Tỉnh Thái Nguyên có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, gần sân bay quốc tế Nội Bài. Vùng đất “Đệ nhất danh Trà” có tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa phong phú, có giá trị để phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Những năm gần đây, hoạt động du lịch Thái Nguyên đã có nhiều khởi sắc, phát triển được những sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng trên cơ sở phát huy về lợi thế, tiềm năng, tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách.
Phát biểu khai mạc tại sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Tuân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết với những thế mạnh, đặc trưng riêng của mình, năm 2023 tổng số khách du lịch đến Thái Nguyên đạt gần 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế trên 20 nghìn lượt, khách nội địa trên 2,4 triệu lượt. Trong quý I/2024, số lượt khách du lịch đạt trên 1,1 triệu lượt khách.
Hội nghị lần này nhằm thúc đẩy chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Thái Nguyên và các tỉnh Đông Bắc với TPHCM cũng như các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; đồng thời quảng bá, giới thiệu về tiềm năng thế mạnh, các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn, nét văn hóa, ẩm thực độc đáo của đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đến đại biểu tham gia hội nghị; thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Đồng thời đây là cơ hội tạo cầu nối để các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội đối tác đầu tư, ký kết hợp tác khai thác phát triển tối đa tài nguyên du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch đặc trưng góp phần tăng lượng khách du lịch đến với Thái Nguyên. Tăng cường xúc tiến, hợp tác xây dựng sản phẩm, tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Thái Nguyên đến với du khách trong và ngoài nước.
Tại hội nghị hôm nay tôi đề nghị trong thời gian tới Thái Nguyên cần tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng đẩy mạnh kết nối vùng miền, kết nối với cả nước và kết nối với khu vực, bảo đảm đồng bộ, liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch gắn với phát triển xanh, bền vững; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch đa dạng, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao. Phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả, thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đi vào chiều sâu; định hướng quy hoạch phát triển hạn chế đến mức tối đa các sản phẩm du lịch có sự tương đồng, trùng lặp giữa các địa phương trong vùng.
Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng, đồng thời chú trọng tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội tỉnh, nội vùng nhằm tạo nền tảng cơ sở vật chất dịch vụ du lịch của địa phương ngày càng tốt hơn nhằm đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác hợp tác, liên kết vùng.
Thứ ba, lấy thước đo hiệu quả của các doanh nghiệp thông qua việc các địa phương, các ngành chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành đẩy mạnh đưa khách đến thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phụ cận và ngược lại các tỉnh, thành miền trong tăng cường đẩy mạnh đưa khách đến Thái Nguyên và các tỉnh miền Bắc.
Thứ tư, các địa phương trong nội vùng chủ động liên kết, hợp tác xây dựng, giới thiệu các sản phẩm du lịch, các gói liên kết kích cầu du lịch nội vùng lẫn nhau theo hướng ưu đãi, ưu tiên, ủng hộ sử dụng dịch vụ của nhau cùng thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.
Thứ năm, các tỉnh, thành thường xuyên liên kết, hợp tác quảng bá và xúc tiến tại sự kiện trong nước; từng bước cùng thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch tại nước ngoài để thu hút khách quốc tế. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương để triển khai các hoạt động liên kết phát triển du lịch ngày càng hiệu quả, hướng đến trao đổi khách hai chiều, tạo thêm thị trường cho các điểm đến.
Thứ sáu, định kỳ đánh giá kết quả liên kết, hợp tác và cùng đề ra nhiệm vụ mới cho gia đoạn phát triển tiếp theo giữa các địa phương, các vùng, miền.