Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bắc Giang: Ưu tiên phát triển du lịch văn hóa tâm linh

Trong hội nghị xúc tiến du lịch điểm đến Bắc Giang mới đây, lãnh đạo tỉnh đã cho biết du lịch văn hóa tâm linh là một trong 4 xu hướng du lịch được đầu tư phát triển với các sản phẩm cụ thể.

Tiềm năng phát triển du lịch văn hóa tâm linh của Bắc Giang

Với bề dày lịch sử văn hóa truyền thống, Bắc Giang có nhiều lợi thế để khai thác, phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Cụ thể tỉnh có 2.527 di tích, hơn 720 di tích được xếp hạng, 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 4 bảo vật quốc gia, hơn 800 lễ hội được tổ chức hàng năm. Đặc biệt chùa Bổ Đà, chùa Vĩnh Nghiêm là 2 điểm đến nổi tiếng ở Bắc Giang.

chua-bo-da-18-1696594102.jpg
Chùa Bổ Đà được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và Lễ hội Bổ Đà là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh: Nguyễn Văn Đức

Chùa Bổ Đà ở xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là điểm đến thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Tương truyền chùa có từ thời Lý (thể kỷ XI). Trải qua nhiều đời vua, chùa được tu bổ, tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc cổ với vẻ u tịch, huyền bí, linh thiêng. Trong khuôn viên chùa Bổ Đà có chùa Tứ Ân, vườn tháp, am Tam Đức, chùa Cao, ao Miếu.

Một ngôi chùa khác cũng có lượng khách đến tham quan, chiêm bái, vãn cảnh rất nhiều chính là chùa Vĩnh Nghiêm. Tương truyền chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng từ thời nhà Lý và trở thành trung tâm Phật giáo nổi tiếng thời Trần, ngoài thờ Phật còn thờ ba vị Trúc Lâm Tam Tổ là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Trang. Hiện nay, chùa Vĩnh Nghiêm lưu giữ kho Mộc bản với 3.050 bản, được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

xuonggiang1-1700019494.jpg
Thành cổ Xương Giang - Công trình văn hóa tâm linh trong quần thể di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Xương Giang - Ảnh: Trung tâm xúc tiến du lịch Xương Giang.

Thành cổ Xương Giang được xây dựng vào thế kỷ thứ XV. Đây là công trình văn hóa mang tính lịch sử, truyền thống thể hiện lòng biết ơn, ghi nhớ công lao các bậc tiền nhân đã có công giữ nước. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Địa điểm Chiến thắng Xương Giang là Di tích Quốc gia đặc biệt. 

Theo ông Đỗ Tuấn Khoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể Thao, Du lịch Bắc Giang cho biết tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa tâm linh, tạo liên kết vùng với các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Ninh... Bên cạnh đó, tỉnh cũng có nhiều chính sách ưu tiên như tiếp tục xây dựng, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa gắn với "Con đường Hoàng dương Phật pháp", phục dựng các điểm di tích, phát triển du lịch Tây Yên Tử thành thương hiệu du lịch đặc sắc của Bắc Giang.

Các sản phẩm du lịch trọng điểm

Cũng trong hội nghị xúc tiến du lịch vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã báo cáo về sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh. Trong đó đáng chú ý phải kể đến Hành trình Theo dấu chân Phật Hoàng. Theo đó, tour xuất phát từ Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội đến các điểm như Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm,... Du khách sẽ được tìm hiểu về con đường hành đạo và thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước.

chua-bo-da-5-1696583472.jpg
Du khách đến các điểm di tích văn hóa để chiêm bái, vãn cảnh, tìm hiểu về lịch sử, truyền thống - Ảnh: Nguyễn Văn Đức

Ông Nguyễn Xuân Quỳnh - Đại diện liên minh Hành trình tâm linh xây dựng nên sản phẩm du lịch Hành trình theo dấu chân Phật Hoàng cho biết, nhóm không muốn chỉ thực hiện tour này ở một tỉnh là Bắc Giang mà sẽ lan tỏa ra các tỉnh, thành phố xung quanh như Hải Dương, Quảng Ninh, Ninh Bình,... Từ đó, phát triển sản phẩm Theo dấu chân Phật Hoàng trở thành sản phẩm du lịch tâm linh quốc gia.

xuonggiang3-1700019494.jpg
Nữ du khách diện đồ truyền thống chụp ảnh kỷ niệm tại đền Xương Giang - Ảnh: A Lý Studio/Trung tâm xúc tiến du lịch Xương Giang

Với những đề xuất này, ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng thông thường nói đến du lịch tâm linh gắn với các chuyến hành hương đến các địa điểm tôn giáo như đền, chùa, nơi thờ tự... Tuy nhiên, đó chỉ là một khía cạnh nhỏ và cần phát triển ở cấp độ rộng lớn hơn.

“Mục tiêu của du lịch văn hóa tâm linh là làm thế nào để du khách hiểu rõ hơn về lịch sử. Nếu chúng ta đi theo hướng đưa khách đến để lễ lạt, đây không phải là công việc của du lịch mà của hướng tôn giáo. Người làm du lịch cần quan tâm đến điểm đến du lịch và phân biệt rõ khách hành hương và khách du lịch. Khách du lịch đến các điểm đến tôn giáo ngoài cảm nhận không gian bình yên, cảm nhận vẻ đẹp của kiến trúc truyền thống và cảm nhận vẻ linh thiêng. Chính vì thế, cần có các góc tiếp cận khác nhau để xây dựng sản phẩm phù hợp" - ông Phùng Quang Thắng chia sẻ.

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng bày tỏ sự đồng tình trước những chia sẻ này: "Bắc Giang là một địa điểm có nhiều tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, tâm linh vì đây là tỉnh có bề dày lịch sử, nền văn hóa sâu sắc, độc đáo. Trong đó, Hành trình theo dấu chân Phật Hoàng, Tây Yên Tử... có thể khai thác được giá trị lịch sử, văn hóa.

Ngoài ra, du lịch văn hóa còn có nhiều yếu tố khác như thiên nhiên. Vì thế ý kiến của ông Phùng Quang Thắng là ý kiến rất đúng và sâu, sát, đúng với thực tế. Trong văn hóa tâm linh có rất nhiều khái niệm và chúng ta phải phân biệt rõ đâu là du lịch, đâu là tôn giáo để có được định hướng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của du khách".

Đoàn Hòa