tắc 3: Phát huy nội lực, gia tăng trí tuệ

  Trong “Bách khoa thư về du lịch”, các tác giả I.V.Zorin và I.V.Kvartalnov định nghĩa sản phẩm du lịch (туристский продукт) bao gồm ba bộ phận chính là tour du lịch, các dịch vụ du lịch - tham quan, và hàng hóa (Зорин И.В., Квартальнов В.А., 2014, tr. 178). Thực ra, nếu nhìn rộng hơn, có thể thấy sản phẩm du lịch là một phức thể các giá trị tinh thần và vật chất mà du khách thu được từ khi bước ra khỏi nhà cho đến khi trở về. Trong đó, giá trị tinh thần (niềm vui, tri thức, sự hài lòng...) là bộ phận quan trọng nhất; ngay cả các giá trị vật chất thu được (như quà lưu niệm) cũng mang ý nghĩa tinh thần. Các giá trị tinh thần này có thể chứa sẵn trong các tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, nhưng cũng có thể được tạo nên từ bàn tay và khối óc của con người. 
Nếu tiếp cận sản phẩm du lịch theo hướng này, có đủ cơ sở để tin rằng, dù với nguồn tài nguyên có giá trị thấp và sức cạnh tranh yếu, Bình Dương vẫn có thể bằng quyết tâm và tài tổ chức, huy động tiềm lực kinh tế và tập trung trí tuệ để xây dựng một nền kinh tế du lịch có sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững. Trên thế giới đã có những quốc gia với hai bàn tay trắng vẫn nuôi sống cả nước chủ yếu bằng du lịch. Trước đây ở Việt Nam chỉ có xài những tài nguyên có sẵn, nhưng sang tk. XXI tình hình cũng đã bắt đầu thay đổi khi có những đại gia nhập cuộc. Khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương, Bái Đính ở Nam Định, Cầu Vàng ở Đà Nẵng là những minh chứng điển hình.
Đi theo hướng này, năng lực trí tuệ sáng tạo phải là yếu tố mang tính quyết định. Người Việt Nam với văn hóa âm tính vốn có sức ỳ lớn, hay làm theo thói quen và a dua theo đám đông, giỏi biến báo nhưng kém sáng tạo. Hãy lấy ví dụ về tượng đài. Người Việt Nam vốn có mặc cảm tự ti, và khi gặp điều kiện thuận lợi, mặc cảm tự ti dễ chuyển thành mặc cảm tự tôn. Gần đây khi kinh tế bắt đầu khởi sắc, các tượng đài ở Việt Nam đua nhau vươn tới những kích thước khổng lồ. Bình Dương không phải là ngoại lệ. Các tượng đài ở khu du lịch Đại Nam còn được dát vàng 24K để tự hào về sự giàu có. Song nếu hỏi du khách rằng sau khi xem những pho tượng như thế, họ đã học hỏi được điều gì thì chắc sẽ khó nhận được câu trả lời. Vì ở khắp nơi ta đều gặp những mô-típ lặp đi lặp lại nhàm chán (Tứ Linh, đức Phật Thích Ca, Phật Bà Quan Âm, Phật Di Lặc - Thần Tài, các vị anh hùng...). Song nếu nhìn sang những pho tượng tại các quảng trường, đường phố, khu du lịch của các nước trên thế giới thì khác hẳn: Các đề tài rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày và đầy sức sáng tạo, luôn mới mẻ, cuốn hút. Chúng buộc người xem phá vỡ mọi lối suy nghĩ rập khuôn, dạy người xem cách khám phá bản thân và thế giới.
Nguyên tắc 4: Tăng cường hợp tác ba nhà
  Tính cá nhân, thiếu sự hợp tác như một nhược điểm lớn phát sinh từ mặt trái của văn hóa Việt Nam truyền thống (điểm yếu thứ hai về chủ thể) là sức cản rất lớn đến mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch. Đến mức doanh nhân Huỳnh Uy Dũng từ chỗ “cảm thấy bị tổn thương và tức giận” vì thiếu sự hợp tác, chế nhạo của thiên hạ đã đi đến chỗ “dùng nguồn năng lượng tiêu cực của họ cộng với tình cảm tiêu cực của tôi đối với họ, để tạo ra sự bùng nổ cảm xúc, đủ lớn, đủ mạnh để trợ giúp cho tôi thực hiện những giấc mơ gian khổ” (T.A (tổng hợp), 2014). Vai trò cá nhân đã làm nên kỳ tích Đại Nam, nhưng cũng chính vai trò cá nhân đã bộc lộ những hạn chế nhất định, khiến Đại Nam được định vị như một khu du lịch thiên hẳn về vui chơi - giải trí, thu hút chủ yếu là phân khúc khách bình dân, khách nội địa.
Kinh tế Bình Dương đã đi lên bằng năng lực tổ chức và sự hợp tác quốc gia và quốc tế. Trong thời đại kinh tế tri thức, du lịch Bình Dương chỉ có thể thực sự đi xa bằng cách hợp tác, huy động trí tuệ tập thể của ba nhà: Nhà quản lý, Nhà đầu tư, và Nhà khoa học.
2.3. Xét theo thời gian
Nguyên tắc 5: Hiện đại hóa

  Gốm sứ Minh Long là một trường hợp thành công dựa vào nội lực và tài năng cá nhân ở Bình Dương về mặt kinh tế. Minh Sáng Plaza là sự kết hợp giữa kinh tế và du lịch. Sự thành công này sẽ không có được nếu thiếu tinh thần hiện đại hóa. 
Sự hiện đại hóa rất cần cho du lịch, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và vai trò của Cách mạng công nghiệp 4.0. Thời đại bùng nổ của các hãng hàng không giá rẻ đã đem lại cho du lịch sự gia tăng số lượng du khách theo chiều thẳng đứng. Thời đại bùng nổ của mạng internet, sự hoàn thiện không ngừng của các công cụ tìm tin và điện thoại di động thông minh đã đưa thương mại điện tử đến tay mỗi người dân mọi lúc, mọi nơi. Trong bối cảnh đó, công tác quảng bá và xúc tiến du lịch của Bình Dương đã có nhiều cố gắng. Gần đây, các tài liệu giới thiệu du lịch đã được cung cấp miễn phí trên mạng; một số tài liệu xuất bản năm 2016-2017 đã được tái bản (có bổ sung, cập nhật thông tin). Tuy nhiên, ngay cả với những cố gắng như vậy, hiệu quả vẫn chưa cao. Truy cập website “dulichbinhduong.org.vn” vào ngày 29/05/2023, chỉ có 4 người đang trực tuyến và tổng lượng truy cập là 4805 lượt. Nguyên nhân của sự khác biệt chủ yếu là ở chỗ nội dung của dulichbinhduong.org.vn còn rất nghèo nàn và đơn điệu, thiếu sự tương tác và tiếp nhận phản hồi của người dùng. Ngoài ra, du lịch Bình Dương cần học tập các công ty tư nhân và các cá nhân bán lẻ trong việc quảng bá sản phẩm thông qua các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo...
3. Kết luận

   Mặc dù so với nhiều tỉnh thành khác, trong lĩnh vực du lịch, Bình Dương có tới 5 điểm bất lợi, song bù lại, Bình Dương lại có 2 điểm mạnh rất quan trọng. Trong đó, quan trọng nhất là sức mạnh về nhân tố con người (x. mục 1.2.3), thể hiện qua 4 yếu tố: (a) Thế mạnh tiềm năng của một tỉnh đi đầu về công nghiệp hóa - đô thị hóa; (b) Sự quan tâm ủng hộ của Chính quyền tỉnh, (c) Sự quyết tâm cao của lãnh đạo ngành, và (d) Sự năng động của những người dân ở một tỉnh công nghiệp - đô thị. “Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và các đề án phát triển du lịch đã được UBND tỉnh thông qua tạo nên một bộ khung pháp lý. Bộ khung pháp lý này sẽ phát huy được tác dụng khi ngành du lịch có chiến lược tối ưu để khắc phục 5 điểm yếu và phát huy tối đa 2 điểm mạnh. Năm nguyên tắc chiến lược đề xuất trong báo cáo này có thể giúp biến hy vọng đó thành hiện thực. Song để làm điều này, cần xây dựng những kịch bản với các giải pháp rất cụ thể để phối hợp 5 nguyên tắc này lại với nhau, trước mắt đưa ra khoảng 7-9 đề án tổ hợp điểm đến cụ thể có sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Và nếu trong vòng 10 năm tới Bình Dương hiện thực hóa được một nửa trong số đó, tạo nên những Đại Nam mới, bài bản hơn, huy động được sức mạnh tổng hợp và trí tuệ của ba nhà (nhà quản lý, nhà đầu tư và nhà khoa học) thì chắn chắn sẽ thực hiện được mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Tài liệu trích dẫn
1.    Báo Bình Dương (2018): Bình Dương cần làm gì để phát triển du lịch bền vững? https://binhduongmoi.com/binh-duong-can-lam-gi-de-phat-trien-du-lich-ben-vung/
2.    Đề án Phát triển (2013): Đề án Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 1878/QĐ-UBND ngày 01/08/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh)
3.    Đề án Tuyên truyền (2013): Đề án Tuyên truyền quảng bá, Xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 1877/QĐ-UBND ngày 01/08/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh)
4.    PCI Việt Nam (2017): Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2017. VCCI, USAID, PCI, 145 tr.
5.    Sở VHTTDL Bình Dương (2010): Báo cáo tổng hợp Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương & Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, 101 tr. 
6.    T.A (tổng hợp) (2014): Ông Dũng 'lò vôi' đã xây dựng Đại Nam như thế nào? https://news.zing.vn/ong-dung-lo-voi-da-xay-dung-dai-nam-nhu-the-nao-post477342.html
7.    Trần Ngọc Thêm (2016): Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai. Tp. HCM, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, 589 tr.
8.    WTTC Thailand (2018): Travel & Tourism Economic Impact 2018 Thailand. World Travel & Tourism Council, 24 p.
9.    WTTC Vietnam (2018): Travel & Tourism Economic Impact 2018 Vietnam. World Travel & Tourism Council, 24 p.
10.    WTTC World (2018): Travel & Tourism Economic Impact 2018 World. World Travel & Tourism Council, 24 p.
11.    Зорин И.В., Квартальнов В.А. (2014): Энциклопедия туризма. Справочник. Изд-во 'Финансы и статистика', 368 c.

 

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Trường Đại học KHXH và NV, ĐHQG Tp. HCM