Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Xin chữ đầu năm: Nét đẹp văn hoá ngày Tết

Những ngày đầu năm, hình ảnh ông đồ cho chữ đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Trong không khí rộn ràng, những nét chữ mang đậm bản sắc văn hóa, tinh hoa người Việt được viết nắn nót trên giấy đỏ khiến ai nấy hân hoan, hạnh phúc.

Cùng với tục khai bút đầu năm, việc cho chữ trở thành nét đẹp văn hoá của người Việt, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, trọng tri thức, chữ nghĩa cùng mong cầu năm mới bình an. 

Trong dân gian chơi chữ và xin chữ của các ông đồ vào dịp Tết trở thành phong tục quen thuộc, mong muốn mang con chữ hay chính ý nghĩa con chữ đại diện về nhà. Người dân quê đặc biệt trân trọng những con chữ, các tấm hoành phi, câu đối thường treo trước cửa, giữa nhà, những nơi nổi bật dễ nhìn thấy thể hiện sự trang trọng.   

090ddcfa7c13a64dff02-1706258072.jpg
Tục xin chữ và cho chữ vài năm trở lại đây đang dần trở thành một nét văn hóa đầu xuân. Ảnh: Y Thanh 

Theo nghệ nhân thư pháp Lưu Thanh Hải, chủ nhiệm CLB Thư pháp Nét Việt tại Nhà Văn hóa Thanh niên, ông đồ ngày xưa là người có tuổi, dạy học trong làng. Những ông đồ có sức ảnh hưởng lớn khi trao truyền con chữ, tư tưởng thánh hiền. Vào ngày Tết, những thầy giáo ấy lại bày nghiên mực, giấy đỏ trao phát ước nguyện của người dân vào từng nét bút tinh tế. 

Theo sự phát triển của xã hội, thư pháp và văn hoá xin - cho chữ ngày Tết càng mở rộng: “Thư pháp xưa dùng chữ Hán, Nôm viết theo thể triện, hành, khải… do đó người dân khó hiểu được ý nghĩa trong con chữ. Ngày nay thư pháp dùng chữ quốc ngữ, người dân có thể đọc hiểu”, nghệ nhân Lưu Thanh Hải chia sẻ.

649e746ba5ad0ef357bc49-1706258187.jpg
Nghệ nhân Lưu Thanh Hải cho chữ tại buổi triển lãm của mình.  Ảnh: NVCC

Cùng với nhu cầu xin chữ ngày Tết, nhiều các bạn trẻ tìm tòi, theo đuổi bộ môn thư pháp. Với anh Phạm Văn Nguyên, chủ nhiệm CLB Thư pháp tại NVHTN cho biết lý do anh chọn nghề cho chữ tất cả đều do tình yêu, đam mê với con chữ, đam mê tinh hoa nghệ thuật lâu đời của dân tộc. 

Theo anh Nguyên vào ngày Tết người dân có xu hướng xin những chữ cầu về bình an, gia đạo, mong muốn năm mới nhiều sức khỏe, công việc thuận lợi. Trong những năm này anh Nguyên được xin chữ An nhiều nhất. Một chữ đơn giản nhưng chứa đựng bao điều muốn nói, đó là một cuộc sống an lành, một chỗ an cư lạc nghiệp, an toàn trong mọi việc… Chắc hẳn sau thời gian đau thương của đai dịch, người dân chỉ cầu một sự an bình của hiện tại. 

untitled-1800-x-2400-px-2-1706258342.jpg
Người trẻ đam mê thư pháp, diện áo dài khăn đóng tại phố Ông Đồ. Ảnh: Y Thanh 

Viết thư pháp không phải chuyện đơn giản. Mỗi chữ viết ra bằng cả Trí - Thần - Lực của người cho chữ nên không chỉ mang ý nghĩa về chuyện học, đây còn là tác phẩm thư pháp: “Viết thư pháp là vẽ nội tâm, mỗi lần viết là một sự trải lòng”, nghệ nhân thư pháp Lưu Thanh Hải bày tỏ. 

Ngày xưa một chữ quý tựa nghìn vàng. Người cho chữ cẩn trọng dồn hết tâm tư, cái hồn của mình vào đường đi của từng nét cọ điêu luyện để có cái thần của nét chữ sao cho đẹp cả hình thức và nội dung. Trong “Chữ người tử tù”, cũng chính chính vì tài năng thư hoạ mà Huấn Cao, một tử tù lại được viên quan giám ngục kính trọng, năn nỉ xin con chữ.  

ed08a79e6d58c6069f4951-1706258187.jpg
Nghệ nhân thư pháp Lưu Thanh Hải: "Việc phục dựng hình ảnh ông đồ xưa trong xã hội hiện đại thì rất hay, đó là một nét văn hóa rất cần giữ gìn". Ảnh: NVCC

Người cho đặt tâm, người nhận lại quý trọng không kém, kiên nhẫn chờ đợi chữ thật khô để gói ghém cẩn thận mang về. Từ đời xưa khi muốn xin chữ, người xin phải chuẩn bị một lễ nhỏ gồm cau trầu, chè thuốc đến nhà thầy đồ, thầy giáo. Ngày nay, việc xin chữ cũng không còn nặng nghi lễ như thuở xưa. Hoạt động chơi chữ ngày Tết đang ngày một phát triển và được chú trọng hơn. Điều đó khẳng định dù cuộc sống ngày có hối hả nhưng con người ta vẫn không quên đi những phong tục cũ, nét văn hoá truyền thống lâu đời. 

Y Thanh